Bánh mì là món ăn khoái khẩu của không ít người, ngoài yếu tố "ngon bổ rẻ", không ai có thể phủ nhận độ tiện lợi của món ăn đường phố trứ danh này của Việt Nam.
Thời gian gần đây vì lệnh giãn cách xã hội, nhiều tỉnh thành đã tạm ngưng các dịch vụ ăn uống kể cả ship về. Vậy nên có không ít người đành ngậm ngùi phải tạm chia tay hàng bánh mì quen thuộc, tự nấu nướng chế biến tại nhà.
Mới đây, dân mạng đã không khỏi hoang mang trước đoạn video ghi lại cảnh một cô gái hướng dẫn khử khuẩn bánh mì bằng cồn khô. Hiện tại clip đã lọt top thịnh hành của TikTok và vấp phải vô số ý kiến phẫn nộ từ phía cư dân mạng.
Clip: Cô gái lấy cồn khô xịt lên bánh mì để khử khuẩn
Cụ thể, đoạn clip kéo dài 15 giây ghi lại cảnh cô gái dùng cồn khô dạng xịt, loại hay được sử dụng để khử khuẩn tay gần đây. Sau đó xịt vào ổ bánh mì để khử khuẩn (?).
Cô gái trong clip lồng âm thanh để giải thích cho hành động của mình rằng: Biết bánh mì là món ăn rất nhiều người chạm tay vào, nên tôi chọn cách xịt cồn vào bánh mì trước khi ăn. Không biết có ổn không nhưng cũng có phần nào đó yên tâm. Tại vì quá thèm rồi không biết phải làm sao.
Hình ảnh cô gái xịt cồn khô khử khuẩn vào ổ bánh mì khiến người xem... ngớ người
Khi được cư dân mạng góp ý rằng đây là hành động tai hại, trẻ em khi xem hoàn toàn có thể bắt chước làm theo. Cô gái này ngay lập tức đáp trả bằng giọng điệu vô lý, hằn học, cho rằng mình đăng không nhằm mục đích kêu gọi gì, "tự làm tự chịu". Netizen chỉ ra rằng cô gái này đang cố tình đăng clip phản cảm, câu tương tác cho việc bán hàng online của mình.
Cô gái này không ngại đăng clip đáp trả với thái độ thách thức
Được biết, thành phần của nước rửa tay khô bao gồm: Ethanol (Cồn); Deionized Water (Nước tinh khiết); Sodium Lactate (Chất hút ẩm); Fragrance (Hương liệu tạo mùi/ Tinh dầu làm thơm); Benzalkonium Chloride (Chất diệt khuẩn)...
Đây đều là những hoá phẩm công nghiệp, chỉ có thể sử dụng ngoài da, tuyệt đối không xịt trực tiếp lên thực phẩm. Những loại thực phẩm tinh bột dễ thấm như bánh mì lại càng không vì bạn đang trực tiếp đưa Ethanol vào cơ thể.
Nguồn: Tổng hợp