'Chúng tôi không bị áp lực khi điều tra vụ bầu Kiên'

trangnguyen |

Theo ông Thịnh, quá trình chỉ đạo điều tra vụ án được thực hiện nghiêm túc, khách quan.

Đại tá Nguyễn Đức Thịnh (Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế) cho biết, trước khi khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên, lãnh đạo liên ngành Tư pháp trung ương đã họp và thống nhất cao. Việc bắt đã báo cáo Thủ tướng.

-Khi có thông tin bắt Nguyễn Đức Kiên, người dân nghĩ đến Ngân hàng ACB, ông có thể nói gì về việc này?

- Thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra và phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ: Chúng tôi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên do vi phạm trong quản lý, điều hành của 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng ACB.

Chúng tôi cũng đã nói rõ là lãnh đạo Bộ Công an và Cơ quan cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận được rất nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến vi phạm của 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên điều hành và báo cáo Bộ trưởng và Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ chỉ đạo.

Trước khi khởi tố, bắt giam Nguyễn Đức Kiên, lãnh đạo liên ngành Tư pháp trung ương đã họp và thống nhất cao. Quá trình bắt, khám xét và tổ chức điều tra đảm bảo đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật và đã báo cáo Thủ tướng và nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ của Thủ tướng.

chung-toi-khong-bi-ap-luc-khi-dieu-tra-vu-bau-kien

Bầu Kiên trước khi bị bắt tạm giam. Ảnh:Hoàng Hà.

- Ông Nguyễn Đức Kiên là người có vị trí trong xã hội, quá trình điều tra, cơ quan điều tra có chịu áp lực như thế nào?

- Nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, vì vậy chúng tôi không chịu áp lực nào trong điều tra vụ án này và quá trình chỉ đạo điều tra vụ án chúng tôi phải thực hiện nghiêm túc, khách quan các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

- Ông đánh giá gì về tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng?

- Cục Cảnh sát kinh tế đã chủ động phối hợp với các lực lượng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an và chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế các tỉnh, thành phố làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các tội phạm kinh tế nói chung và vi phạm, tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng để góp phần làm cho “mạch máu” kinh tế của đất nước hoạt động lành mạnh. Lợi ích của người dân, quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Việc này chúng tôi đã có kế hoạch và báo cáo lãnh đạo Bộ công an triển khai mạnh mẽ nên sau khi Nghị quyết 11 năm 2001 của Chính phủ được ban hành, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tập trung chống mua bán trái phép vàng, ngoại tệ, rồi chống vi phạm trần lãi suất.

Hiện nay chúng tôi tập trung quan tâm đến hồ sơ, thủ tục cho vay, sử dụng vốn huy động... để phòng ngừa, phát hiện tội phạm, vi phạm.

Điển hình của tội phạm này phải kể đến vụ Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà Bè), Huỳnh Thị Huyền Như (Chi nhánh Ngân hàng Công thương TP HCM) móc nối với một số cán bộ, cá nhân trong và ngoài ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 4.600 tỷ đồng. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra, mở rộng giai đoạn 2 của vụ án này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại