Cuốn tự truyện của kẻ tử tù bị lãng quên

trangnguyen |

Gã 11 năm nằm phòng biệt giam chờ đợi ngày ra pháp trường. Người ta gọi gã là tử tù bị bỏ quên.

 Suốt thời gian ấy, gã đã bập bẹ viết một cuốn nhật ký nói lên sự sám hối của mình. Kỳ lạ hơn là cuốn tự truyện ấy vừa đạt giải nhất cuộc thi "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" do Tổng cục VIII Bộ Công an phát động. 

 Tử tù đặc biệt 

 "Tôi là Đặng Văn Thế, sinh ngày 22/07/1975. Năm mà trước ngày tôi chào đời hai tháng, quân và dân ta đã thẳng tiến về Dinh Độc Lập để bắt sống Dương Văn Minh để hai miền Nam Bắc được thống nhất thành một dải.

Sinh tôi ra đúng vào tháng 5 lịch sử đó, bố mẹ tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm được một việc gì đó, có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng thật là đắng cay và đau xót, vì chẳng những tôi không làm được việc gì có ích cho xã hội mà tôi lại là kẻ tội đồ của gia đình và xã hội - khi tôi đang tâm gieo rắc cái chết trắng cho mọi người...". Đó là những dòng giới thiệu về bản thân của Đặng Văn Thế trong cuốn tự tuyện của gã. 

cuon-tu-truyen-cua-ke-tu-tu-bi-lang-quen

 Tử tù Đặng Văn Thế. 

 Đặng Văn Thế "dính" án tử hình bởi tội danh buôn bán, vận chuyển 20kg thuốc phiện. Với công việc của một lơ xe đường dài, thuộc trục đường miền Tây Nghệ An- mảnh đất nóng của ma túy, Thế có điều kiện để kiêm thêm "nghề tay trái" là vận chuyển "cơm đen".

Sau 3 chuyến xuôi chèo mát mái, Thế ôm về 18 triệu tiền hoa hồng. Thấy làm giàu không khó, gã tiếp tục lao vào con đường gieo rắc cái chết như cần câu cơm.

Lúc đó gã bước sang tuổi 22, vừa cưới vợ được hơn một tháng. Nhưng ngày 15/8/1997, trên đường vận chuyển 20kg thuốc phiện đi tiêu thụ, Thế đã bị bắt quả tang.

Ngày 23/6/1998, Đặng Văn Thế đã bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt mức án cao nhất. 

 Giờ ngồi nhớ lại ngày mình đứng trước vành móng ngựa, gã vẫn rưng rưng buồn. Thế kể tôi nghe trong những dòng cảm xúc bị ngắt quãng. Giờ phút chủ tọa tuyên án bị cáo Đặng Văn Thế bị tử hình, người mẹ già 70 tuổi và cô vợ trẻ của gã bất tỉnh ngay tại hội trường xét xử.

Gã được đưa ra xe thùng mà đầu cứ cố gắng ngoái lại tìm những hình ảnh thân quen. Trong tâm trạng rối bời, chồng chất cảm xúc, đôi mắt tuyệt vọng của gã tìm thấy ánh mắt khắc khoải của mẹ. Đôi mắt đó đã đi theo gã suốt những năm tháng bước trên đường hướng thiện. 

 Những ngày đầu mới vào trại, được giam trong khu vực dành cho tử tù, gã nhớ mẹ, nhớ vợ da diết. Nước mắt cứ thế lăn dài hai gò má, mỗi khi chiều buông ánh hoàng hôn.

Nửa tháng sau, vào một ngày nắng nóng trung tuần tháng 7/2000, Đặng Văn Thế đón nhận thêm "bản án tử lần thứ hai"-  án tử hình dành cho con tim (theo cách gã gọi nỗi đau của mình-PV).

Đang ngồi nghĩ vẩn vơ những tháng ngày sống sót ngắn ngủi, Thế được cán bộ thông báo có người nhà đến thăm. Gã biết đó là vợ mới cưới, nên khấp khởi vui mừng. Khoác lên người bộ quần áo vợ may cho ngày cưới, gã bước theo cán bộ trại... 

 "Sáng hôm đó trời mưa rất lớn, cơn mưa như trút nước từ đâu đổ về, làm ngập cả con đường từ nhà giam ra phòng tiếp dân, cho dù hôm đó là mùa hè", gã nhớ lại.

Sau khi hỏi thăm sức khỏe của chồng, cô vợ hai hàng nước mắt ngắn dài tuôn trào. "Thú thực lúc ấy tôi nghĩ cô ấy khóc vì thương tôi, vì lo cho cuộc sống của tôi đang phải đếm từng ngày.

Nhưng thật là cay đắng cho tôi, vì những giọt nước mắt đó là khúc dạo đầu cho "bản án tử hình" mà cô ấy đã tuyên cho tôi...", Thế viết trong cuốn nhật ký của mình.

Đưa bàn tay run run vì cảm xúc bị nghẹn lại, gã ký vào lá đơn li dị vợ đã chuẩn bị sẵn ở nhà. Lòng như bị xé nát trăm bề, nhưng gã vẫn mỉm cười, nắm tay vợ chúc hạnh phúc lần cuối, trước khi theo cán bộ về phòng. Gã ý thức được rằng, đây có thể là lần cuối gã nhìn thấy vợ mình và lần cuối cho cảm giác mình đã có một gia đình. 

 Gã về phòng nằm nhưng không sao chợp mắt. "Trong tôi luôn có cảm giác thật khó tả, tôi vui vì đã mang đến tự do cho vợ, và cũng rất buồn vì tôi đã đánh mất đi chỗ dựa và nguồn động viên lớn lao của mình.

Tối hôm đó, tôi nghĩ đến cảm giác cô đơn gặm nhấm tâm hồn tôi trong những ngày còn lại của kẻ tử tội, nên tôi đã ném tung gói quà mà cô ấy gửi.

Sau này, tôi đã viết mấy câu thơ về cô ấy rằng: Em ra đi khi bình minh tắt nắng/ Bỏ lại tôi một bóng tối hoàng hôn/ Lệ tuôn rơi nhưng sao không khóc nổi/ Bởi giờ đây em là vợ người ta", gã đã chia sẻ những cảm xúc trong lòng qua những trang nhật ký như vậy. 

cuon-tu-truyen-cua-ke-tu-tu-bi-lang-quen

 Một bài thơ Thế viết trong phòng biệt giam. 

 Sống như ngày mai sẽ chết 

 Một ngày thu nắng đẹp, gã vỡ òa khi được đọc tờ công văn hoãn thi hành án tử hình. Nhưng chờ đợi mãi hết năm này qua năm khác, vẫn không thấy một kết luận cuối cùng cho mình.

Chính vì thế, suốt 11 năm, ngày nào gã cũng sống như ngày mai sẽ chết vậy. Để giết thời gian, gã bập bẹ viết nhật ký để ghi lại những tháng ngày ngắn ngủi còn tồn tại ở chốn dương gian. Trong đó là những dòng chia sẻ tâm trạng, và hơn hết là sự sám hối của một tử tù chờ thi hành án. 

 Những đêm dài mất ngủ làm cặp mắt của gã tử tù thâm quầng. Dẫu trong lòng vẫn le lói một tia hi vọng về sự đặc xá, nhưng sự im lặng đã khiến gã luôn mơ hồ đến cái ngày phải ra pháp trường.

Trong cuốn tự truyện, gã đã nói về cảm xúc ấy. Giữa đêm khuya mưa to gió lớn, gã không tài nào chợp nổi mắt. Bất chợt nghe tiếng lenh keng mở khóa, giật bắn mình, gã bật dậy ngóng.

Hay là thời khắc của mình đã điểm, tim gã đập mạnh liên hồi. Phải đến khi cán bộ trại giam ngó cổ vào hỏi thăm, gã mới hoàn hồn. Đặt lưng xuống xiềng, nước mắt gã cứ thế tuôn trào. Thế khóc ngon lành như một đứa trẻ. 

 Từ ngày vào trại, gã liên tiếp nhận được những nỗi đau từ gia đình. Một buổi chiều cuối xuân, được cán bộ cho ra ngoài tập thể dục, Thế tình cờ phát hiện ra anh cả của mình đang đứng sau một nhà giam khác.

Việc phải chứng kiến người thân của mình ở cùng cảnh trong trại giam là điều không một phạm nhân nào mong muốn. Đối với gã điều đó lại càng chua xót hơn, vì gã là một tử tù!

Sau những lời hỏi thăm, động viên anh cố gắng cải tạo tốt, Thế lặng người khi được biết, người anh trai ở quê nhà đã mất. "Lúc đó tôi vô cùng đau xót khi mà một lúc phải chứng kiến hai sự việc như vậy.

Tối hôm đó khi bưng bát cơm lên chưa kịp ăn một thìa nào thì một lần nữa nước mắt tôi lại tuôn trào. Tôi khóc vì ân hận cho việc làm tội lỗi của mình, vì thương cho bố mẹ tôi. Chỉ vì suy nghĩ nông cạn của anh em tôi mà bố mẹ tôi đã gần như mất một lúc ba núm ruột của mình".

 "Gần một tuần sau, tôi được gặp bố mẹ. Nhìn khuôn mặt nhăn nheo của mẹ, mái đầu bạc trắng của cha mà lòng tôi như có muối xát. Tôi quỳ xuống ôm lấy mẹ và khóc, tôi cũng cảm nhận được đôi vai gầy của mẹ tôi cũng đang run lên.

Ngẩng đầu lên tôi thấy mẹ  định nói câu gì đó thì bố tôi đã kịp ngăn lại. Bố tôi bảo: Con cứ yên tâm cải tạo cho tốt, cha mẹ và anh chị ở nhà đều khỏe cả con đừng bận tâm. Nghe câu nói của cha tôi mà tôi cảm thấy thật là đắng lòng". Đoạn nhật ký này của Đặng Văn Thế nhòe đi bởi giọt nước mắt thấm xuống trang giấy. 

 Nỗi đau này chưa đi, nỗi đau khác đã tới, Thế mệt mỏi, rơi vào trạng thái trầm cảm. Một giám thị trại giam đã cho Thế một con mèo tam thể để bầu bạn, hắn đặt tên là Mương.

"Sau hơn 2 tháng mang thai, bạn Mương đã cho ra đời lần lượt 3 chú mèo con. 3 công dân mới của phòng biệt giam tử tù lần lượt được tôi đặt tên là Xe, Pháo, Mã. Sau này Pháo còn sinh hạ cho tôi 3 lứa nữa, lứa đầu được 3 con, đôi đặt tên theo các ngôi sao bóng đá: Beckham, Rooney, Toti.

Lứa thứ 3 là lứa trước ngày tôi được xuống xiềng gần 1 tháng, lứa này được 4 con, tôi đặt tên là Mùa -Xuân- Đã- Đến và đem tặng cho cán bộ. 4 con mèo với 4 cái tên ý nghĩa này dường như đã mang lại điềm lành cho tôi, vì sau đó 1 tháng, tôi nhận được quyết định ân xá từ tử hình xuống chung thân.

Đó là ngày 23/6/2009... Đúng 17h, sau đúng 11 năm bị xiềng, tôi được khai sinh ra lần thứ hai. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ cải tạo thật tốt để xứng đáng với những ân huệ mà tôi nhận được. Tối hôm đó, tôi được chuyển vào buồng giam cùng với 4 phạm nhân thường án khác". 

Cuốn tự truyện này, về sau đã nhận được giải cao nhất của cuộc thi Sự hối hận và niềm tin hướng thiện, do Tổng cục VIII Bộ Công an phát động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại