Án tử cho kẻ tham tiền giết người, giấu xác dưới mương

trangnguyen |

Lòng tham trỗi dậy, hắn cùng đứa cháu đập chết người phụ nữ này, rồi dìm xác nạn nhân xuống lòng con mương...

Ám ảnh nặng nề

Nếu không vì biến cố giết người thì trong con mắt mọi người, Phạm Thu Nguyệt, tức Hùng, SN 1963, ở phường Đức Giang, quận Long Biên, là người đàn ông tu chí với gia đình.

Bươn trải đủ nghề khắp các tỉnh biên giới đến khi về Hà Nội định cư, dù ở cương vị nào, là anh buôn bán rủng rỉnh tiền trong túi hay đến lúc mạt vận làm lái xe ôm đứng đường, Nguyệt chưa khi nào ngừng lao động.

Chính vì thế mà cái tin anh ta giết người, giấu xác xuống lòng mương rồi trở thành tử tù ở trại giam công an tỉnh Hà Nam khiến những người quen biết bất ngờ.

Bàng hoàng nhất là bố mẹ của anh ta, đến cái tuổi cần được con cháu chăm sóc thì lại đèo thêm nỗi nhục mà có lẽ mang theo đến lúc về bên kia thế giới. Đau con trai trọng tội một phần, bố mẹ Nguyệt còn thêm nỗi đau đứa cháu trai cũng dính vòng lao lý với một kẻ tử tù, kẻ kia nhẹ hơn cũng mức án chung thân.

an-tu-cho-ke-tham-tien-giet-nguoi-giau-xac-duoi-muong
Hùng đang dựng lại hiện trường

Ngày ấy, cách đây hơn một năm, khi Nguyệt còn là một xe ôm chăm chỉ, chuyên đón khách ở khu vực chợ Long Biên, tình cờ được một phụ nữ Trung Quốc tên thường gọi là Tiên, thuê chở về Bắc Ninh để ký kết hợp đồng.

Vì không biết tiếng Việt, thấy Nguyệt lại giỏi tiếng Trung nên người đàn bà này đã thuê luôn người lái xe ôm kiêm luôn việc phiên dịch cho mình trong giao dịch với đối tác.

Từ đó về sau, mỗi khi sang Việt Nam làm việc với đối tác, chị Tiên lại tìm đến Nguyệt, thuê chở và thuê làm cầu nối trong mỗi lần giao dịch. Sau này tin tưởng, chị đã kết nghĩa anh em với Nguyệt, mọi việc thanh toán tiền hàng đều do Nguyệt đảm nhiệm.

Chị Tiên chỉ sang Việt Nam khi kết thúc một hợp đồng hoặc Nguyệt điện thoại sang thông báo đã lấy được tiền. “Cô ấy nhờ tôi nhiều lần lắm, lần nào cũng vài trăm triệu đồng tiền hàng, tôi đều giúp rất nhiệt tình nhưng rồi không hiểu sao….”, Nguyệt bỏ lửng câu nói.

Sự giúp đỡ của anh xe ôm cuối cùng cũng không vô tư được nữa khi mà đầu óc hàng ngày còn lấn cấn chuyện kiếm tiền nuôi con trong khi thi thoảng lại được ôm một đống tiền về nhà nhưng không được sử dụng.

Lòng tham con người đã khiến Nguyệt quên tất cả những tình nghĩa mà người phụ nữ này dành cho mình, cho gia đình mình; quên cả việc được chị Tiên mời sang Trung Quốc chơi, quên cả việc con mình, cháu mình được gia đình chị Tiên cưu mang, tạo việc làm. Trong đầu Nguyệt lúc đó chỉ còn một ý nghĩ rằng làm sao để 600 triệu đồng vừa nhận hộ ấy, là của mình.

Để chiếm đoạt tiền của chị Tiên, Nguyệt bàn với đứa cháu gọi gã bằng cậu, lập kế hoạch giết người. Sau khi “điều” được chị Tiên từ Trung Quốc sang Việt Nam, Nguyệt lấy lý do mẹ ốm, rủ người phụ nữ này về Hà Nam thăm mẹ rồi tìm cách đưa ra cánh đồng vắng ở huyện Duy Tiên (Hà Nam).

Tại đây, sau khi cùng đứa cháu đập chết người phụ nữ này, cậu cháu Nguyệt dùng cọc tre, gạch, bê tông dìm xác nạn nhân xuống lòng con mương dẫn nước vào ruộng.

Và với 2 lần kiểm tra, đặt thêm gạch và ghim cọc tre, Nguyệt tưởng rằng việc làm của mình chỉ có trời biết, đất biết, không ngờ chưa kịp hưởng thụ món tiền cướp được thì bị bắt. Biết chắc tội mình khó thoát khỏi tử hình, gã nhận hết tội về mình, cố vớt vát cứu thằng cháu nhưng tội ác và sự tráo trở đâu dễ có đất sống.

Nghe tòa tuyên 2 mức án chung thân và tử hình dành cho mình và đứa cháu, Nguyệt khuỵu xuống khi thấy đằng sau chị gái chết ngất vì đau khổ. Kể từ phút này, kẻ giết người biết rằng dù thời gian sống là rất ngắn ngủi nhưng tới lúc chết, gã không bao giờ thanh thản được.

an-tu-cho-ke-tham-tien-giet-nguoi-giau-xac-duoi-muong

Tử tù Phạm Thu Nguyệt

Không có chỗ cho sự tráo trở

Nguyệt bảo tội của mình như thế không oan, chỉ tiếc là vì tiền mà để tiếng dơ cho cả gia đình, dòng họ. Bao năm lăn lộn mưu sinh, được mọi người nhìn nhận là kẻ chịu khó chăm chỉ, vậy mà giờ đây tất cả chỉ còn nỗi đau, sự nhục nhã.

Nguyệt thương hai con chưa công ăn việc làm thì vướng vào chuyện của bố; hận vì để bố mẹ già cuối đời mang vết nhơ khó rửa và đau nhất là thằng cháu trai độc tôn của vợ chồng chị gái, vì nghe gã dụ dỗ mà hết đời trong trại giam. Nước mắt chảy dài trên gương mặt choắt, nhăn nheo, gã khóc...

Nguyệt sinh ra trong một gia đình lao động nên ngoài tính chăm chỉ thừa hưởng từ bố mẹ, gã còn hơn người ở sự gan lỳ hiếm có. Chính vì cái tính lỳ ấy mà 10 năm trời sau ngày ra quân, trong khi những người đi lính cùng ngày với gã lần lượt về quê thì gã biến mất như không tồn tại trên cõi đời.

Không tin tức, không thư từ nhắn gửi trong 10 năm liền, đùng cái gã trở về dắt theo vợ con và một bọc tiền giắt lưng. Cha mẹ, anh em mừng rỡ rồi tẽn tò vì Nguyệt quyết tâm đổi đời bằng việc tậu nhà ở thủ đô cho con cái không bị lạc hậu.

Từng lưu lạc nhiều năm bên Trung Quốc, lăn lộn với đủ nghề nhưng Hà Nội không phải nơi để gã trổ tài. Làm ăn sa sút, gã phải đứng đường kiếm từng cuốc xe ôm trong khi người vợ cũng phải bươn trải trong chợ kiếm từng nghìn một. Đã có lúc gã mệt mỏi, muốn về quê nhưng rồi bị tính sĩ diện cản đường.

“Giá như tôi cứ bằng lòng với bản thân thì cuộc đời thật khác”, Nguyệt tâm sự. Bỗng dưng được một người làm ăn buôn bán như chị Tiên tin tưởng, tạo việc làm cho cả con lẫn cháu, với người lao động chân chính, còn mong gì hơn thế, vậy mà gã lại vứt bỏ tất cả.

Nguyệt bảo ngày xuất ngũ, hành trang chỉ có vài bộ quần áo mỏng trong ba lô đi tìm kế sinh nhai, gã không thấy nao núng nhưng ngày bị bắt, bị dẫn tới nơi đã giấu xác chị Tiên, bước chân gã ngập ngừng vì sợ.

Đã bao đêm rồi gã cứ đặt lưng xuống là lại mơ thấy hình ảnh người phụ nữ xấu số ấy, với đôi mắt vô hồn không ra trách móc hay căm phẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại