Trong cuộc gặp với các phóng viên, ông Peskov được đề nghị bình luận về phát biểu gần đây của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Cụ thể, ông Sullivan tuần trước cho biết Mỹ sẵn sàng “tham gia các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí song phương với Nga và Trung Quốc mà không cần điều kiện tiên quyết”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cũng nói rằng Washington sẵn sàng tuân thủ các giới hạn cốt lõi được đặt ra bởi hiệp ước START mới năm 2010, trong đó đặt ra giới hạn về số lượng đầu đạn chiến lược được triển khai bởi hai nước, “miễn là Nga cũng làm như vậy”.
Phát ngôn viên điện Kremlin Peskov miêu tả những phát biểu trên của ông Sullivan là "một tín hiệu quan trọng và tích cực". “Tất nhiên, chúng tôi mong đợi nó sẽ được hỗ trợ bằng các bước đi thực tế thông qua các kênh ngoại giao,” ông Peskov lưu ý.
Nhắc lại lập trường rằng Moscow vẫn sẵn sàng đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí nhưng phát ngôn viên điện Kremlin Peskov nói thêm rằng “trước tiên, chúng ta nên hiểu đề xuất này được hình thành như thế nào”.
Tuy nhiên, ông Peskov tiếp tục nói rằng, khi đề cập đến một chủ đề quan trọng như vậy, “rất khó để dựa vào các tuyên bố trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là khi chúng ta đang trải qua sự thiếu hụt nghiêm trọng về niềm tin lẫn nhau trong quan hệ song phương.”
Cấu trúc kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ đã rơi vào tình trạng căng thẳng đáng kể trong những năm gần đây. Tháng 8 năm ngoái, Nga đã đình chỉ chế độ thanh sát trong hiệp ước START mới - thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa hai nước với lý do cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với cuộc xung đột Ukraine cản trở các quan chức Nga thực hiện cơ chế kiểm tra.
Vào tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Moscow sẽ đình chỉ việc tham gia hiệp ước với lý do các cường quốc phương Tây từ chối cho phép thanh tra các cơ sở hạt nhân của họ. Tuy nhiên, ông Putin xác nhận rằng Moscow sẽ tiếp tục tuân thủ các giới hạn của thỏa thuận đối với các đầu đạn được triển khai.
Ông chủ điện Kremlin cũng nói rằng trước khi thảo luận về tương lai của thỏa thuận, Nga không chỉ muốn giải quyết kho vũ khí của Mỹ mà còn cả vũ khí hạt nhân của các thành viên NATO khác, bao gồm cả Anh và Pháp.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng cho biết động thái đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng với Washington của Moscow là "không thể lay chuyển" và chỉ có thể bị đảo ngược nếu Mỹ từ bỏ chính sách "thù địch" đối với Nga.
"Quyết định đình chỉ Hiệp ước START mới của chúng tôi là không thể lay chuyển", hãng thông tấn nhà nước Nga Itar Tass dẫn lời ông Ryabkov tuyên bố. "Điều kiện của riêng chúng tôi để quay trở lại một hiệp ước hoạt động đầy đủ là Mỹ phải từ bỏ lập trường thù địch cơ bản đối với Nga."
"Nói chuyện với Liên bang Nga bằng ngôn ngữ tối hậu thư không có tác dụng," ba hãng thông tấn chính của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh. "Do lỗi của Mỹ, nhiều yếu tố của kiến trúc cũ ở khu vực này đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc chuyển sang trạng thái nửa sống nửa chết."
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tuần trước đã công bố một loạt bốn biện pháp đối phó của Washington nhằm đáp trả việc Nga vi phạm Hiệp ước START mới.