Những bẽ bàng trên dòng sông Seine huyền thoại
Sông Seine - một trong những con sông mang tính biểu tượng bậc nhất thế giới - trải dài hơn 766km, từ Burgundy qua Paris ra biển ở Normandy. Con sông này đã định hình Paris phồn hoa kể từ khi nó được người La Mã cổ đại thành lập.
Dọc theo bờ sông, các kiến trúc sư giỏi nhất thế giới đã xây dựng Tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà và các bảo tàng Louvre và Orsay - những kiệt tác thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến chỉ để đi thuyền dọc theo dòng sông khu vực cắt qua trung tâm Paris.
Dòng sông cũng chính là một cách kết nối giữa Paris hiện đại với lịch sử lâu dài của nó. “Sông Seine,” Emmanuel Grégoire, phó thị trưởng Paris phụ trách quy hoạch đô thị, cho biết, “là lý do Paris ra đời.”
Với ý nghĩa to lớn này, gần 10 năm, 1,6 tỷ EURO (tương đương hơn 43 nghìn tỷ đồng) là những gì Pháp bỏ ra với khát vọng làm nên kỳ tích - biến sông Seine - con sông ô nhiễm đến mức việc bơi ở đây là bất hợp pháp suốt 100 năm qua (lệnh cấm được chính phủ ban hành năm 1923) trở thành nơi các vận động viên của Thế vận hội Paris 2024 có thể tham gia thi đấu.
Tuy nhiên, phần thi ba môn phối hợp nam vốn được tổ chức vào ngày 30/7 đã bị hoãn sau cuộc kiểm tra chất lượng nước sông Seine. Kết quả kiểm tra cho thấy dòng sông vẫn vượt mức ô nhiễm để có thể cho các vận động viên bơi lội một cách an toàn.
Mối lo ngại ngày một gia tăng đến mức các quan chức đã gợi ý rằng cuộc thi có thể sẽ được chuyển thàn hai môn phối hợp nếu tình trạng ô nhiễm không được cải thiện. Nhưng cuối cùng, phần thi ba môn phối hợp nam và nữ vẫn được diễn ra vào sáng ngày 31/7 theo giờ địa phương.
Nhưng, thay vì những hình ảnh đẹp của các vận động viên khi bơi trên dòng sông huyền thoại, thứ xuất hiện trên các trang truyền thông quốc tế sau phần thi lại khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Truyền thông quốc tế liên tục chia sẻ hình ảnh của VĐV ba môn phối hợp Tyler Mislawchuk của đoàn Canada đã nôn mửa ngay trên sóng truyền hình trực tiếp sau khi hoàn thành xong nội dung bơi trên sông Seine.
Mislawchuk đã hoàn thành một chặng bơi 1,5 km, đạp xe 40 km và chạy 10 km. Nhưng ngay sau khi hoàn thành chặng bơi, VĐV của đoàn Canada đã nôn tới 10 lần và nằm bệt xuống nền với gương mặt bơ phờ. Dù hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc VĐV nôn nhiều sau khi bơi là gì nhưng người ta vẫn có nhiều đồn đoán liên quan đến chất lượng nước của dòng sông này.
Trong khi đó, VĐV ba môn phối hợp người Bỉ Jolien Vermeylen đã tiết lộ cảm giác bơi dưới nước: "Tôi đã uống rất nhiều nước, vì vậy ngày mai chúng ta sẽ biết tôi có bị ốm hay không. Khi bơi dưới cầu, tôi cảm thấy và nhìn thấy những điều mà chúng ta không nên nghĩ đến quá nhiều".
Tất cả dường như khiến những nỗ lực cũng như tiền bạc trong gần 10 năm qua của nước Pháp đều trôi sạch theo dòng sông.
Phóng viên môi trường của Guardian, Helena Horton đã nói về lý do sông Seine khó có thể làm sạch. Và liệu một ngày nào đó, nước Pháp có thể biến "ý tưởng điên rồ" của mình trở thành hiện thực hay không?
Các viên chức đã thảo luận về việc làm sạch sông Seine kể từ cuối những năm 1980 và lần gần nhất những kế hoạch này được thực hiện một cách nghiêm túc là vào 8 năm trước. Chính phủ khá lạc quan khi cho rằng dòng sông nổi tiếng ô nhiễm này có thể hoàn toàn "lột xác" để kịp cho Thế vận hội Paris 2024. Bước đầu là trở thành nơi tổ chức thi đấu cho các vận động viên, sau đó chính thức để dòng sông trở thành nơi người dân Paris có thể vẫy vùng giữa cái nóng của mùa hè sau 100 năm ban lệnh cấm.
Những tháng trước khi bước vào kỳ Thế vận hội, kết quả kiểm tra chất lượng nước tại sông Seine liên tục ở mức ô nhiễm. Các quan chức cho rằng điều này là do các tác động tiêu cực từ môi trường, bởi thời tiết Paris vào mùa xuân vô cùng ẩm ướt.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã hứa sẽ tự mình đi bơi để thể hiện sự tin tưởng vào kế hoạch này, nhưng dường như nó đã bị lãng quên bởi cuộc bầu cử bất ngờ khiến ông bận rộn hơn bao giờ hết.
Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo và Bộ trưởng bộ thể thao Pháp, Amélie Oudéa-Castéra, đều đã bơi tại sông Seine, mặc dù sau đó người ta phát hiện ra rằng mức độ ô nhiễm quá cao vào ngày bà Hidalgo đắm mình trong làn nước.
Sự lạc quan của các nhà chức trách không phải là hoàn toàn vô căn cứ bởi chất lượng nước sông Seine thực sự có thể thay đổi nhanh chóng do mưa. Thời tiết khô nóng mùa hè được kỳ vọng sẽ hạn chế vấn đề này nhưng cơn mưa lớn vào cuối tuần trước đã dập tắt hoàn toàn mọi hy vọng.
Mặc dù Pháp đã đưa được các vận động viên xuống nước, nhưng tình trạng ô nhiễm không thể đoán trước cũng đồng nghĩa với việc, người dân sẽ không nhảy xuống sông Seine để giải nhiệt trong thời gian tới.
Pháp đã làm gì để cải tạo sông Seine?
Bơi ở sông Seine là việc làm phạm pháp tại đất nước này trong vòng 100 năm qua nhưng khi Paris được chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội, các quan chức Pháp đã có ý định biến con sông này trở thành trung tâm của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã chẳng thể suôn sẻ như trong dự tính.
1,6 tỷ EURO để dọn dẹp một dòng sông. Nghe có vẻ lớn nhưng thực tế nó lại tương đối "rẻ" với khối cơ sở hạ tầng khổng lồ tại Paris, Helena nói. Dự án do nhà nước tài trợ này bao gồm đầu tư vào việc quản lý nước thải, trạm lọc, nhà máy xử lý và bể chứa nước mưa để ngăn chặn vi khuẩn.
Phần quan trọng nhất của dự án này là việc xây dựng hệ thống chứa nước dạng hang động, có thể chứa 50.000 mét khối nước mưa tràn bờ. Lượng nước này tương đương với khoảng 20 bể bơi Olympic.
Kế hoạch của Pháp không bao giờ là "làm sạch sông Seine", mà là "giữ nước chưa qua xử lý không bị đổ vào sông", theo lời kỹ sư trưởng của dự án. Nhưng ngay cả mục tiêu đó cũng luôn khó đạt được.
Bởi trong khi các quốc gia có hệ thống thoát nước thải tân tiến hơn sẽ có xu hướng xây dựng hai hệ thống đường ống: một cho tất cả nước thải sinh hoạt và một cho nước mưa từ mái nhà, máng xối, nước chảy từ đường... thì các thành phố lâu đời như London và Paris tồn tại một thứ gọi là hệ thống thoát nước thải kết hợp - tất cả nước thải đều được trộn lẫn.
Khi trời mưa và các đường ống nước thải chung này có nguy cơ bị tràn. Nhưng thay vì tràn vào nhà của người dân, nó sẽ chảy chảy vào sông và ra biển. Chính điều này đã khiến việc bơi ở sông Seine trở nên mất an toàn cũng như giết chết những loài động vật hoang dã sống ở đó.
Việc xây dựng hệ thống chứa nước hai bên bờ nhằm đảm bảo nước thải sẽ không chảy vào sông. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phát sinh khi trời mưa quá nhiều và lưu vực chứa nước đầy. Tình trạng tràn nước thải vào sông Seine vẫn xảy ra và không có cách nào đảm bảo rằng dòng sông đủ an toàn để bơi.
Thất bại trong cải tạo sông Seine liệu có phải điều đã được dự đoán từ trước?
Việc dự đoán nước sông có ô nhiễm vào chính thời điểm xảy ra Thế vận hội hay không là một điều khó khăn. Tuy nhiên, những tác động do biến đổi khí hậu lên thời tiết lại là điều đã được cảnh báo trước.
Chất thải ô nhiễm ở sông Seine. Magali Cohen (Hans Lucas/Redux)
Helena cho biết: “Do tác động của biến đổi khí hậu, Pháp đang có lượng mưa lớn vào những thời điểm vốn dĩ khô nóng trong năm - điều này đã diễn ra một vài năm trước. Chính bởi vậy, bằng cách này hay cách khác, vấn đề ô nhiễm sẽ xảy ra khi tổ chức cuộc thi ba môn phối hợp trên sông là điều đáng nhẽ phải được dự đoán từ trước.
Cách mọi việc diễn ra thực sự sẽ không làm tăng lòng tin của người dân Paris, những người có thể muốn bơi trên sông trong vài năm tới."
Tuy nhiên, không phải mọi nỗ lực của Pháp trong việc cải tạo sông Seine đều là vô ích. Một số loài động vật đã dần quay trở lại sông Seice, dù rất chậm. Chính phủ Pháp đã đếm được hơn 30 loài cá - gấp 10 lần so với 3 loài được tìm thấy vào năm 1970.
Trên thực tế, để cải tạo sông Seine, chính phủ Pháp sẽ cần một chiến lược dài hạn với nhiều sự can thiệp, đầu tư và quan trọng nhất là một tầm nhìn xa. Đây là một đại công trình lớn khi hệ thống thoát nước thải của Paris là quá lớn và quá cũ. Trong khi để có thể khắc phục hoàn toàn sẽ đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống thoát nước mới.
“Chúng thực sự nên được thay thế dần dần theo thời gian,” Helena nói. “Để giảm hoàn toàn ô nhiễm nước thải, chính phủ Pháp sẽ cần phải đào thành phố lên và có thể phải chi hàng chục tỷ đô la trong nhiều thập kỷ – nhưng họ không được khuyến khích làm điều đó.”
Nguồn: Guardian, Time