Phản ứng của Trung Quốc trước việc Litva rút khỏi cơ chế 17+1

Bích Thuận |

Trước động thái rút khỏi cơ chế 17+1 giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông Âu của Litva, Bộ Ngoại giao và chuyên gia Trung Quốc hôm nay (24/5) khẳng định, quyết định này không ảnh hưởng đến cơ chế hợp tác hiện hành.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: Sputnik.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: Sputnik.

Trong phản ứng mới nhất trước quyết định rút khỏi cơ chế hợp tác 17+1 của Litva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, đây là cơ chế hợp tác xuyên khu vực do Trung Quốc và các nước Trung Đông Âu cùng khởi xướng. 9 năm qua, cơ chế này đã gặt hái nhiều kết quả và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân các nước thành viên.

Theo người phát ngôn, trong quá trình hợp tác, các bên luôn tuân thủ các nguyên tắc hiệp thương tự nguyện, cùng bàn bạc xây dựng, cởi mở bao trùm, coi đây là sự bổ sung hữu hiệu và quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Ông mời các tổ chức quốc tế và quốc gia khác tham gia vào khuôn khổ hợp tác này, đồng thời khẳng định, diễn đàn này sẽ “không bị ảnh hưởng bởi các vụ việc riêng lẻ” và “chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người dân các nước liên quan”.

Trong khi đó, chuyên gia Trung Quốc lên án hành động này của Litva là một "khởi đầu tồi tệ", nhưng cho rằng cơ chế “17 + 1” sẽ không vì sự rút lui của một quốc gia nào đó mà không thể tiếp tục, nhấn mạnh Trung Quốc cần để cơ chế này gặt hái thêm nhiều thành quả khiến các quốc gia như Litva phải cảm thấy “tiếc nuối”.

Ông Thôi Hồng Kiện, Viện trưởng Viện châu Âu thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, đằng sau việc làm của Litva có sự thúc đẩy của Mỹ, bởi quốc gia này phụ thuộc nhiều vào Washington về an ninh.

Chuyên gia này cũng nhận định, động thái của Litva còn liên quan đến những căng thẳng gần đây trong quan hệ Trung Quốc - EU. Hồi tháng 3 năm nay, trong số các tổ chức và cá nhân chịu lệnh trừng phạt của Trung Quốc do “gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích” của nước này, cũng như “truyền bá lời lẽ dối trá và thông tin sai lệch một cách ác ý” liên quan đến vấn đề Tân Cương có một thành viên của Quốc hội Litva.

Ngày 20/5, Nghị viện châu Âu tuyên bố dừng việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào EU. Cùng ngày, Litva cũng thông qua một nghị quyết liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Chuyên gia này cho rằng, việc Litva rút khỏi cơ chế 17+1 không ảnh hưởng đến sự hợp tác và phát triển chung của nhóm. Bản thân cơ chế này là tự nguyện và việc rút lui của một số quốc gia sẽ giúp cơ chế 17+1 “tập trung hơn vào hợp tác thiết thực, có thể điều chỉnh hướng đi và phát triển tốt hơn".

Được biết, Trung Quốc và các nước Trung Đông Âu lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Ba Lan vào năm 2012, khởi động cơ chế “16+1” nhằm thúc đẩy hợp tác và thương mại. Khi Hy Lạp tham gia vào năm 2019, cơ chế này được đổi thành “17+1” và trở thành một phần trong hợp tác giữa Trung Quốc với EU.

Ngày 22/5, Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis cho biết, nước này đã chính thức rút khỏi cơ chế 17+1 với Trung Quốc và kêu gọi các quốc gia EU khác hành động tương tự, trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi khuôn khổ hợp tác này.

Các động thái “đối đầu” với Trung Quốc của Litva đã được dự báo từ trước. Hồi tháng 3 năm nay, Đài Truyền hình Quốc gia Litva từng tiết lộ thông tin Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nước này đã đồng ý rút khỏi cơ chế 17+1 từ tháng 2.

Cũng trong tháng 3, Bộ Kinh tế và Đổi mới Litva tuyên bố có ý định tăng cường và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và "ngoại giao" với châu Á. Một trong những kế hoạch đó là mở "Văn phòng đại diện thương mại" tại Đài Loan vào cuối năm nay.

Tháng 1 năm nay, Litva đã cấm các sân bay nước này sử dụng thiết bị soi chiếu an ninh hành lý do công ty Nuctech của Trung Quốc sản xuất với lý do "an ninh quốc gia". Nước này cũng từng nhiều lần tuyên truyền về "mối đe dọa Trung Quốc"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại