Bị mất xe khi gửi tại cơ quan nhà nước: Có được bồi thường thỏa đáng?

vytran |

Một người dân bị mất xe khi gửi ở UBND phường nhưng lại chỉ nhận được những lời thách đố.

Trong đơn, ông Đặng Chí Minh, ngụ ở 204/14 Cao Đạt, phường 1, quận 5, TPHCM, trình bày sự việc: Sáng 2-2-2012, ông điều khiển xe máy SH, biển kiểm soát 54H3-2051 đến trụ sở UBND phường 5, quận 6, TPHCM để làm giấy tờ nhà. Ông Minh gửi xe ở bãi xe trong khuôn viên UBND phường 5 nhưng không được dân phòng trông coi bãi xe đưa thẻ xe. Ông Minh thắc mắc thì được dân phòng coi xe cho biết bãi xe của UBND phường trước giờ không có thẻ và bảo cứ an tâm vào trong làm giấy tờ.

Tuy vậy, sau khi xong việc ra bãi xe, ông Minh phát hiện chiếc xe của mình đã “không cánh mà bay”. Ngay sau đó, vụ việc được UBND phường 5 xác nhận và Công an phường 5 có đến lập biên bản. Đến ngày 13-2-2012, UBND phường 5 mời ông Minh đến làm việc và cho biết chỉ bồi thường với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng vì phường là cơ quan hành chính sự nghiệp, không có nhiều tiền.

Ông Minh bức xúc: “Chiếc xe SH này tôi mua năm 2009, loại xe nhập khẩu nguyên chiếc, giá 160 triệu đồng (hiện nay gần 200 triệu đồng). Do đó, mức bồi thường UBND phường 5 đưa ra không đến 13% giá trị chiếc xe là không thể chấp nhận được. Việc xe bị mất cắp là ngoài ý muốn, bản thân tôi không muốn làm lớn chuyện, nhưng phường lại quá thiếu trách nhiệm, chỉ đền bù cho có”.

Đáng trách hơn, trong biên bản làm việc ngày 13-2 có ghi rõ ý kiến của cán bộ hòa giải phường 5: “Nếu ông Minh không đồng ý mức thương lượng (10 - 20 triệu đồng) của UBND phường 5 thì ông đến cơ quan chức năng khác để đòi hỏi…”. Điều này như một lời thách thức của UBND phường 5 đối với người bị thiệt hại. Rõ ràng cách giải quyết của UBND phường 5 là chưa thấu tình đạt lý, coi thường người dân.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Uông Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường 5, xác nhận có sự việc dân phòng coi bãi xe UBND phường làm mất xe SH của ông Đặng Chí Minh khi ông này đến phường giao dịch. Việc này phường đã nhận trách nhiệm và mời chủ xe đến thương lượng đền bù. Người giữ xe là một dân phòng có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện đền bù. UBND phường chỉ có thể thương lượng mức đền bù với ông Minh là 10 - 20 triệu đồng, số tiền này sẽ lấy từ nguồn đóng góp của cán bộ, công nhân viên của phường. Tuy nhiên, phía chủ xe là ông Minh không đồng ý.

Hiện nay, phường có báo cáo quận để xin ý kiến giải quyết nhưng chưa nhận được phản hồi. Ngoài ra, phường cũng đang yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 6 điều tra, tìm lại chiếc xe bị mất. Ông Hưng cũng thừa nhận dân phòng giữ xe đã không đưa thẻ xe cho ông Minh khi ông này gửi xe và giải thích do có nhiều dân phòng luân phiên trực bãi xe trong các ngày nên không đưa chuyển thẻ xe kịp.

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Chánh Văn phòng UBND quận 6, cho biết việc dân phòng để mất xe của người dân đến giao dịch tại UBND phường 5 là trách nhiệm của UBND phường này. Mức hỗ trợ, đền bù 10 - 20 triệu đồng của phường 5 đưa ra với người bị mất chiếc xe SH là chưa hợp lý. Quận sẽ chỉ đạo, yêu cầu UBND phường 5 mời ông Đặng Chí Minh đến thỏa thuận và đền bù hợp lý. “Về việc UBND phường 5 giữ xe nhưng không đưa thẻ xe cho người dân gửi xe và nội dung trong biên bản hòa giải nêu ý kiến của cán bộ phường có ý thách thức người có bị mất xe, quận sẽ kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh ngay” - ông Vĩnh nói.

Qua sự việc này, cũng đặt ra một vấn đề cần chấn chỉnh trong việc cơ quan nhà nước giữ xe cho dân đến liên hệ làm thủ tục giấy tờ. Cơ quan sẽ lấy đâu ra tiền để bồi thường nếu xảy ra mất cắp? Thiết nghĩ, cách khả thi nhất là nên quy định có mức thu phí giữ xe thống nhất để các cơ quan này nâng cao trách nhiệm khi tổ chức giữ xe và có kinh phí đóng bảo hiểm rủi ro, từ đó sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán bồi thường cho dân khi xảy ra mất cắp xe.

Theo SGGP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại