Lãnh đạo của DPR Denis Pushilin cũng đưa ra quyết định ngay sau quyết định của LPR, theo đó tuyên bố DPR cũng sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự vào cùng ngày.
Nga đã công nhận 2 vùng lãnh thổ trên là các nhà nước độc lập hồi tháng 2, song phương Tây vẫn coi chúng là một phần lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, Kiev đã mất quyền kiểm soát thực tế cả 2 lãnh thổ này vào năm 2014.
Thông báo về các cuộc trưng cầu dân ý được đưa ra sau khi phòng dân sự của LPR hối thúc các lãnh đạo khu vực này "ngay lập tức" tổ chức một cuộc bỏ phiếu về việc gia nhập Nga, đồng thời khẳng định cần xúc tiến quá trình này sớm nhất có thể.
"Các sự kiện gần đây đã cho thấy những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Kiev đã vượt qua tất cả lằn ranh đỏ", Phó trưởng phòng dân sự Lina Vokalova cho hay.
Phản ứng trước thông báo rằng LPR và DPR sẽ bỏ phiếu để gia nhập Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi những động thái này là phi pháp và kêu gọi "cộng đồng quốc tế" hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine.
"Những cuộc trưng cầu dân ý giả mạo này không có cơ sở pháp lý và không thay đổi bản chất cuộc chiến của Nga ở Ukraine", ông Stoltenberg viết trên Twitter, đồng thời gọi đó là "hành vi leo thang căng thẳng".
"Cộng đồng quốc tế phải lên án hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn này và tăng cường hỗ trợ cho Ukriane", Tổng thư ký NATO khẳng định.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng cũng có cùng quan điểm với ông Stoltenberg khi gọi những cuộc trưng cầu dân ý là "sự xúc phạm các nguyên tắc chủ quyền và thống nhất lãnh thổ".
"Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận vùng lãnh thổ này là bất cứ thứ gì ngoại trừ việc là một phần của Ukraine", ông Sullivan tuyên bố.
EU đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt mới lên Nga sau khi các khu vực LPR, DPR, Kherson và Zaporizhzhia thông báo về các cuộc trưng cầu dân ý.
"Nga, giới lãnh đạo chính trị và những ai có liên quan đến các cuộc trưng dầu dân ý cũng như những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, những biện pháp hạn chế bổ sung nhằm vào Nga sẽ được cân nhắc", Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho hay.
Trong khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin khẳng định, nếu các nước cộng hòa ở khu vực Donbass bỏ phiếu gia nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý công khai, Moscow sẽ tôn trọng quyết định này.
"Nếu trong trường hợp họ đưa ra tuyên bố trực tiếp rằng họ muốn trở thành một phần của nước Nga, chúng tôi sẽ ủng hộ họ", ông Vyacheslav Volodin nói, đồng thời khẳng định người dân Donbass "cần hiều rằng chúng tôi mong họ sẽ tự do bày tỏ nguyện vọng của mình".
Còn theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev, những diễn biến trên đã khiến cho "sự dịch chuyển địa chính trị của thế giới không thể đảo ngược". Ông cũng cho rằng sau khi những thay đổi tương ứng được đưa vào Hiến pháp Nga, không có nhà lãnh đạo hay quan chức nào có thể đảo ngược chúng.
"Đó là lý do tại sao các cuộc trưng cầu dân ý này lại khiến Kiev và phương Tây lo ngại tới vậy"./.