Kẻ sát nhân còn giả vờ cùng gia đình nạn nhân đi tìm tung tích cháu nhỏ. Chỉ đến khi thi thể của cháu bé được phát hiện, bộ mặt thật của hắn mới lộ rõ.
Mối thâm thù từ chuyện phạt vạ
Khi anh rể của Rah Lan Mõ (23 tuổi, trú làng Hố Lang, xã Chư Pơng, Chư Sê, Gia Lai) là Rah Lan Bik (trú cùng thôn) trong lúc đùa giỡn đã ném trái mít non làm mù mắt trái ông Rah Lan É.
Theo luật tục của người Gia Rai, mỗi khi làm chuyện xấu thì sẽ phải đền bù thiệt hại cho người bị nạn. Làng xử gia đình Bik phải bồi thường cho nạn nhân một mảnh rẫy, nhưng vì mảnh rẫy này xấu quá nên ông É đòi phải đưa một đám ruộng nước.
Sau khi mất đám ruộng, vì chuyện đó mà cả nhà không có lúa ăn nên anh rể Mõ bị mọi người trong gia đình nhiếc móc. Phẫn uất nên anh Bik đã uống thuốc sâu tự tử.
Chuyện chưa dừng lại ở đó, bởi khi Mõ lớn lên đã có hành vi trộm cắp vật dụng gia đình của nhà ông É, rồi bị ông này phát hiện tố cáo với dân làng.
Dân làng đã phạt vạ Mõ 500.000 đồng. 2 sự việc trên đã khiến Mõ nảy sinh mối thâm thù với gia đình ông É. Mỗi lần đi thăm rẫy, Mõ thấy cháu Rah Lan Un (6 tuổi) là con ông É đang đứng gần giếng nước của một người dân.
Nhớ lại mối thâm thù giữa gia đình mình và gia đình cháu Un từ hơn 10 năm trước, Mõ nảy ý định trả thù.
Nhìn quanh không thấy ai, phát hiện giếng nước của một nhà dân gần đó nên hắn lại gần, xốc bé trai lên, hất xuống giếng rồi bỏ đi mặc cho nạn nhân kêu cứu thảm thiết dưới giếng nước.
Thực hiện xong hành vi của mình, Mõ bình thản đi về nhà.
Đến tối ngày hôm sau, không thấy Un về nên gia đình đi tìm khắp nơi. Vài ngày sau, mọi người phát hiện thi thể cháu bé ở trong giếng nhà ông Moyo.
Để che giấu hành vi phạm tội, ngày vớt tử thi hay lo ma chay cho nạn nhân, Mõ hăng hái tham gia như không có chuyện gì xảy ra.
Truy tìm kẻ sát hại cháu bé
Nhận được tin báo từ người dân khi phát hiện xác cháu Un tại giếng trong rẫy cà phê của gia đình ông Moyo, CA xã đã có mặt tại hiện trường lập biên bản xác minh vụ việc.
Cơ quan chức năng cũng làm việc với những người đã gặp nạn nhân lần cuối để lấy lời khai, trong đó có Mõ. Nhận thấy lời khai của những người này không có dấu hiệu nghi vấn, CQĐT đã cho tất cả ra về.
Cơ quan chức năng ban đầu nhận định, cháu Un tử vong do rơi xuống giếng và bị ngạt, nhưng có dấu hiệu bị hãm hại.
Từ kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi, CA huyện Chư Sê và CA tỉnh Gia Lai nhận định cháu Un bị rơi xuống giếng đuối nước dẫn đến tử vong.
Và rồi chính Đại úy Cao Minh Nghĩa, Trưởng CA xã Chư Pơng từ việc nghi ngờ sự việc có dấu hiệu hình sự, ông đã lần ra dấu vết của hung thủ sau nhiều ngày theo dõi kẻ tình nghi.
Hôm ấy, trên đường chạy xe từ trụ sở về nhà người quen ở làng Hố Lang, Đại uý Nghĩa gặp Mõ đang đi bộ. Là chỗ quen biết lại tiện đường nên ông có nhã ý cho anh ta quá giang.
Nghe tiếng gọi của trưởng CA xã, Mõ giật mình quay lại vẻ hốt hoảng, lắp bắp từ chối thiện ý của ông. Nhận thấy dấu hiệu bất thường của người này, với kinh nghiệm của CA lâu năm, ông Nghĩa nghi ngờ Mõ có liên quan đến cái chết của cháu Un.
Đại úy CA quay xe chạy về nhà ông Hoàng Minh Hùng (Chủ tịch UBND xã) trình bày nghi vấn. Tin tưởng nhận định của vị trưởng CA , ông Hùng đồng ý chỉ đạo cử thêm 10 công an viên luân phiên theo dõi động thái của Mõ trong một thời gian.
Những ngày sau đó, ông Nghĩa liên tục nhận được thông tin anh này có nhiều biểu hiện lo lắng. Đặc biệt, khi ngồi nhậu với nhóm bạn, Mõ nói: “Nếu tao có chuyện gì thì đừng bán chiếc xe máy, để cho chị gái tao đi”.
Nghe cấp dưới báo tin, ngay trong đêm ông Nghĩa chạy xe đến nhà Mõ và chở thanh niên này ra trụ sở CA để làm việc. Mõ chối bay chối biến những câu hỏi của vị Đại úy.
Suốt đêm đấu trí với Mõ, ông Nghĩa đã khiến anh ta khai ra tội ác của mình. Tại CQĐT, Mõ khai nhận trên đường ra rẫy cà phê nhà mình, thấy cháu Un đang đứng chơi một mình gần giếng nước trong rẫy cà phê nhà ông Moyo.
Mõ nhớ lại chuyện trước đây đã bị bố cháu Un phát hiện và tố cáo Mõ trộm cắp vặt, y đã bị dân làng kiểm điểm công khai, nên đối tượng đã nảy ý định trả thù. Nghĩ thế, y liền lao vào ôm cháu Un rồi ném cháu bé xuống giếng.
TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với Mõ về hành vi giết người. Tuy nhiên trước đó, khi cơ quan chức năng chưa kết tội Mõ, thì những người trong làng Hố Lang đã tổ chức một ngày phạt vạ theo luật tục của người Gia Rai.
Do đó vì Mõ giết cháu Un nên gia đình Mõ bị làng phạt vạ, phải đền bù cho gia đình nạn nhân.
Cụ thể, gia đình Mõ phải đền 2 sào cà phê năm thứ 5 (trị giá khoảng 100 triệu đồng), 3 sào ruộng (khoảng 200 triệu đồng), gần 40 triệu đồng tiền mai táng gồm 2 triệu đồng mua hòm, 13 triệu đồng tiền xây mả, 2 con bò (khoảng 20 triệu đồng), 1 con heo (3 triệu đồng)… tổng cộng tiền phạt vạ gia đình Mõ phải đền cho gia đình ông É gần 400 triệu đồng.
Riêng nhà ông Moyo vì có cái giếng nên cháu Un mới bị Mõ ném xuống, nên hội đồng hòa giải làng đã buộc ông này phải đền cho gia đình ông É 16 triệu đồng.
Tại phiên tòa, đứng trước vành móng ngựa, Mõ thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Nhưng Mõ cũng cho rằng gia đình mình đã đền bù thiệt hại cho gia đình cháu Un, nên Mõ “không còn tội nữa” theo luật tục.
Phiên tòa đã phải kéo dài hơn thường lệ để HĐXX giải thích cặn kẽ hành vi của Mõ, cũng như việc làm của làng theo luật tục là không phù hợp với pháp luật hiện hành.
Đến lúc này, cả bị cáo, nạn nhân cũng như nhiều bà con đồng bào đến dự phiên tòa mới hiểu được rằng không thể bắt vạ người làm chuyện xấu rồi xóa tội cho họ được.
Xét thấy hành vi của Mõ gây nguy hiểm cho xã hội, cần cách ly để giáo dục, gia đình bị cáo đã có trách nhiệm khắc phục một phần hậu quả, HĐXX sau khi nghị án đã tuyên phạt Mõ 17 năm tù về tội “Giết người”.
Kết thúc phiên tòa, thẩm phán Lê Văn Hà, chủ tọa phiên tòa nói: “Đồng bào dân tộc thiểu số cho rằng hình phạt nghiêm khắc đánh vào vật chất sẽ khiến mọi người không dám làm chuyện xấu và căm thù cái xấu.
Tuy nhiên, cũng bởi nhận thức kém, đôi khi nhiều người bị hại yêu cầu bồi thường quá cao, đẩy gia đình bị buộc bồi thường vào con đường khánh kiệt dẫn đến thù oán nhau.
Qua phiên tòa, mong mọi người nhận ra vấn đề, hiểu biết pháp luật hơn, sống tình nghĩa hơn!”.