Phản ứng bằng tên lửa

Đức Anh |

Các vụ phóng thử tên lửa vốn đã trở thành phản ứng quen thuộc của Bình Nhưỡng trước mỗi vấn đề căng thẳng phát sinh trong khu vực.

Trong tuần qua, bán đảo Triều Tiên liên tục chứng kiến các cuộc bắn thử tên lửa tầm xa như một phản ứng cứng rắn quen thuộc của Bình Nhưỡng, nhằm đáp trả các diễn biến mới về quân sự và ngoại giao của 3 nước đồng minh Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mới nhất là vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào sáng 16/3, chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khởi hành đến Tokyo để họp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Hai nhà lãnh đạo Đông Á này dự kiến chương trình nghị sự chính trong cuộc gặp cũng tập trung vào vấn đề tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ngay lập tức, vụ phóng tên lửa khiến cả Hàn Quốc và Nhật Bản phải triệu tập cuộc họp khẩn của mỗi nước để bàn cách đối phó. Theo quân đội Hàn Quốc, quả tên lửa được Triều Tiên phóng lên từ khu vực Sunan, Bình Nhưỡng, nhiều khả năng thuộc loại đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Tên lửa ước tính bay xa khoảng 1.000 km theo quỹ đạo nghiêng và đạt độ cao tối đa hơn 6.000 m trong khoảng 70 phút, sau đó rơi xuống bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách đảo Oshima ở Hokkaido khoảng 200km.

Đây là vụ phóng tên lửa mới nhất trong loạt động thái tương tự của Bình Nhưỡng trong 5 ngày qua. Trong hai ngày 12/3 và 14/3, Triều Tiên cũng liên tiếp thực hiện các vụ phóng tên lửa như một tín hiệu cảnh báo trước thềm cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Mỹ - Hàn Quốc trong khu vực.

Tới bản tin ngày 15/3, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) chính thức tuyên bố các vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng là một phần của cuộc tập trận quân sự nhằm huấn luyện quân đội sẵn sàng làm nhiệm vụ “bất cứ lúc nào” và “tiêu diệt kẻ thù” nếu cần thiết.

Thậm chí, Bình Nhưỡng còn đưa ra tuyên bố cứng rắn hơn thông thường khi nhấn mạnh các vụ phóng tên lửa để quân đội nước này “sẵn sàng chiến đấu”.

Đây được coi là động thái leo thang căng thẳng trong khu vực, một hành động đáp trả của Triều Tiên đối với cuộc tập trận chung có tên Freedom Shield 23 (Lá chắn tự do 23) của Mỹ và Hàn Quốc kéo dài trong 11 ngày, bắt đầu từ 13/3.

Phản ứng mạnh mẽ bằng các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng cũng dễ hiểu vì đây là cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn có quy mô tương tự với cuộc huấn luyện chung thực địa lớn nhất trước đây có tên gọi Foal Eagle (Đại bàng non) giữa hai nước này hồi năm 2018.

Triều Tiên luôn giữ thái độ coi các cuộc tập trận quân sự thường xuyên giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực Đông Á là mối đe dọa an ninh lớn của nước này. Bình Nhưỡng cảnh báo động thái tập trận quân sự đã đạt đến “lằn ranh đỏ cực điểm” và đe dọa biến bán đảo Triều Tiên thành một “kho vũ khí chiến tranh khổng lồ và vùng chiến sự nguy hiểm”.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng các cuộc tập trận là cần thiết để ngăn chặn Triều Tiên, trong bối cảnh nước này phóng số lượng tên lửa kỷ lục vào năm 2022 và có khả năng đang sửa chữa bãi thử vũ khí hạt nhân.

Quân đội Hàn Quốc cũng lên án Triều Tiên, gọi các vụ phóng tên lửa liên tiếp là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực.

Các vụ phóng thử tên lửa vốn đã trở thành phản ứng quen thuộc của Bình Nhưỡng trước mỗi vấn đề căng thẳng phát sinh trong khu vực. Mức độ cứng rắn của phản ứng này được thể hiện qua tầm bắn của mỗi loại tên lửa được Triều Tiên sử dụng phóng thử.

Việc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang được đầu đạn hạt nhân được bắn lên hôm 16/3 chính là chỉ dấu cho thấy tình hình bán đảo Triều Tiên lại đang nóng lên như thế nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại