Đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông (thôn 2, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị giết.
Hung thủ đã dùng dây siết cổ bà Bông đến chết và cướp đi chiếc nhẫn vàng 24K. Gần một tháng sau, cơ quan cảnh sát điều tra công an Bình Thuận bắt tạm giam Huỳnh Văn Nén (SN 1962, làm thuê và ngụ tại thôn 2 xã Tân Minh) vì nghi người đàn ông này là thủ phạm.
Ngày 31/8/2000, Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận xử tù chung thân vì tội giết người. Tại tòa, Nén khai rằng bị điều tra viên đánh đập, ép cung, mớm cung.
“Hai ngày sau khi Nén bị tòa phạt tù chung thân, anh Nguyễn Phúc Thành (ngụ cùng xã với Nén, đang thụ án cố ý gây thương tích tại Trại giam Sông Cái - Bộ Công an) nghe Nén bị kết án, đã xin giấy, bút viết ngay đơn tố giác gửi ban giám thị trại giam. Trong đơn anh nêu rõ: Kẻ giết bà Bông là hai người bạn của Thành chứ không phải Nén. Anh Thành nêu rõ tên, địa chỉ hai người bạn và kể tỉ mỉ việc anh cùng người bạn được cho là thủ phạm đi bán chiếc nhẫn vàng cướp được như thế nào”, thông tin trên tờ Pháp luật TP.HCM.
Theo tờ Lao Động, Thành nói với cán bộ trại giam, thủ phạm giết bà Bông không phải là Nén mà là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt (cùng trú tại địa phương).
Đêm bà Bông bị giết, Thọ và Việt có kể cho Thành nghe, kể cả việc rủ đi bán chiếc nhẫn đã cướp được (Thành là đại ca của Việt và Thọ). Thành nói rõ cả tiệm vàng mà Thọ và Việt đã đến bán.
Khi công an tỉnh đưa Nén về xã Tân Minh dựng lại hiện trường, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và nhiều người dân, khi Nén được yêu cầu thực hiện lại hành vi giết người, Nén nói: “Em biết gì đâu”.
Đằng đẵng nhiều năm trời, ông Huỳnh Văn Truyện (89 tuổi, cha Huỳnh Văn Nén) đi làm thuê làm mướn tích cóp tiền để đi khắp nơi kêu oan cho con trai nhưng vẫn chưa có kết quả. Đồng hành với ông cụ Truyện trong hành trình kêu oan còn có ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch thị trấn Tân Minh.
Ông Huỳnh Văn Truyện (89 tuổi, cha Huỳnh Văn Nén). (Ảnh: Lao Động)
Tính đến nay, Nén đã thụ án được hơn 15 năm.
Một chi tiết đáng chú ý, Huỳnh Văn Nén là một trong số những người được xác định bị oan sai trong “vụ án vườn Điều” xảy ra tại Bình Thuận năm 1993.
Trao đổi với PV xung quanh vụ việc này, luật sư Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ủy ban thường vụ, Phó Tổng thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam cho biết: “Sau khi anh Thành có đơn tố giác, công an tỉnh Bình Thuận đã cử điều tra viên Cao Văn Hùng đến trại giam gặp anh Thành để xác minh. Đáng nói là, người được cử đến xác minh lại chính là điều tra viên từng điều tra vụ án Huỳnh Văn Nén. Sau đó, đơn tố giác của anh Thành bị rơi vào quên lãng. Sự "quên" này đã kéo dài đến nay là hơn... 15 năm (!?)”.
Về tình tiết này, theo thông tin trên tờ Lao Động, trong lá đơn ký ngày 20/11/2013, Nguyễn Phúc Thành viết: Cán bộ Cao Văn Hùng có đến làm việc, nói tôi tố cáo sai, nên rút đơn lại, kẻo phải đi tù lâu hơn. Tôi nói, nếu cán bộ nói tôi tố cáo sai, cán bộ cho tôi gặp nhân chứng... cán bộ không đồng ý và quát tôi “mày muốn chết, tao cho mày chết”.
Luật sư Minh Tâm đặt ra ra nghi vấn, tại sao công an tỉnh Bình Thuận lại cử chính điều tra viên đã điều tra vụ Huỳnh Văn Nén đến xác minh một tình tiết có giá trị (có thể) làm đảo ngược kết quả vụ án về tội "giết người" để minh oan cho Huỳnh Văn Nén? Tiếp nữa, điều tra viên đi xác minh về lại bỏ kết quả xác minh vào trong cặp suốt hơn 15 năm trời? Hoặc điều tra viên có báo cáo nhưng lãnh đạo lại "rơi vào im lặng"? Vậy, trách nhiệm của điều tra viên (hoặc lãnh đạo công an tỉnh Bình Thuận) sẽ như thế nào đối với "sự vô cảm" của họ suốt hơn 15 năm qua?
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ủy ban thường vụ, Phó Tổng thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Được biết, 3 luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải và Bùi Đức Trường (Đoàn luật sư Hà Nội) bào chữa miễn phí cho Huỳnh Văn Nén.
Ngày 1/12 vừa qua, 3 cán bộ của Tổng cục VIII (Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp), Bộ Công an đã làm việc với gia đình Huỳnh Văn Nén và đề nghị gia đình cung cấp đơn kêu oan của ông Huỳnh Văn Truyện (cha Nén); đơn kêu oan của ông Nguyễn Thận, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Hàm Tân, tờ Pháp luật TP.HCM đưa tin.