Cựu Đội trưởng Đội truy nã và những lần giáp mặt trùm giang hồ khét tiếng Hà Thành

Phùng Bình |

Gần 40 năm với nghiệp trinh sát hình sự, từng đối diện với đủ loại tội phạm, Thượng tá Phan Trọng Thắng (nguyên là Đội trưởng Đội truy nã, Phòng Cảnh sát hình sự - PC45, Công an TP Hà Nội) luôn rực cháy ngọn lửa với nghề.

Ông từng chạm mặt với trùm giang hồ Khánh “trắng”, khống chế đại ca Chiến “cương” hay khuất phục “bà trùm” buôn vàng xuyên lục địa. Đó là những lần “chạm trán” gay gắt, đầy rủi ro của những trinh sát hình sự để bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân... 

Bắt tội phạm trốn nã ngày Tết

Chiều đông ở một quán cà phê ven Hồ Gươm, Thượng tá Phan Trọng Thắng, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa hồi ức lại những kỷ niệm trong nghề, những lần cận kề cái chết.

Trò chuyện niềm nở, chân tình về cuộc sống, về nhân tình thế thái nhưng ông lại rất kiệm lời khi kể về công việc của mình.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã được đồng nghiệp cũ của ông giới thiệu: Trong những thập niên 80, 90 của thế kỉ trước, chỉ cần nhắc đến tên Thắng Hàng Buồm thì nhiều tên tội phạm liều lĩnh cũng phải rùng mình.

Thượng tá Phan Trọng Thắng (SN 1954, ở Thanh Hóa) sinh ra trong một gia đình nghèo hiếu học. Lớn lên, ông thi đỗ vào Trường Trung cấp Cảnh sát. Ông Thắng có duyên với nghề trinh sát và gắn bó với công việc này trong suốt gần 40 năm.

Ông từng tham gia nhiều vụ trọng án, chuyên án đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm hình sự nghiêm trọng.

Những chuyên án nổi đình, nổi đám thời ấy như Khánh “trắng”; Chiến “cương” hay “bà trùm” buôn vàng và đô la qua đường hàng không thời “tem phiếu”… đều có sự tham gia tích cực của ông với vai trò trinh sát. Đó là những vụ án để lại dấu ấn của Thượng tá Thắng.

Trầm ngâm hồi lâu, ông Thắng mới nói: “Cái nghề của chúng tôi đặc biệt lắm, vinh quang đấy nhưng nguy hiểm thì vô cùng. Đến bây giờ nhiều vụ án vẫn còn ám ảnh trong ký ức tôi mỗi khi đi qua hiện trường hay nơi mình bắt truy đối tượng.

Trong đó phải kể đến vụ án Chiến “cương” ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chiến “cương” là tên lưu manh giết nhiều người, cướp của và trốn truy nã cả chục năm”.

Thượng tá Phan Trọng Thắng kể về những thời khắc sinh tử khi đối mặt với những “trùm giang hồ” cộm cán.
Phùng Bình
Thượng tá Phan Trọng Thắng kể về những thời khắc sinh tử khi đối mặt với những “trùm giang hồ” cộm cán. Phùng Bình

Vụ án xảy ra vào năm 1992 ở Hà Nội. Một cặp vợ chồng chở nhau đi mua thuốc, trong khi người vợ vào cửa hàng, người chồng đứng đợi bên ngoài.

Tên cướp Chiến “cương” đã sử dụng súng để khống chế người chồng nhằm cướp xe máy nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Hắn lạnh lùng bóp cò súng hòng thực hiện bằng được dã tâm.

Nghe tiếng súng nổ, người dân ngay lập tức tri hô và đuổi theo, Chiến “cương” đã không ngần ngại chĩa súng vào người dân bắn. Nghe tiếng kêu la, một chiến sĩ Công an phường Hàng Đào gần đó cũng lập tức đuổi theo và bị hắn bắn trọng thương.

Vụ cướp táo tợn giữa ban ngày gây chấn động dư luận thời bấy giờ. Ngày đó, Thượng tá Thắng đang phụ trách hình sự của Công an quận Hoàn Kiếm và được giao phụ trách điều tra vụ án này.

Mặc dù đã xác định đúng đối tượng, thế nhưng với sự gian manh, khôn lỏi của mình, Chiến “cương” đã lẩn trốn được sự truy bắt của các trinh sát.

Sau 10 năm trốn chạy, lấy vợ sinh con và đưa cả gia đình cư ngụ trên một chiếc thuyền ven sông Hồng, những tưởng mọi chuyện sẽ yên ổn, thế nhưng lưới trời lồng lộng, Chiến “cương” đã bị sa lưới.

Kể lại ngày cùng hàng chục đồng đội ra sông Hồng bắt Chiến “cương”, Thượng tá Thắng nói: “Nhận được tin báo đối tượng đang có mặt tại Thạch Bàn (Hà Nội), chúng tôi nhanh chóng lập ba mũi trinh sát đến địa phận sông Hồng, nơi gia đình hắn sinh sống.

Tôi còn nhớ như in hôm đó là ngày cúng ông Táo - 23 tháng Chạp, chúng tôi thuê thuyền đến áp sát thuyền của gia đình Chiến “cương”. Anh em trinh sát lúc này xác định sẽ quyết tâm truy bắt hung thủ, kể cả nhảy xuống sông.

Nhận định đối tượng rất nguy hiểm, có vũ khí lại vô cùng gian manh nên các trinh sát phải đóng giả là người dân buôn bán chở ngô qua sông. Chiếc thuyền cứ thế chạy chậm đến khi tiến sát thuyền đối tượng. Nghe thấy “động”, Chiến “cương” mặt ngó ra ngoài”.

Khi Thượng tá Thắng hô to tên Chiến “cương” thì gã giang hồ năm nào bỗng giật mình. Tuy nhiên, hắn đã nhanh chóng trả lời rằng nhầm người.

Rất nhanh chóng, Thượng tá Thắng cùng hai trinh sát đã nhảy sang thuyền khóa tay Chiến “cương”, lúc này mới biết trên tay hắn đã nhăm nhăm khẩu súng. Ban đầu, Chiến “cương” còn đưa ra giấy tờ giả mang tên người khác.

Tuy nhiên, qua nắm bắt được đặc điểm nhận dạng của hung thủ (Chiến “cương” từng chặt một ngón tay do hận bố) nên Chiến đã phải ngoan ngoãn tra tay vào còng.

Thượng tá Thắng chạnh lòng: “Giết người phải đền tội, dù có trốn tránh bao nhiêu năm cũng không thể thoát được. Chỉ buồn nhất là lúc chúng tôi áp giải đối tượng lên bờ, các con nhỏ của Chiến cứ ngơ ngác nhìn bố.

Trong cái giá rét căm căm của những ngày cuối năm, bước chân hai đứa trẻ đi xiêu vẹo khi các trinh sát đưa lên bờ. Bởi lẽ, từ khi chúng được nhìn “mặt trời”, chúng chỉ quanh năm sống ở con thuyền trên sông nước để cùng người cha trốn chạy tội ác…”.

Bắt bà trùm buôn vàng, đô la chấn động thời bao cấp

Sông Hồng, nơi từng ghi dấu ấn của Thượng tá Thắng trong vụ bắt gọn đại ca Chiến “cương” sau 10 năm trốn truy nã. 	Ảnh: P.B
Sông Hồng, nơi từng ghi dấu ấn của Thượng tá Thắng trong vụ bắt gọn đại ca Chiến “cương” sau 10 năm trốn truy nã. Ảnh: P.B

Từ những vụ án giết người cướp của đến những vụ án vì lòng tham, vì tiền bạc mà bất chấp tất cả, Thượng tá Thắng kể cho chúng tôi một câu chuyện mà đọng lại trong ông nhiều trăn trở về cuộc đời.

Đó là chuyên án mang bí danh VĐ6 về phá đường dây buôn bán vàng, đô la được thành lập vào năm 1986.

Đường dây này do một bà trùm tên Lan cầm đầu, thường xuyên tổ chức buôn bán vàng qua biên giới Campuchia và Thái Lan trái phép bằng đường hàng không. Ban chuyên án đã mất nhiều thời gian, công sức để nắm được hoạt động đường dây này.

Nhận diện đối tượng cầm đầu là một “bà trùm” tên Lan, nhà ở phố cổ Hà Nội, Thượng tá Thắng cùng đồng nghiệp mật phục, kín đáo bám theo đối tượng. “Bà trùm” này rất ít khi xuất hiện và thường chỉ đạo đàn em hành động.

Trong một phi vụ buôn bán lớn, “bà trùm” trực tiếp đến nhận phần vàng lợi nhuận và nhanh chóng được đàn em đưa về nhà. Thời cơ đã đến,  Thượng tá Thắng cùng anh em trinh sát ập vào nhà bắt khẩn cấp đối tượng Lan và tổ chức khám nhà.

Quá bất ngờ, không kịp trở tay nên “bà trùm” nhanh chóng bị bắt. Khám xét, cơ quan công an thu giữ được một khối lượng vàng hàng chục kilôgam, nhiều xấp tiền đô la cùng với 60 triệu đồng tiền mặt.

Thượng tá Thắng cho biết, những năm thời bao cấp đó là số tài sản khổng lồ đủ để mua cả chục căn biệt thự hạng sang.

Về sau, các “chân rết” trong đường dây này cũng lần lượt bị tóm gọn, chuyên án VĐ6 kết thúc.

Thượng tá Thắng kể, có lần ông vào trại tạm giam gặp “bà trùm” để thu thập thêm lời khai thì bà ta tâm sự: “Nhờ việc buôn lậu vàng và đô la, tôi rất giàu, có nhiều tiền bạc. Ngày trước, những thức ngon đắt đỏ tôi chưa bao giờ dám bỏ tiền ra mua.

Giờ thì tan biến hết…”. Sau đó không lâu, người đàn bà này vì tiếc tiền của mà sinh bệnh rồi chết trong trại giam.

Sau này, một trong những dấu ấn của Thượng tá Phan Trọng Thắng chính là vụ truy bắt Khánh “trắng”, tên thật là Dương Văn Khánh, là một nhân vật cầm đầu băng đảng xã hội đen khét tiếng Hà Nội trong những năm cuối của thế kỷ 20.

Khánh “trắng” SN 1956, tại Hà Nội; bị bắt chiều ngày 24/5/1996 ngay tại nhà riêng ở số nhà 31/10 phố Nguyễn Thiệp, Hà Nội.

Nói tới Khánh “trắng”, người ta nghĩ ngay tới một tên tội phạm khét tiếng về những vụ án giết người, cướp của, chạy án làm kinh hoàng người dân Hà Thành.

Là người nhiều lần “chạm trán” với Khánh “trắng”, Thượng tá Thắng biết được đằng sau cái vỏ bọc buôn bán là “trùm giang hồ” với thế lực rất lớn. Ông từng đề xuất lên cấp trên lập chuyên án nhưng rất tiếc, vì nhiều lý do Khánh “trắng” vẫn “lọt lưới”.

Sau này khi sự bành trướng của Khánh “trắng” quá lớn với những tội ác tày đình thì hắn và đồng bọn đã phải đền tội bằng án tử hình.

Ngậm ngùi kể về những gian truân trong cuộc sống mà cái nghề tạo nên cái nghiệp đeo bám mình, Thượng tá Thắng bùi ngùi: “Trinh sát như chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ ngơi trọn vẹn mà bất cứ khi nào, dù đang ở đâu, làm gì chỉ cần nhận được lệnh là phải lập tức làm nhiệm vụ.

Thế nên những dịp lễ Tết, chúng tôi cũng có rất ít thời gian dành cho gia đình, mọi trách nhiệm hầu như dồn lên vai người vợ”.

Quả thật, vì cái tâm và sự gắn bó với nghề, những trinh sát hình sự đã phải đánh đổi mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt để giữ bình yên cho xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại