Phân tích pháp lý vụ bé gái bị mẹ đánh đập giữa chợ ở Vĩnh Long

Anh Vũ |

Không chỉ bị xử phạt hành chính, hành vi bạo lực trẻ em nếu gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Phân tích pháp lý vụ bạo lực trẻ em giữa chợ Vĩnh Long - Ảnh 1.

Người phụ nữ đạp bé gái mặc cho bé van xin.

Công an TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đang vào cuộc xác minh clip một bé gái bị mẹ ruột đánh đập giữa chợ TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Van xin nhưng vẫn đánh

Chiều 7-11, một clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại bé gái ngồi bệt giữa đường, bị mẹ ruột đánh, đạp vào đầu, người. Bé gái khóc lóc, van xin mẹ đừng đánh nữa rồi chạy vào ngồi cạnh thùng nước của tiệm bán cà phê ven đường, cầu xin mọi người xung quanh cứu giúp.

Sau đó, bé gái tiếp tục bị mẹ kéo ra ngoài và dùng dây đánh thêm 9 cái vào người, chân. Sự việc chỉ dừng lại khi bé vùng bỏ chạy đi nơi khác.

Đến tối, mạng xã hội lại xuất hiện clip cũng người phụ nữ trên tiếp tục cầm dao, kẹp cổ chồng đòi đâm giữa chợ ở TP Vĩnh Long do mâu thuẫn việc đánh con.

Thông tin ban đầu cho thấy lý do bé gái bị đánh là ham chơi, dẫn đến việc không bán được nhiều vé số. Thông tin cụ thể vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh.

Một số bạn đọc thắc mắc rằng liệu mẹ ruột đánh con như trên có được không, liệu có vi phạm?

Xét đến 3 hành vi vi phạm

Theo luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, xét về góc độ pháp lý thì hành vi của người mẹ trong đoạn clip đã xâm phạm về quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, quyền được vui chơi, giải trí, tự do do phát triển và quyền được giáo dục của trẻ em.

Đầu tiên, liên quan đến các hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ về sức khỏe tính mạng, hành vi của người mẹ đã vi phạm khoản 1, điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP.

Hành vi vi phạm theo điều khoản này bao gồm: Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; hoặc cô lập, xua đuổi, dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ.

Với vi phạm này sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Không chỉ bị xử phạt hành chính, trường hợp người có hành vi bạo lực đối với trẻ nhỏ gây ra các hậu quả nghiệm trọng còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội: Hành hạ người khác (điều 140, Bộ Luật Hình sự); cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134, Bộ Luật Hình sự).

Trường hợp nặng nhất, nếu các hành vi bạo lực có tính chất giết người như sử dụng các phương tiện, công cụ nguy hiểm hoặc đánh vào các vị trí trọng yếu như đầu cổ, gáy … thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với tội "Giết người" theo điều 123, Bộ Luật Hình sự. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này có thể là 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Hành vi của người mẹ trong clip đã vi phạm quy định về cấm bạo lực đối với trẻ em và tiềm ẩn các nguy cơ, dấu hiệu của các tội phạm hình sự được liệt kê.

Thứ hai, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu lạm dụng, bóc lột trẻ em thì theo khoản 3, điều 23, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, hành vi này có thể bị xử phạt đến 25 triệu đồng.

Ngoài ra, trong trường hợp xâm phạm quyền được giáo dục của trẻ em, cụ thể ở tình huống này là cản trở hoặc ép trẻ em nghỉ học thì bị xử phạt từ 500.000 đến 5 triệu đồng, theo quy định tại điều 26, Nghị định 130/2021/NĐ-CP.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại