Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 29/1 bất ngờ để ngỏ khả năng chấp thuận cho Phần Lan, nhưng không bao gồm Thụy Điển, gia nhập Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trước đó chỉ 2 ngày, nước này đã đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập NATO với 2 quốc gia Bắc Âu. Quyết định có nguy cơ phá hỏng nỗ lực mở rộng của NATO tại Hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch vào tháng 7 tới ở Litva.
Phần Lan có thể gia nhập NATO mà không có Thụy Điển. Ảnh: Reuters
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tách biệt hồ sơ xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Ông đồng thời lặp lại yêu cầu Thụy Điển giao nộp các nghi phạm Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm.
“Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi có thể gửi thông điệp khác tới Phần Lan và Thụy Điển sẽ bị sốc khi chứng kiến thông điệp của chúng tôi. Tuy nhiên điều này chỉ xảy ra khi Phần Lan không phạm sai lầm tương tự”, ông Erdogan nhấn mạnh.
Thụy Điển có cộng đồng người Kurd lớn hơn Phần Lan và có tranh chấp nghiêm trọng hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Thụy Điển đã thông qua một sửa đổi hiến pháp cho phép nước này ban hành luật chống khủng bố cứng rắn hơn theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả 2 quốc gia Bắc Âu đều đã dỡ bỏ lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ vốn được áp đặt sau chiến dịch quân sự tại Xyri năm 2019. Tuy nhiên căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã leo thang nghiêm trọng tuần qua khi các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra tại Stockholm, trong đó những người biểu tình quá khích đã đốt cháy một bản sao kinh Koran. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có phản ứng mạnh mẽ, đồng thời quyết định hủy một chuyến thăm dự kiến trong tháng này của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển.
Sự đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã khiến các quan chức Phần Lan lần đầu tiên đề cập vào tuần trước khả năng buộc phải tìm kiếm tư cách thành viên NATO mà không có Thụy Điển, dù nhấn mạnh rằng việc gia nhập chung vẫn là “lựa chọn đầu tiên”.
Trong khi đó Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển ngay khi có cơ hội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Những nước này đã sẵn sàng tham gia liên minh. Mối quan hệ đối tác an ninh lâu dài mà chúng tôi có với Phần Lan và Thụy Điển đã có từ nhiều thập kỷ trước. Chúng tôi tập trận cùng nhau, hợp tác và chia sẻ thông tin cùng nhau”.
Cùng với Thụy Điển, Phần Lan đã đệ đơn gia nhập NATO từ năm 2022. Triển vọng gia nhập của hai nước sẽ cho phép NATO kiểm soát hiệu quả biển Baltic, cũng như củng cố khả năng phòng thủ của sườn phía Đông.
Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là 2 nước duy nhất trong số 30 thành viên của liên minh quân sự này chưa đồng ý với nguyện vọng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, quốc hội Hungary dự kiến bỏ phiếu thông qua yêu cầu của hai quốc gia Bắc Âu vào tháng 2 tới. Và sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nỗ lực mở rộng của NATO trở nên khó khăn hơn. Bởi theo Hiến chương NATO, việc kết nạp thành viên mới cần được quốc hội của 30 nước thành viên thông qua./.