Pháp gia tăng ảnh hưởng ở ‘sân sau’ của Nga bằng thỏa thuận vũ khí với Armenia

Vũ Thanh |

Mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn giữa hai nước cũng đang khiến đối thủ trong khu vực Azerbaijan tức giận.

Pháp gia tăng ảnh hưởng ở ‘sân sau’ của Nga bằng thỏa thuận vũ khí với Armenia- Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu (trái) và người đồng cấp Armenia Suren Papikyan tại Yerevan ngày 23/2/2024. Ảnh: AFP

Theo tờ Politico châu Âu (Politico.eu), Pháp đang gia tăng ảnh hưởng ở Armenia và muốn Yerevan thấy rằng họ có sự ủng hộ của Paris trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với nước láng giềng Azerbaijan và mối quan hệ ngày càng xấu đi với đồng minh lịch sử của họ là Nga.

Ngày 23/2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu và người đồng cấp Armenia Suren Papikyan đã gặp nhau tại thủ đô Yerevan (Armenia) để nêu bật mối liên hệ quốc phòng ngày càng sâu sắc giữa hai nước.

Trong chuyên thăm, ông Lecornu cũng bàn giao kính nhìn đêm quân sự cho phía Armenia, nước cũng đã ký hợp đồng mua súng trường tấn công từ công ty PGM của Pháp. Các cuộc thảo luận giữa hai bên về việc mua tên lửa tầm ngắn Mistral từ nhà thầu MBDA châu Âu cũng đang được tiến hành.

"Sự hợp tác này, đã diễn ra được một năm rưỡi, có tầm quan trọng lớn đối với Armenia. Chúng tôi đã đạt được tiến bộ, điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể mong đợi lập kế hoạch hợp tác dài hạn trong những năm tới", Bộ trưởng Papikyan nói với các phóng viên sau cuộc họp.

Về phần mình, ông Lecornu cho biết: “Ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi là giúp Armenia bảo vệ người dân của mình. Đó là vì Armenia cần chúng tôi ngay lúc này nên chúng tôi ở đây”.

Mối quan hệ chặt chẽ hơn với Pháp diễn ra khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cùng ngày cho biết Yerevan đã đình chỉ việc tham gia liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu.

Armenia cho rằng Nga đã không hỗ trợ nước này sau khi Azerbaijan phát động cuộc tấn công nhằm chiếm lại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh có người Armenia sinh sống vào tháng 9 năm ngoái. Nga có một đơn vị gìn giữ hòa bình đóng quân ở đó, nhưng không can thiệp.

Armenia cũng đã nói rõ rằng họ không ủng hộ Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Nhận định với hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/2, Igor Korotchenko, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Caspian (Nga), cho rằng việc Armenia "đóng băng" hợp tác với CSTO là kết quả của các thỏa thuận gần đây với Pháp và sự khởi đầu của việc chuyển sang hợp tác quân sự với một số quốc gia phương Tây.

Nhưng việc chấm dứt sự ảnh hưởng của Moskva rất phức tạp khi ông Pashinyan cho biết không có ý định đóng cửa căn cứ quân sự của Nga ở Armenia và nước này cũng đang hưởng lợi từ quan hệ kinh tế trong CSTO.

Ông Korotchenko giải thích: "Điều duy nhất hiện đang khiến Armenia không cắt đứt hoàn toàn quan hệ với CSTO và Nga là vấn đề kinh tế. Armenia được hưởng một số ưu đãi từ Nga, đồng thời được hưởng mọi lợi ích khi là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu, một khối kinh tế khu vực".

Theo chuyên gia Korotchenko, điều quan trọng là Yerevan phải tránh các lệnh trừng phạt của Moskva, vì nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế Armenia sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Thách thức an ninh chính của Armenia là Azerbaijan, quốc gia đang yêu cầu một hành lang chạy qua Armenia để kết nối với vùng lãnh thổ Nakhchivan của mình - điều mà Armenia phản đối. Một cuộc giao tranh hồi đầu tháng này đã khiến 4 binh sĩ Armenia thiệt mạng.

Trong bối cảnh liên minh với Nga rạn nứt, Armenia đang tìm kiếm những đối tác mới và Pháp, vốn có dân tộc thiểu số người Armenia đông đảo, là một trong những quốc gia phương Tây duy nhất phù hợp.

Bộ trưởng Lecornu nêu rõ: “Armenia đang tìm kiếm những đối tác thực sự mang lại an ninh cho họ”. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Yerevan của một Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và là cuộc gặp thứ tư của ông Lecornu với người đồng cấp Armenia Papikyan kể từ tháng 5/2022.

Thủ tướng Papikyan cũng thừa nhận chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp diễn ra chỉ hai năm sau khi bắt đầu mối quan hệ quân sự giữa hai nước là bằng chứng cho thấy mối quan hệ này đã mang tính hệ thống và sâu rộng.

Ông Pashinyan đã đến Paris vào đầu tuần này, nơi ông gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã cảnh báo rằng “nguy cơ leo thang vẫn hiện hữu” sau sự cố biên giới với Azerbaijan.


Pháp gia tăng ảnh hưởng ở ‘sân sau’ của Nga bằng thỏa thuận vũ khí với Armenia- Ảnh 3.

Pháp đang giúp Armenia cải thiện năng lực phòng không bằng việc bán 3 radar và thỏa thuận cung cấp tên lửa phòng không Mistral trong tương lai. Ảnh: news.am/eng

Giao dịch vũ khí

Armenia đang tìm kiếm sự hỗ trợ chính trị và cũng muốn được hỗ trợ trong việc biến quân đội thời Liên Xô của mình thành một lực lượng có thể ứng phó với quân đội lớn hơn và được trang bị tốt hơn nhiều của Azerbaijan. Quốc gia giàu dầu khí này có mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO) và là khách hàng mua vũ khí lớn từ Israel.

Chính phủ Armenia dự kiến sẽ chi từ 1,4 tỷ đến 1,5 tỷ USD cho quốc phòng trong năm nay và cũng đang mua thêm vũ khí từ Ấn Độ.

Cùng với đó, Armenia đang tìm kiếm sự hỗ trợ của phương Tây để “khôi phục cán cân quân sự” với Azerbaijan, điều mà Tigran Grigoryan, Giám đốc Trung tâm Dân chủ và An ninh Khu vực ở Yerevan, cho biết Baku “đã khai thác những điểm yếu của Yerevan về năng năng tự vệ”.

Nhưng đối với Armenia, còn một chặng đường dài phía trước để có một lực lượng vũ trang có khả năng thực sự đối đầu với các cường quốc quân sự trong khu vực.

Chuyên gia Grigoryan cho rằng chỉ mua vũ khí hiện đại là chưa đủ: “Tất cả các nhà phân tích quân sự ở Armenia đều đồng ý rằng nếu không có một quá trình cải cách toàn diện, tất cả những hoạt động mua sắm này sẽ không có ích lợi gì”.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Lecornu tới Armenia lần này được tháp tùng bởi các nhà thầu quốc phòng Pháp MBDA, Nexter, Arquus, Safran, Thales và PGM, cùng các nghị sĩ trong quốc hội.

Ông Lecornu nói với các phóng viên rằng bên cạnh tên lửa Mistral do MBDA sản xuất, hai bên cũng thảo luận về hệ thống phòng không đất đối không, phòng thủ tầm ngắn, trung bình và tầm xa, pháo binh và hệ thống chống máy bay không người lái. Tháng 10 năm ngoái, hai bên đã công bố hợp đồng mua 3 radar Ground Master 200 do Thales sản xuất, dự kiến sẽ được giao vào mùa hè này.

Pháp cũng đang huấn luyện quân đội Armenia. Paris và Yerevan ngày 23/2 đã ký kết hợp tác giữa Học viện Quốc phòng Saint-Cyr của Pháp và Học viện Quốc phòng Armenia. Một quan chức quân sự Pháp sẽ đóng vai trò cố vấn quốc phòng cho Chính phủ Armenia kể từ tháng 7 tới.

Một quan chức Pháp nói với các phóng viên: “Quân đội Armenia có truyền thống của Liên Xô và cần phải thay đổi cả về học thuyết lẫn trang bị”.

Phản ứng từ Azerbaijan

Paris khẳng định vũ khí họ bán chỉ mang tính phòng thủ, nhưng sự quan tâm ngày càng tăng của Pháp đối với khu vực đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Azerbaijan.

Ayaz Rzayev, nhà nghiên cứu tại Trung tâm tư vấn Topchubashov có ảnh hưởng của Azerbaijan cho biết: “Động thái của Pháp nhằm can dự vào khu vực có thể sẽ gây ra phản ứng đáng kể từ Nga và Iran, trong khi Azerbaijan lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến bất ổn trong khu vực, cản trở nỗ lực hướng tới tiến trình bình thường hóa”.

Theo chuyên gia Rzayev, ngay cả khi vũ khí của Pháp chuyển giao cho Armenia được cho là mang tính phòng thủ, chúng vốn có khả năng tấn công nhất định. Do đó, Azerbaijan cảm thấy buộc phải đáp trả những đợt giao vũ khí như vậy bằng các biện pháp tương xứng và tất cả những điều này “tạo ra một vòng luẩn quẩn gồm các hành động và phản ứng có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang, nguy cơ dẫn đến xung đột”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại