Thạc sĩ Bùi Mai Anh, khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức - người tham gia phẫu thuật và chăm sóc Bích sau mổ, cho biết lúc mới vào viện, em vẫn tỉnh, chỉ hơi hoảng loạn, nhợt nhạt. "Thường các bệnh nhân ở tình trạng như Bích hay kêu, khóc nhưng cháu lại tỏ ra thờ ơ, vô thức và không hề khóc lóc, có lẽ do quá sợ hãi", chị kể.
Bác sĩ cho biết, trong quá trình điều trị, Bích tỏ ra rất giỏi chịu đựng, dù thay băng đau nhưng em không khóc. Thỉnh thoảng, Bích cũng chuyện trò và có lúc còn trêu đùa các y tá, điều dưỡng.
Hiện tại, Bích được các bác bên nội, ngoại chăm sóc. Mỗi khi thấy cháu hỏi về bố mẹ, người nhà cố cầm lòng nói rằng cả hai đã ra nước ngoài chữa bệnh, không ai dám nói hay gợi gì với Bích về những chuyện đã xảy ra. Ban ngày Bích tỏ ra rất ngoan nhưng cứ đến 12h đêm là em lại khóc tới 1-2 tiếng sau mới thôi. Người thân hỏi, em chỉ nói "chắc cháu nằm mơ".
Một chuyên gia về tâm thần chuyên biệt, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau thảm cảnh, Bích có thể gặp một số vấn đề tâm lý do sang chấn: stress cấp như hoảng loạn, kích động, loạn thần; hay rối loạn thích ứng: bé không thể thích ứng với cuộc sống hiện tại, luôn lo âu, sợ hãi, bi quan, không muốn tiếp tục tới trường...
Tuy nhiên, hai vấn đề trên chưa đáng lo bằng việc em có thể mắc các rối loạn stress sau sang chấn: Có thể sau một năm hay 10-20 năm nữa, Bích vẫn có những cơn hồi ức về thảm cảnh gia đình gặp phải. Điều này cũng hay thấy ở những người từng vượt biên hay các binh lính trở về sau chiến tranh khốc liệt...
Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, tư vấn đường dây bảo vệ trẻ em 18001567 (Cục chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em), cho rằng, ngay bây giờ bé Bích không những cần được chăm sóc về sức khỏe thể chất mà cần được giúp đỡ để vượt qua cú sốc tinh thần.
"Em sẽ phải trải qua hành trình đau khổ: từ phủ nhận sự thật rồi đổ lỗi (cho người khác và cho chính mình), tiếp đó là rơi vào trạng thái tự oán trách bản thân rồi mới dần dần chấp nhận được sự thật. Và khi đó, em sẽ cảm nhận sâu sắc mất mát không thể bù đắp của mình", nhà tâm lý chia sẻ.
Bà cho rằng, việc mất toàn bộ người thân, đồng thời là nạn nhân và người chứng kiến quá trình đó sẽ khiến Bích bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, không dễ khắc phục.
Bên cạnh đó, em sẽ có dấu ấn kinh hoàng với thủ phạm và cần được giải tỏa những ẩn ức này. Các nhà chuyên môn cần giúp em bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn với kẻ đã hại gia đình mình, hướng dẫn em cách thư giãn, luyện thở, để tĩnh tâm bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Theo VnExpress