Phần Lan đối mặt nguy cơ mất điện do Nga cắt nguồn cung

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik) |

Phần Lan có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện trong mùa đông tới, sau khi Nga cắt nguồn cung năng lượng do nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo yêu cầu của Moskva.

Ảnh minh họa: Flickr

Ảnh minh họa: Flickr

Theo đài Sputnik (Nga), trong bối cảnh lo ngại châu Âu sẽ phải đối mặt với mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử do thiếu nhiên liệu từ Nga, Phần Lan cảnh báo nước này có khả năng rơi vào tình trạng mất điện kéo dài khi bước vào thời điểm lạnh nhất trong năm.

Giới chức nhấn mạnh cắt điện sẽ là giải pháp cuối cùng và dự kiến chỉ áp dụng trong các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, nhà điều hành điện Fingrid cảnh báo rằng quốc gia Bắc Âu này có thể phải đối mặt với tình trạng cắt điện cục bộ kéo dài khoảng tối đa 2 tiếng mỗi lần. Đài truyền hình quốc gia Yle đưa tin lịch cắt điện sẽ được lên kế hoạch trước và thực hiện luân phiên, tùy thuộc vào nguồn cung và nhu cầu.

Các chuyên gia cho rằng số phận mùa Đông của Phần Lan đang phụ thuộc vào lò phản ứng hạt nhân Olkiluoto 3. Bộ trưởng Kinh tế Mika Lintilä dự đoán lò phản ứng này sẽ sản xuất điện hết công suất vào tháng 9.

Nhìn chung, Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Moskva cung cấp tới khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên và 27% lượng dầu nhập khẩu của khu vực này

Bất chấp mức độ phụ thuộc đáng kể này, EU vẫn nói không với nhiên liệu hóa thạch của Nga theo một phần của gói trừng phạt cứng rắn nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Tuy nhiên, trở ngại với nguồn năng lượng thay thế đã nảy sinh, khiến nhiều nước phải áp đặt các quy định và hạn chế để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Một số quốc gia trong châu lục đã đưa ra kế hoạch khẩn cấp khi nguồn cung bị gián đoạn.

Trong số đó, Đức đã tiến gần hơn đến việc phân bổ khí đốt sau khi nguồn cung từ Nga giảm mạnh. Tháng trước, quốc gia này đã kích hoạt giai đoạn báo động trong kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt, trong bối cảnh lo ngại nguồn cung năng lượng đang cạn kiệt.

Ngoài ra, nhiều thành viên EU khác – như Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch và Hà Lan – cũng đã bị Nga ngắt nguồn cung khí đốt do từ chối thanh toán theo cơ chế mới. Trong nỗ lực giảm tác động của động thái này, Phần Lan đã chuyển sang đường ống khí đốt Baltic Link và thuê trạm cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNF) nổi của Mỹ.

Trước đó, ông Ben van Beurden, Giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí Shell, cảnh báo rằng châu Âu có thể phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt và cần tiết kiệm năng lượng tiêu thụ giữa thời điểm giá năng lượng leo thang. Ông nói: “Đó sẽ là một mùa đông thực sự khó khăn ở châu Âu. Một số quốc gia sẽ có tình trạng tốt hơn những quốc gia khác, nhưng tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt với sự leo thang rất đáng kể về giá năng lượng”.

Ông Alex Munton, chuyên gia tư vấn về thị trường khí đốt toàn cầu tại Tập đoàn năng lượng Rapidan nhận định: “Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng khắc nghiệt nhất từng xảy ra ở châu Âu. Châu lục này đang đối mặt với viễn cảnh thực tế là không có đủ khí đốt khi cần nhất, vào thời điểm lạnh nhất trong năm”.

Ông Munton cho biết giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng vọt lên gần 50 USD/MMBTu, gấp khoảng 10 lần mức tăng giá ở Mỹ. Chuyên gia này nói đây là mức giá cao bất thường và hiện không có giải pháp ngay lập tức.

Hiện tại, lượng dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ còn khoảng 62%. Giới chức lo ngại rằng khả năng đạt được mục tiêu ít nhất 80% trong mùa đông sẽ rất khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại