>> Xem toàn bộ vụ TRỌNG ÁN THẨM MỸ VIỆN LÀM CHẾT NGƯỜI, VỨT XÁC xuống sông Hồng
Xóa dấu vết bằng phi tang xác nạn nhân là sai lầm lớn
Chia sẻ với báo chí về những vấn đề liên quan tới bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường– Giám đốc trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường - người ném xác bệnh nhân xuống sông, PGS. TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Chúng tôi có bản tóm tắt lý lịch của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường và thấy bác sĩ Tường chưa có biểu hiện gì không tốt về lĩnh vực chuyên môn. Trong quá trình làm việc, bác sĩ Tường cũng chưa có kỉ luật gì.
Thế nhưng, chắc chắn không ai hiểu hành động phi nhân tính: mang vứt xác bệnh nhân để phi tang của bác sĩ Tường.
Trước những diễn biến của sự việc này, phóng viên đã có buổi trao đổi với bác sĩ Cao Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP. HCM, Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ bệnh viện An Sinh.
Bác sĩ Cao Ngọc Bích - Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM.
Bác sĩ Bích cho biết: Thực tế cũng đã xảy ra một số vụ gây tử vong cho bệnh nhân, nhưng có lẽ sự việc tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường (45 Giải Phóng, Hà Nội) là gây rúng động xã hội nhất. Rúng động chính ở việc xử lý của bác sĩ sau khi bệnh nhân tử vong.
Bác sĩ Tường cùng nhân viên bảo vệ của mình là Đào Quang Khánh (trú tại Hàng Bài, Hà Nội) mang xác bệnh nhân vứt xuống sông Hồng. Theo bác sĩ Bích: "Đây là hành động thiếu nhân tính và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y khoa chứ chưa nói những ảnh hưởng xã hội. Thực tế, hành vi đó đã làm tổn thương rất nhiều tới xã hội và đặc biệt là tổn thương tới tình yêu nghề nghiệp của giới bác sĩ, sự phẫn nộ của xã hội với đội ngũ bác sĩ".
Cũng theo bác sĩ Bích, sai lầm lớn nhất của bác sĩ Tường nằm ở việc xử lý sau khi có tai biến xảy ra với bệnh nhân. Việc phẫu thuật xảy ra tai biến là bất khả kháng và ai cũng có thể gặp, dù tỉ lệ là cao hay thấp. Nhưng vấn đề ở đây là trong quá trình làm, người bác sĩ phải chuẩn bị những điều kiện để khi xảy ra tai biến thì có thể xử lý được.
Và trong trường hợp này, khi tai biến xảy ra với bệnh nhân, bác sĩ phải tìm sự trợ giúp gần nhất như: đưa vào bệnh viện hoặc gọi lực lượng cấp cứu tới kịp thời vì bản thân bác sĩ không thể một mình xử lý được mọi tình huống. Nhất là ở đây, bác sĩ Tường không phải là bác sĩ chuyên môn về cấp cứu hồi sức.
Vì vậy, theo đánh giá của bác sĩ Bích thì chậm phút nào nguy cơ tử vong cho bệnh nhân lại càng cao phút đó. Chính vì thế, đáng phê phán nhất là sau khi bệnh nhân tử vong, bác sĩ Tường lại xóa dấu vết bằng cách phi tang xác nạn nhân. Đó là việc quá tàn bạo và vi phạm pháp luật. Đây chính là vấn đề đáng nói nhất trong sự việc này.
Liên quan tới việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường hành nghề sai giấy phép, chưa có có giấy phép hành nghề… bác sĩ Bích nói thêm: "Việc đó quá rõ là vi phạm pháp luật".
Đồng thời bác sĩ Bích cũng đưa ra khuyến cáo với các bác sĩ là, trong mọi lĩnh vực, bác sĩ hành nghề nhất là phẫu thuật thẩm mỹ thì điều đầu tiên là phải tìm mọi cách ngăn ngừa, tránh tai biến xảy ra. Khi tai biến xảy ra thì phải coi tính mạng nạn nhân là cao nhất chứ không phải là che giấu để giữ uy tín nghề nghiệp hoặc để giấu lỗi lầm của mình dẫn tới thiệt hại cho bệnh nhân.
15 năm nghề và 1 phút tâm lý
Bàn sâu hơn về tâm lý khi thực hiện hành vi của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, bác sĩ Cao Ngọc Bích nói: "Một phần là khi xảy ra việc bệnh nhân bị tai biến dẫn tới tử vong, bác sĩ cũng hoảng loạn về tâm lý và tinh thần. Nhưng ở đây cũng phải xét:
Thứ nhất, bác sĩ Tường là bác sĩ làm ở bệnh viện lớn, là bác sĩ ngoại khoa của bệnh viện Bạch Mai thì việc tiếp xúc với những tai biến trong bệnh viện, xử lý tai biến, thậm chí là tử vong trong bệnh viện cũng vẫn thường gặp chứ không phải là bác sĩ lần đầu tiên hành nghề.
Thứ hai, bên cạnh bác sĩ còn có vợ cũng là người làm trong ngành và làm cùng ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, cộng với đội ngũ nhân viên y tế mà không giúp ích gì cho bác sĩ trong việc hạn chế hoảng loạn tâm lý để giúp xử lý tình huống một cách đúng đắn hơn, thì đó là điều chúng ta phải suy nghĩ".
Bác sĩ Bích chia sẻ thêm: Như đã nói, những tác động của xã hội có thể gây nên sự hoảng loạn tới tâm lý bác sĩ. Nhưng với bác sĩ đã có 15 năm trong nghề ngoại khoa, nhưng đứng trước sự sống chết của bệnh nhân thì người bác sĩ phải vững vàng hơn về tâm lý và có cách xử lý tốt hơn.
Như vậy, việc bác sĩ Tường không đưa bệnh nhân vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu hoặc gọi người trong bệnh viện ra trợ giúp sau khi có tai biến, mặc dù thẩm mỹ Cát Tường ở rất gần bệnh viện thì đó là sai lầm lớn. Sau đó chính việc muốn ém nhẹm đi việc mình phẫu thuật tại trung tâm tư nhân, giấu đi việc vi phạm hành nghề không giấy phép và dẫn tới chết người, những cái đó là động cơ thúc đẩy bác sĩ nghĩ ra cách để xóa dấu vết.
Bác sĩ Bích khẳng định: Tác động xã hội tới tâm lý của bác sĩ Tường ở đây cũng có nhưng cái đáng trách là việc bác sĩ Tường muốn xóa dấu vết khi xảy ra việc làm sai sót của mình. Hành động việc gì cũng có yếu tố và nguyên nhân khác nhau nhưng từ câu chuyện này, mỗi bác sĩ phải tự rút ra bài học cho mình khi có bất kì sự việc xảy ra để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân là trên hết.
Những thông tin đặc biệt vụ trọng án: Đi thẩm mỹ viện bị chết, bác sỹ ném xác xuống sông Hồng (cập nhật liên tục)
* Vụ khách hàng bị ném xuống sông Hồng: Xác khó trôi quá 30km Toàn bộ thông tin vụ việc: BẤM VÀO ĐÂY |