Bà Yên lủi thủi đi vào tòa dự phiên xử chồng là Nguyễn Trọng Mến mang tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Con dâu bà - vợ của nạn nhân cũng đến tòa.
Phiên xử ông Mến bắt đầu muộn. Người đàn ông hốc hác, đen đúa ngồi run rẩy trong vành móng ngựa. Nhìn thấy vợ, các con có mặt đông đủ trong phòng xử, ông ngoái lại buồn rầu, mắt ngơ ngác. Do sức khỏe yếu, bị cáo được phép ngồi trả lời các câu hỏi của HĐXX.
63 tuổi nhưng ông Mến hom hem, già nua. Bị cáo phải vịn vào thành móng ngựa, khó nhọc trình bày trước tòa hành vi đâm chết con trai Nguyễn Trọng Quý (35 tuổi, ở xã Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Nội).
Vợ chồng ông có 3 người con, Quý lớn nhất
nên khi lập gia đình vẫn ở với bố mẹ. Gia đình ông thuộc diện khó khăn
trong thôn.
Do sức khỏe ông yếu nên công việc đồng áng đều một tay vợ, con dâu làm. Hàng ngày, ông Mến chỉ ở nhà trông nom hai đứa cháu nội, con của vợ chồng Quý.
Giữa hai bố con thường xảy ra mâu thuẫn. Quý coi thường bố, không ít lần chửi lại và đánh ông Mến. Anh còn xưng hô bằng vai phải lứa với đấng sinh thành. Hàng xóm nhìn vào cho rằng, Quý là đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu.
Ông Mến sám hối trước vành móng ngựa trong phiên sơ thẩm chiều 7/9
“Bị cáo thỉnh thoảng uống rượu nên cũng mắng chửi con”, ông Mến thừa nhận. Nhưng cũng do không kiếm được tiền, hàng ngày chỉ ở nhà nên ông Mến bị Quý coi thường ra mặt. Biết tâm tính đứa con trai, lắm lúc bị Quý chửi mắng lại, ông Mến cũng đành nín nhịn.
Giọng khó nhọc, ông Mến kể về buổi trưa định mệnh khiến con chết, bố phải vào tù. “Sáng 26/1, Quý và đứa con trai thứ hai của bị cáo đòi đưa sổ đỏ để đặt, lấy tiền chuộc xe máy”, bị cáo vừa thở, vừa trình bày. Ông kiên quyết không đưa và mang lên nhờ phó công an xã cầm giúp sổ đỏ vì sợ hai đứa con lấy trộm.
Trưa cùng ngày, khi ông đang đứng ngoài sân, Quý đi uống rượu về và xưng hô ngang hàng với bố. Anh ta bảo bố không chịu cấy ruộng và mắng ông Mến “chết đi”. “Bị cáo nín nhịn vì sợ Quý đánh nên vào nhà ngồi uống nước, còn nó đi chơi”, người cha khắc khổ thều thào trình bày.
Một tiếng sau, Quý về, người sặc men rượu, đòi bế con đi chơi. Lúc đó, chị vợ và mẹ của anh ngăn cản. Ông Mến ngồi ở bàn uống nước, thấy giọng Quý lè nhè, nói vọng vào buồng: “Mày là loại gì, mày là loại súc sinh, mày mang con đi bán lấy tiền chơi bạc à”. Quý cũng chửi lại bố mình.
“Đang châm lửa hút điếu thuốc, Quý từ
trong buồng chạy ra túm tóc bị cáo giật ngược lên”, ông Mến khai. Đứa
con bất hiếu còn tát bố, kèm theo lời lẽ ngỗ ngược.
Anh ta chạy ra ngoài lấy chiếc hót rác bằng tôn, cán tre rượt đuổi bố. Lúc đó, ông Mến vớ được con dao, vừa chạy vừa cầm theo.
Quý tiếp tục xô đẩy bố mình ra ngoài hiên. “Bị cáo không biết làm sao nên gọi vợ ra can ngăn”, người cha nói. Theo lời ông Mến, lúc đó, ông phải ngồi thụp xuống, trốn phía sau vợ.
Mặc cho mẹ can ngăn, Quý vẫn lao vào, phanh ngực thách thức và đấm, đá vào sườn bố. “Bị cáo đau lắm vì Quý đá rất mạnh”, ông trình bày.
Khi Quý lao vào tiếp, ông Mến đưa cánh tay có con dao lên đỡ và đâm trúng ngực con. Anh Quý được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong do mất máu cấp.
“Trong thời gian tạm giam, bị cáo nghĩ nhiều lắm, bị cáo sai rồi”, ông Mến rớt nước mắt, gục đầu sau lời sám hối.
Phía sau, bà Yên ngồi nức nở: “Hai bố con không hợp tính nhau nên thỉnh thoảng xảy ra to tiếng”. Mỗi lần thấy con trai chửi bố, bà đau xót nhưng cũng chỉ biết can ngăn. Không ít lần, bà chứng kiến cảnh đứa con ngỗ nghịch thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chồng.
Giờ ra tòa, nhìn người chồng sức khỏe ngày càng yếu ớt, bà không kìm lòng. Con dâu cũng đứng ra xin giảm nhẹ hình phạt cho bố chồng.
Phần thẩm vấn kết thúc nhanh chóng. Trong lời nói sau cùng, ông xin được giảm nhẹ hình phạt để về “bế cháu nội”. HĐXX đã tuyên phạt ông Mến một năm tù, thấp hơn đề nghị của đại diện Viện kiểm sát (30-34 tháng).
Tính từ ngày bị bắt, chỉ còn một thời gian ngắn, ông Mến sẽ được ra tù. Bà Yên khóc đưa chồng ra xe chở phạm nhân, mưa vẫn đổ dưới sân tòa.