"Cha đẻ" của Luật Doanh nghiệp bị đưa ra truy tố

“Cha đẻ” của Luật Doanh nghiệp Trần Xuân Giá - người tưởng chừng như nắm rõ luật trong lòng bàn tay, cuối cùng lại bị đưa ra truy tố vì có “dính líu” trong vụ bầu Kiên.

Ngày 12/12/2013, VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ “đại án kinh tế” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) và một số doanh nghiệp, truy tố 7 bị can với 4 tội danh.

Đồng thời, VKS cũng ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Phạm Trung Cang, người đã bị khởi tố trước đó (ngày 18/9/2012) về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cùng các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang.

Ngày 3/1, TAND TP. Hà Nội ra quyết định số 02/HSST-QĐ trả lại hồ sơ vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng ACB do bầu Kiên “cầm đầu” để tiến hành điều tra bổ sung nhằm làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân liên quan. Đó là các cá nhân Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải.

Theo quan điểm từ phía cơ quan tố tụng, cùng với các ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB), ông Trần Xuân Giá bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

 - Ảnh 1

Ông Trần Xuân Giá được cho là "cha đẻ" của Luật Doanh nghiệp.

Trước những thông tin này, nhiều người cảm thấy bất ngờ và tiếc nuối cho ông Trần Xuân Giá, khi ông này từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đặc biệt, ông Giá còn được biết tới là “cha đẻ” của Luật Doanh nghiệp, khi đã tham gia xây dựng và triển khai văn bản được xem là quan trọng nhất đối với lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua này.

Với những đóng góp to lớn của bản thân, ngay cả khi về nghỉ hưu, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn nhận được rất nhiều lời mời hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhưng cuối cùng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Xuân Giá đã khép lại sự nghiệp vang dội của mình khi bị đưa ra truy tố vì có “dính líu” trong vụ bầu Kiên.

Ông Trần Xuân Giá, sinh năm 1939 tại Thừa Thiên Huế, tốt nghiệp cử nhân kinh tế, có bằng Tiến sỹ kinh tế tại Liên Xô cũ.

Năm 1966, ông là giảng viên tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Đến năm 1981, ông giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước.

Từ 1989 đến 1992, được biết đến với vai trò là Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ) và sau đó trở thành Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ KH-ĐT).

Trong gần 6 năm (từ tháng 11/1996 – 8/ 2002), ông Giá giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến năm 2003, ông làm Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng về đổi mới chính sách kinh tế – xã hội và hành chính. Trên cương vị này, ông cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, ban hành các chính sách kinh tế và điều hành trực tiếp nền kinh tế có tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới lúc ấy…

 - Ảnh 2

Ông Trần Xuân Giá từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sau khi nghỉ hưu, bắt đầu từ tháng 11/2006, ông làm cố vấn HĐQT Ngân hàng ACB. Từ tháng 3/2008, nhờ sự am hiểu sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế, ông Trần Xuân Giá trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ACB. Trên cương vị này, ông từng khẳng định với ACB là mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải theo luật chứ không được theo bất cứ một mối quan hệ nào.

Đến ngày 27/9/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết đã ra quyết định khởi tố ông Trần Xuân Giá về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Như báo giới đã đưa tin trước đó, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2012, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có những chia sẻ xung quanh việc khởi tố vụ bầu Kiên và các đồng phạm, trong đó có ông Trần Xuân Giá, người từng giữ chức vụ rất cao trong bộ máy nhà nước. Theo đó, ông Vũ Đức Đam khẳng định, việc thực hiện nghiêm minh trước pháp luật và không có vùng cấm, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này làm cho hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam vững mạnh, hoạt động ổn định. Việc bầu Kiên bị bắt không hề ảnh hưởng đến tâm lý người dân và hệ thống các ngân hàng vẫn hoạt động bình thường. Quyết định khởi tố ông Trần Xuân Giá cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Ngân hàng ACB vì ông Trần Xuân Giá đã từ nhiệm, ngân hàng ACB đã có chủ tịch mới và đang hoạt động bình thường.

Theo tin tức trên báo Vietnamnet đã đưa, kết luận của CQĐT khẳng định, hành vi của ông Trần Xuân Giá đã đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 165 Bộ Luật Hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức.

Đồng thời, trong bản cáo trạng của Viện KSND Tối cao cũng đã chỉ rõ, bị can Trần Xuân Giá, với tư cách là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, có nhiệm vụ đưa ra các chủ trương, đinh hướng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB, là người quản trị cao nhất của Ngân hàng ACB và biết rõ các quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng ông Trần Xuân Giá vẫn đồng ý để chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại số tiền 718.908.000.000 đồng nên phải chịu trách nhiệm về hành vi này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại