Người bệnh HIV và nỗi ám ảnh bị người thân bỏ rơi
Bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại BV 09 (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: N.A
Khi biết anh nhiễm HIV, nhiều bạn bè, người thân nhìn anh Quân bằng ánh mắt ái ngại. Họ thầm bảo nhau rằng chị Thu sẽ chẳng mấy chốc mà ly dị anh. Nhưng chị Thu vẫn một lòng một dạ với chồng. Chị sẵn sàng làm việc vất vả để chồng có tiền mua thuốc điều trị. Chị và 2 đứa con là những niềm an ủi duy nhất, chỗ bấu víu cuối cùng của anh Quân.
“Có những lúc hai vợ chồng đang nằm cạnh nhau nói chuyện rất tình cảm. Bỗng dưng anh ấy như lên cơn, anh ấy nổi ghen với tôi vì khăng khăng cho rằng không ai chịu quan hệ với một người đã có HIV, kể cả là vợ chồng. Vì thế anh ấy cho rằng tôi ngoại tình và tin rằng đó là sự thật.", chị Thu ngậm ngùi chia sẻ với các chuyên gia nghiên cứu.
Bà Khuất Thị Hải Oanh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này cho hay: “Nỗi sợ bị bạn tình, bị vợ bỏ rơi là nỗi sợ lớn nhất của người nhiễm HIV. Đối với họ, bạn tình hoặc vợ có vai trò đặc biệt quan trọng để san sẻ những mất mát, tổn thương. Nếu mất đi chỗ dựa này, họ mất phương hướng”.
Đã có nhiều người bệnh HIV bị bỏ rơi, gia đình ngoảnh mặt, thậm chí đến khi chết cũng không được người thân nhận xác về. Những sự thực ấy khiến họ càng thêm sợ hãi rằng sẽ có ngày mình sẽ bị bỏ rơi, sẽ chết trong lạnh lẽo ý như thế …
Bắt vợ phải nhiễm bệnh cùng để không bị bỏ rơi
Đối với anh Quân nỗi sợ hãi ấy ngày một lớn và chuyển sang trạng thái cực đoan khác. Từ nỗi sợ hãi ấy, bạo lực gia đình đã ra đời.
“Anh ấy cố tình muốn làm cho tôi nhiễm để tôi không còn cơ hội lựa chọn cho tương lai của mình”, chị Thu kể với nhóm chuyên gia. Cách mà anh Quân dùng là nhất định không sử dụng bao cao su khi quan hệ với vợ.
Hành động của anh Quân có thể nói là khó có thể thông cảm được nhưng đứng từ góc độ tâm lý để phân tích, nhìn nhận thì bà Oanh lại cho rằng nó hợp với logic tâm lý của người bệnh nhiễm HIV.
Theo Vietnamnet