Những người không thể thiếu
Chiều chủ nhật, mưa phùn lất phất bay. Căn nhà 2 tầng vuông vắn nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm của gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hồng (61 tuổi) thoang thoảng mùi bếp núc.
Khác hẳn với sự “oai phong lẫm liệt” thường ngày ở tòa án, hôm nay bà Hồng trở về với cuộc sống đời thường của một người vợ, người mẹ và người bà mẫu mực, đảm đang. Thấy chúng tôi đến, bà Hồng vội bỏ dở khoảnh sân đang quét dọn, hồ hởi mời khách vào nhà.
Vừa pha bình trà xanh nóng hổi, bà Hồng vừa từ tốn kể về cái “cơ duyên” đưa đẩy bà đến với “nghề” hội thẩm nhân dân. Hơn 23 năm về trước, khi ấy bà Hồng đang là một bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Gia Lâm (nay là Bệnh viện đa khoa Đức Giang) thì bất ngờ nhận được “lệnh” gia nhập hàng ngũ hội thẩm ở tòa án huyện.
Cầm quyết định trong tay, lòng bà Hồng rối như tơ vò, bởi lâu nay bà chỉ quen bắt bệnh, kê đơn thuốc, chứ có rành rẽ gì về tòa án với cả xét xử đâu. Nhưng đã là “lệnh” của cơ quan thì làm sao mà thoái thác được. Bụng bảo dạ, nữ bác sĩ nhanh chóng gạt bỏ hết mọi lo lắng, muộn phiền để bắt tay ngay vào công việc chỉ mang tính “thêm nếm”, kiêm nhiệm này.
Một tuần tập huấn đánh vèo trôi qua, nhưng những kiến thức về pháp luật, về công tác xét xử trong đầu nữ bác sĩ chỉ là một mớ hỗn độn, bùng nhùng và khiêm nhường. Nhớ lại lần đầu tiên bước vào bàn HĐXX ở tòa án Gia Lâm, bà Hồng bảo:
“Lúc ấy quả thật tôi rất run, cho dù phía dưới chỉ có vẻn vẹn hai đương sự. Vợ chồng họ đưa nhau ra tòa để sau đó đường ai nấy đi. Vụ án ly hôn tuy đơn giản, nhưng với một bác sĩ như tôi ở thời điểm ấy thì quả là rất hóc búa.
Đơn giản nhất là những thuật ngữ pháp lý, danh xưng trong quá trình tố tụng cũng trở nên rối rắm, khó quen. Nhưng rồi phiên tòa “đầu tay” đó cũng đã diễn ra trôi chảy. Tôi thở phào nhẹ nhõm”.
Kể về chặng đường làm hội thẩm tiếp theo, bà Hồng tủm tỉm: “Thú thực thời gian đầu tham gia công tác, tôi chỉ nghĩ đơn giản là cố gắng làm tròn trách nhiệm được giao, bởi sự nghiệp của mình là bốc thuốc cứu người mà. Thế nên thời gian đầu, tôi ngồi ghế xét xử có phần hạn chế. Tháng nào nhiều lắm cũng chỉ ngồi tới 4 - 5 phiên với tư tưởng hiện diện cho đủ “bộ lễ”, thủ tục. Nhưng chẳng hiểu sao cái duyên và cái “nghiệp” tham gia xét xử vẫn cứ đeo đẳng mãi”.
Theo lời vị hội thẩm này, sau lần đầu và cả khóa ngồi ở ghế phán xử “thiên hạ”, bà tiếp tục được HĐND huyện Gia Lâm tín nhiệm và được tòa án cùng cấp tin dùng. Vì vậy, bà ngày càng “đắm đuối” và dốc lòng với cái nghề “tay trái”.
Sau này, thành lập quận Long Biên, bà Hồng lại được địa phương mới nhắm chọn. Tính đến thời điểm hiện nay, bà là một trong số rất ít người liên tục nắm giữ “sinh mạng chính trị” của mọi người suốt hơn 20 năm qua.
Niềm vui nhỏ, nỗi buồn mênh mang
Nhắc đến những người làm công tác hội thẩm vào thời điểm hiện nay, tại TAND TP Hà Nội, không mấy người không biết đến ông Nguyễn Văn Lý. Hơn 70 tuổi vậy mà ông vẫn còn rất “phong độ”.
Ở những phiên tòa ông Lý tham gia, ai nấy đều phải thán phục từ cái giọng nói sang sảng, các câu thẩm vấn luôn xoáy vào lòng người đến cả cái uy phong cần có của một người ngồi trên hàng ghế phán xét.
Ngày cuối năm, nhân một phiên tòa bị hoãn, ông Lý đã dành cho chúng tôi cả tiếng đồng hồ khi nói về chuyện nghề, chuyện đời trong quá trình làm hội thẩm. Hồi trẻ, ông Lý là một phi công chiến đấu lái chuyên cơ MIG 21, thuộc Quân chủng Phòng không không quân. Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, năm 1967, “anh chàng” phi công MIG 21 này đã liên tiếp bắn hạ 3 chiếc máy bay (F4, F105 và F8U) của địch.
Hòa bình lập lại, ông Lý lần lượt trải qua công tác ở một số đơn vị, cơ quan khác nhau. Và rồi năm 1999, khi ấy ông Lý đã “đứng số” ở Mặt trận tổ quốc TP Hà Nội thì bất ngờ được tổ chức này phân công sang tòa án Hà Nội tham gia vào công tác xét xử.
Kể từ đó đến nay, chiến sĩ phi công thuở nào vẫn đều đặn đến “công đường” để gánh vác trọng trách. Đã hơn 13 năm giữ cán cân công lý, thế nên khi nói đến công việc của những người như mình, ông Lý không giấu được niềm vui: “Vinh dự và tự hào lắm chứ. Bởi có phải ai cũng có được cơ hội để trở thành một hội thẩm đâu. Nhưng đi liền với đó là trách nhiệm nặng nề, năng lực giải quyết công việc và quan trọng hơn là phải giữ được cái tâm sáng, cái lòng sạch trong”.
Rồi ông bảo: “Công việc tham gia xét xử, khiến con người ta rất dễ bị mua chuộc, bị cám dỗ”. Ý thức rõ điều đó nên ông Lý luôn biết cách để không rơi vào tình cảnh ấy.
Điểm lại một vài vụ án gần đây, ông Lý vẫn không khỏi canh cánh khi buộc phải ký vào bản án áp dụng hình phạt 18 năm 6 tháng tù đối với một bị cáo can tội giết người hồi giữa năm ngoái.
Theo lời vị hội thẩm này, trước khi can án, cậu ta là một sinh viên thuê trọ ở khu Mỹ Đình. Sau khúc mắc nhỏ với một số thanh niên sở tại, cậu ta bị nhiều đối tượng kéo đến tận phòng trọ quây đánh.
Ở thế cùng đường, lại tiện tay, anh chàng sinh viên kia đã đâm trúng một người trong nhóm thanh niên. Sau khi nghiên cứu hồ sơ và tận tai nghe rõ từng lời khai của những người liên quan, ông Lý cứ cảm thấy việc quy kết bị cáo phạm tội giết người có tính chất côn đồ là quá nghiêm khắc.
Thế nhưng trước những chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ và biểu quyết khi nghị án, ông đành phải dằn lòng đồng thuận với các vị trong hội đồng. Nhân nhắc đến những vụ án có đôi chút “lăn tăn”, ông Lý thẳng thắn bày tỏ, hơn chục năm ngồi ghế hội thẩm không ít lần ông có quan điểm khác với các vị thẩm phán, dẫu biết rằng điều đó có phần không tốt cho cá nhân ông.
Song vì “sinh mạng chính trị” của một con người, vì pháp chế và vì trách nhiệm của người hội thẩm nên ông vẫn buộc phải bày tỏ quan điểm. Ông Lý cho rằng điều đó là cần thiết, nên thế và phải như thế. Xác định tư tưởng là vậy, nhưng khi gặp phải những tình huống ấy, ông Lý không khỏi mất ăn, mất ngủ và tự vấn bản thân.
Nói đến những chuyện liên quan khác trong công việc của người hội thẩm như ông, cựu quân nhân và cựu giáo viên quân sự này thoáng tư lự khi bảo: “Vì nhiều lý do khác nhau nên không phải lúc nào hội thẩm muốn đọc hồ sơ vụ án cũng được. Rồi là vội vã đến tòa, nhưng lại bị hoãn bất ngờ; đôi khi lại phải “chạy sô” nhiều vụ án cùng một lúc và cả chuyện thù lao, đãi ngộ nữa chứ…”.
Thế nhưng trong suy nghĩ của ông điều đáng buồn hơn cả vẫn là “chất lượng” hội thẩm hiện nay và vấn đề tội phạm. Bởi ông luôn cảm thấy rầu lòng vì đâu đó vẫn còn có những vị hội thẩm cả một nhiệm kỳ 5 năm chẳng hỏi nổi bị cáo hay bị hại lấy một câu trong suốt quá trình xử án. Còn đối với tội phạm thì ngày càng nhức nhối, tinh vi và tàn ác hơn...
Trước khi dừng chuyện với ông Lý, chúng tôi ướm hỏi, vậy niềm vui trong “nghề” hội thẩm của ông là gì? Tức khắc ông trả lời bằng một câu hỏi lại: “Ở tuổi này rồi mà vẫn còn có ích cho xã hội, lẽ nào không đáng hoan hỉ lắm sao?”.