Biết bà lão 88 tuổi sống đơn thân trong căn chòi tạm bợ, lợi dụng đêm khuya vắng người, hai đối tượng lạ mặt đã xông vào nhà khống chế và giở trò đồi bại. Sau khi thoả mãn dục vọng thấp hèn, chúng đã nhanh chân tẩu thoát.
Vụ việc không những gây phẫn nộ trong dư luận mà còn là hồi chuông báo động về sự xói mòn đạo đức, xu hướng tội phạm biến thái cần phải bị lên án và quyết liệt ngăn chặn.
Tủi nhục tuổi bóng xế còn bị hại đời
Luật sư Ngô Việt Bắc (VP Luật sư Sài Gòn - Tây Nguyên) phân tích: Với vụ việc trên có thể thấy một số điểm. Thứ nhất, hai đối tượng cùng bàn nhau khống chế hãm hiếp cụ bà, điều này có tính chất phạm tội có tổ chức.
Dùng tay bịt miệng và đe dọa để hãm hiếp khi cụ bà ở một mình, tuổi cao sức yếu điều này có tính chất dùng vũ lực uy hiếp. Hành vi phạm tội của các đối tượng đã gây tổn hại thể xác (gây chảy máu), tổn hại tinh thần của bà cụ.
Do đó, theo điều 111 (Bộ luật hình sự hiện hành quy định về tội hiếp dâm) thì các đối tượng phạm tội hiếp dâm.
Theo khoản 2, điều 111 quy định, nếu phạm tội có tổ chức; nhiều người hiếp một người; phạm tội gây thương tổn nạn nhân từ 31% đến 60% sức khỏe, thì đối tượng có thể bị phạt mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Sáng 31/3, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các ngành chức năng địa phương ráo riết truy tìm hành tung hai kẻ lạ mặt đã cưỡng hiếp cụ bà Huỳnh Thị B. (88 tuổi, trú ngụ tại khu dân cư Thạnh Bình, xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng).
Theo các nhân chứng tiếp xúc với cụ B. kể lại, vào sáng 28/3, họ đã chứng kiến cảnh tượng nạn nhân trên người bê bết máu, cố lê từng bước ra ngoài căn nhà để nhờ người chở giúp đến trụ sở công an xã trình báo sự việc mình bị hãm hại.
Anh Sáu (38 tuổi, người bán tạp hoá ở khu dân cư xã Thạnh Bình - PV) kể: “Sáng hôm đó, cụ B. đến nhờ tôi chở đến Công an xã. Tôi hỏi đến Công an làm gì thì cụ B. trả lời giọng yếu ớt rằng tối qua bị hãm hại.
Nghe xong, tôi giật mình rồi dắt xe máy chở bà cụ đến công an xã Thạnh Bình”.
Chiếc giường ngủ của cụ B, hiện trường xảy ra vụ việc gây phẫn nộ.
Thông tin ban đầu từ Công an xã Thạnh Bình xác nhận, cụ B. tường trình vụ việc: Khoảng 22h tối 27/3, trong lúc cụ đang say giấc thì bị hai thanh niên lạ mặt xông vào nhà.
Cụ B. hoảng hốt chưa biết chuyện gì xảy ra thì một trong hai tên này lao đến dùng tay bịt miệng, khống chế cụ cùng lời đe dọa: “Nếu la lên tôi sẽ giết bà”. Tên còn lại thực hiện hành vi đồi bại mặc cho cụ B. hết lời van xin, cầu khẩn.
Sau khi đã thỏa mãn thú tính, hai gã nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Vì sợ bị giết, cụ bà không dám kêu la mà nằm im giả chết. Đến sáng hôm sau, cụ mới cố lê từng bước nhờ hàng xóm trình báo Công an.
Nhận thấy vụ án nghiêm trọng, Công an xã đã báo cáo lên Công an huyên Giồng Riềng. Tại căn chòi nơi bà B. sinh sống, cơ quan Công an tìm thấy có nhiều vết máu do cụ B. bị hai tên lạ mặt hãm hại làm thương tổn.
Ngay sau đó, Công an huyện Giồng Riềng đã báo cáo lên Công an tỉnh Kiên Giang, đồng thời tung các điều tra viên tiến hành khoanh vùng, xác định các đối tượng tình nghi.
Trong khi đó, sau cụ B. đã được người hàng xóm nhanh chóng đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cấp cứu.
Những năm qua, xã Thạnh Bình được biết đến là nơi yên bình, chưa từng xảy ra những vụ việc phức tạp. Do đó, vụ việc xảy ra đã khiến dư luận hết sức hoang mang. Tiếp chuyện với phóng viên, nhiều người dân ở địa phương không giấu được sự bức xúc.
Chị Đặng Hồng Lê (36 tuổi, hàng xóm của cụ B.) bày tỏ: “Có lẽ vì biết cụ B. sống một mình nên bọn chúng mới hành động liều lĩnh như vậy. Hai tên đó đúng là cầm thúí. Cụ B. đáng tuổi ông bà, lại yếu ốm bệnh tật vậy mà chúng cũng không tha”.
Chị Lê còn cho biết thêm, từ hôm xảy ra sự việc, người dân ở đây ai cũng lo sợ. Mỗi khi trời sụp tối, hầu tất cả mọi nhà đều khóa cửa cẩn thận vì sợ bọn xấu sẽ lại tìm đến.
Lo lắng ngày trở về
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Việt Hà (Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn) cho rằng: Đối với người già, mặt tinh thần có vai trò quan trọng, nếu những thương tổn tinh thần không được khắc phục kịp thời sẽ có những hậu quả khó lường.
Người lớn tuổi thường hay tủi thân, nghĩ quẩn mỗi khi bị sang chấn tâm lý và có thể có những quyết định không hay. Do đó, ở thời điểm hiện tại cụ B. luôn cần người bên cạnh động viên để khuây khỏa bản thân.
Luôn tạo không khí vui tươi để cụ B. có niềm tin trong cuộc sống. Ngoài ra, ngày cụ điều trị ở bệnh viện xong, nên cho cụ ở kèm với ai đó, bởi những ám ảnh tại ngôi nhà cũ có thể sẽ khơi dậy những ký ức đau buồn.
Do đó cần có những ngày túc trực ở bên cạnh để cụ có thể sớm ổn định tinh thần.
Được biết hoàn cảnh của cụ B. ở địa phương vô cùng neo đơn. Chồng cụ B. mất cách đây hơn 30 năm. Kể từ đó, cụ sống lẻ loi một mình.
Thấy hoàn cảnh của cụ đáng thương, lại thường xuyên ốm đau bệnh tật, một người dân tốt bụng tốt bụng đã cất căn chòi lá trên phần đất riêng, giúp cụ B. có chỗ trú mưa trú nắng lúc tuổi già. Số vật liệu như cây, lá… căn chòi cũng là của những người hàng xóm bỏ ra.
Hơn 10 năm qua, cụ yên phận trong gian chòi đủ che nắng mưa ai biết cũng cám cảnh. Mặc dù đã gần 90 tuổi, thế nhưng hàng ngày, cụ vẫn thường cố từng bước khó nhọc đi bán vé số dạo. Những đồng tiền kiếm được có lúc không đủ trang trải hai bữa cơm đạm bạc.
Anh Sáu là người bán tạp hóa, cũng là chỗ cụ B. thường nhờ vả cho biết: “Bà cụ bán vé số không đủ sống nên thường sang mua chịu đồ ở tạp hóa của tôi. Trước hôm xảy ra vụ việc, cụ còn qua nhà tôi mua chịu mấy gói mì.
Chúng tôi thương tình, cho cụ chịu lúc nào trả cũng được chứ không bao giờ đòi nợ. Tội nghiệp, bà cụ đã già yếu, nghèo mạt và khốn khổ thế mà chúng còn không tha.
Tôi đoán, hai tên đồi bại là người biết rất rõ tình cảnh cũng như thói quen sinh hoạt ở địa phương của bà cụ”. Còn bà Trần Thị Thắm (SN 1957, ngụ cùng địa phương) thở dài nói: “Thấy tình cảnh đáng thương của bà lão nên mọi người ở đây hay giúp đỡ.
Người cho con cá, người thì vài con cá khô, lon gạo… để bà cụ sống qua ngày. Người dân ở đây cũng không khá giả gì nên cũng không giúp được nhiều.
Giờ từng tuổi này bà còn bị cú sốc nặng nề như vậy thật tội. Hôm trước lên bệnh viện thăm hỏi, ai đưa gì cụ ăn nấy chứ tuyệt nhiên không nói với ai một lời nào. Có lẽ, cụ còn hoảng sợ sau sự việc vừa qua”.
Hiện tại, cụ B. được người cháu họ bên chồng chăm sóc tại một bệnh viện ở TP. HCM, mọi chi phí điều trị đều do người dân cùng chính quyền địa phương kêu gọi đóng góp. “Không biết qua sự cố lần này, cụ B. có dám về sinh sống tại căn chòi của này nữa không?
Chỉ sợ rằng, bà cụ sẽ khó gượng dậy nổi. Rất mong cơ quan Công an điều tra, đưa thủ phạm ra ánh sáng.
Ngoài ra cơ quan chức năng ở địa phương cũng cần có hướng hỗ trợ tốt hơn để bà có được nơi yên ổn để sinh sống nốt quãng đời còn lại”, ông Tám Sự (74 tuổi, thành viên trong hội cựu chiến binh xã) đề nghị.