Cảnh đón Tết trong trại giam Thanh Chương

Vẫn đầy đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, cũng mâm ngũ quả, có điều phạm nhân trong tù thường ăn Tết sớm hơn và cũng có những đặc trưng riêng.

Trại giam số 6 (Bộ Công an) đóng chân trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) hiện có trên 3.100 phạm nhân đang thụ án, được chia thành 4 phân trại. Mỗi phân trại giam giữ những phạm nhân phân theo án, tội trạng. Đông nhất vẫn là phân trại 1 đóng ở khu trung tâm với hơn 1 nghìn đối tượng dính án cao nhất.

Do số lượng phạm nhân đông nên việc tổ chức tiệc tùng hoặc những gì liên quan đến tập thể là vô cùng khó khăn. Thế nhưng với quyết tâm mang đến cái Tết ấm áp cho những người lầm lỡ, năm nào cũng vậy, lãnh đạo, cán bộ Trại giam số 6 luôn tập trung lo đầy đủ, giúp phạm nhân phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, tủi thân mỗi khi Tết đến xuân về.

“Tổ chức được cho phạm nhân một cái Tết ấm áp, vui vẻ cũng là cách giúp họ sớm hoàn lương. Tết càng ấm áp càng có ý nghĩa trong việc thức dậy nỗi khát khao đoàn tụ gia đình trong mỗi tù nhân. Đón xuân này, họ sẽ hi vọng vào những xuân sau, sẽ đón giao thừa ở gia đình chứ không phải trong đất trại”, đại tá Nguyễn Viết Hoàn cho biết mục đích ý nghĩa của việc tổ chức đón Tết trong trại chu đáo cho phạm nhân.

Tổ chức ăn Tết trong trại giam cho các phạm nhân.

Có một đặc thù là Tết trong trại giam thường phải tổ chức sớm hơn. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, các cán bộ, phạm nhân trong trại giam đã tất bật lo chuyện đón Tết.

Nhóm thì cắt tỉa cây cảnh, nhóm khác lại quét dọn buồng giam rồi trồng hoa, làm vệ sinh khuôn viên trong trại... Đối với những phạm nhân ở xa, người thân đã tay đùm tay nải mang quà Tết đến thăm nuôi con em mình.

Để chuẩn bị cho ngày Tết, trại giam huy động gần như tối đa lương thực, thực phẩm từ “cây nhà lá vườn”, mỗi phân trại tùy theo số lượng phạm nhân mà mổ nhiều hay ít số bò, lợn, dê và gà nuôi được.

Theo quy định của Nhà nước, từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày Mồng 3 Tết, mỗi ngày phạm nhân được ăn gấp 5 lần so với tiêu chuẩn ngày thường. Với những phạm nhân không có người thăm nuôi, trại giam sẽ có phần quà dành riêng cho họ, để động viên tinh thần.

Đêm giao thừa, sau bữa tất niên các phạm nhân sẽ được tụ tập, thức để đón thời khắc quan trọng chuyển giao năm cũ sang năm mới và nói ra một điều ước mong muốn trong năm. Xen lẫn trong chương trình đón giao thừa là các tiết mục văn nghệ do chính các phạm nhân thể hiện, rồi thi hái hoa dân chủ giữa các phân trại.

 
Nhiều hoạt động thể dục thể thao được tổ chức cho các phạm nhân nhân dịp Tết đến xuân về.

Từ chiều mồng Một đến hết ngày mồng Ba Tết, trại giam đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ thể dục thể thao giữa các phạm nhân với nhau, tổ chức các cuộc thi để cá nhân các phạm nhân được trổ tài.

Lúc này, ai có năng khiếu về bộ môn nào thì có quyền lựa chọn, sau đó thách đấu với bạn tù khác. Nam thì thi đấu bóng chuyền, bóng đá mini, bóng bàn, đánh cờ vua, cờ tướng; nữ thì hát hò, kéo co, may vá thêu thùa và đánh cầu lông.

Để có được cái Tết đầm ấm như vậy, cán bộ trại giam phải chịu hi sinh hạnh phúc riêng của mình đem lại niềm vui cho các phạm nhân. Không những thế họ còn phải thực thi nhiệm vụ, quản lý phạm nhân không để xảy ra sự cố hoặc tình trạng trốn trại. Vì thế, với những cán bộ trại giam chuyện họ phải đón Tết muộn là lẽ thường tình từ lâu nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại