Israel và Palestine đã có những phản ứng khác nhau trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Trung Đông, trong đó ông để ngỏ khả năng chấp nhận giải pháp "một nhà nước."
Ngày 15/2, tại cuộc hội đàm đầu tiên với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kể từ khi nhậm chức, ông Trump cho biết sẵn sàng đồng thuận với giải pháp "một nhà nước" cho cuộc xung đột Israel-Palestine nếu cả hai bên đều chấp nhận giải pháp này.
Theo Tổng thống Mỹ, mặc dù giải pháp hai nhà nước là dễ dàng hơn, nhưng ông sẵn sàng ủng hộ giải pháp mà Israel và Palestine cho là "tốt nhất", ám chỉ tới giải pháp "một nhà nước."
Cách tiếp cận mới của ông Trump bị xem là một sự thách thức đối với sức ép của cộng đồng quốc tế nhằm đạt giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay là thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel.
Giới lãnh đạo Israel ngay lập tức ca ngợi tuyên bố trên như "sự chấm dứt kỷ nguyên hai nhà nước," đồng thời kêu gọi đẩy nhanh việc sáp nhập Bờ Tây. Bộ trưởng An ninh Nội địa Israel Gilad Erdan nói "đây là một ngày trọng đại", mở ra một "kỷ nguyên mới."
Tổng thống Palestine tuyên bố tiếp tục theo đuổi giải pháp hai nhà nước. (Nguồn: AP)
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định cam kết theo đuổi giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột hiện nay.
Văn phòng Tổng thống ra thông cáo cho biết: "Tổng thống cam kết với giải pháp hai nhà nước, luật pháp quốc tế và tính hợp pháp quốc tế nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và thành lập nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô."
Thông cáo cũng cho biết Palestine sẵn sàng thỏa thuận tích cực với chính quyền của Tổng thống Trump nhằm đạt hòa bình tại Trung Đông.
Nhân vật số 2 của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat chỉ trích phát biểu của Tổng thống Mỹ, coi đây là ý định "chôn vùi giải pháp hai nhà nước."
Ông cảnh báo Israel rằng nếu có một nhà nước duy nhất thì đó cũng không phải là nhà nước của người Do Thái. Theo ông, chỉ có một giải pháp thay thế đó là "một nhà nước dân chủ đảm bảo quyền cho tất cả: người Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo."
Israel đã chiếm đóng Bờ Tây và dải Gaza trong cuộc Chiến tranh Trung Đông năm 1967 và kiểm soát các vùng lãnh thổ này từ đó tới nay bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Người Palestine muốn xây dựng nhà nước tương lai của mình bên trong các phần lãnh thổ này với thủ đô là Đông Jerusalem - phần đất đã bị Israel sáp nhập và coi đây thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo Israel sẽ không bao giờ thỏa hiệp được với thế giới Arab nếu không đạt thỏa thuận về hai nhà nước với người Palestine.
Sự thay đổi quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ đã làm hài lòng Thủ tướng Netanyahu và liên minh cánh hữu của ông, song khiến cộng đồng quốc tế ngạc nhiên và Palestine thất vọng.
Tuyên bố của ông Trump đã đi ngược lại quan điểm được chính quyền tiền nhiệm Mỹ cùng 70 quốc gia đồng thuận tại hội nghị Paris về Trung Đông hồi giữa tháng trước, theo đó mọi thỏa thuận về quy chế cuối cùng phải dựa trên sự trở lại các đường biên giới trước cuộc chiến tranh năm 1967.
Trong phản ứng của mình, Pháp - nước tổ chức hội nghị hòa bình nói trên, đã một lần nữa khẳng định: "Cam kết giải pháp hai nhà nước mạnh hơn bao giờ hết"./.