Nurbanu, 36 tuổi (ở Shatkhira, Bangladesh) đã phải chịu đựng 18 năm chung sống trong bạo lực và đau khổ cùng với người chồng gia trưởng (được giấu tên). Năm 2010, cô được tự do sau khi phát hiện ra chồng mình ngoại tình với một phụ nữ khác.
Nhưng chỉ 8 ngày sau khi ly hôn, khi cô đang nấu ăn tại nhà mình, hắn ta đến tạt axit vào mặt cô. Vụ tấn công này đã khiến cho Nurbanu bị mù cả hai mắt và biến dạng toàn bộ khuôn mặt.
Hắn bị bắt sau 10 tháng chạy trốn và bị ngồi tù trong một năm. Vào tháng 9 vừa qua, hung thủ đã được mẹ hắn bảo lãnh tại ngoại. Bà ta dùng các con của Nurbanu ép cô phải ký vào một văn bản để hắn có thể ra tù và buộc cô phải quay lại chung sống với người chồng bạo chúa.
Người vợ mù loà không hề được chăm sóc mà cô phải tiếp tục đối mặt với bạo hành và ngược đãi.
Nurbanu chỉ là một trong hàng ngàn phụ nữ ở Bangladesh là nạn nhân của bạo lực gia đình bằng axit trong những năm gần đây. Họ bị coi là hàng hoá và tước đoạt các quyền cơ bản dưới tay những người đàn ông.
Nurbanu và con trai
Hiện nay, số lượng các vụ tấn công bắt đầu giảm nhờ nỗ lực của chính phủ, các tổ chức từ thiện, các nhà tài trợ và các tổ chức phát triển quốc tế để giải quyết vấn đề.
Theo thống kê, có 111 vụ tạt axit tại Bangladesh trong năm 2011, ít hơn so với con số 500 vào năm 2002. Động cơ phổ biến đằng sau các cuộc tấn công bạo lực bao gồm các tranh chấp đất đai, tài chính, cãi vã hôn nhân.
Các nạn nhân của vụ tạt axit có rất ít cơ hội tìm kiếm việc làm. Hậu quả của nó là những vết sẹo để lại vình viễn cùng những tổn thương về mặt tâm lý, trong nhiều trường hợp họ còn bị xã hội cách ly và tẩy chay.
Bạo lực trên cơ sở giới tính chỉ có thể chấm dứt khi phụ nữ ở Bangladesh có quyền bình đẳng.