Từ sau Tết cổ truyền Tân Sửu 2021 đến nay, nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón đều than phiền vì phân bón tăng giá đột biến; trong khi đó thị trường phân bón trầm lắng. Cá biệt như phân DAP tăng 30% so với trước đó, tương đương với khoảng 2.000 đồng/kg, các loại phân khác giá cũng tăng từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg.
Ông Đào Văn Minh, nông dân trồng cây bưởi da xanh ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, trong một thời gian dài trái bưởi da xanh rớt giá còn dưới 20.000 đồng/kg. Đã vậy, giá phân bón lại tăng ở mức quá cao nên nhà vườn hết sức lo lắng.
Còn ông Hồ Đức Kiều, sáng lập viên HTX Nông nghiệp Khánh Lộc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết, trước đây mỗi vụ màu chỉ tính riêng phân bón chi phí từ 16-18 triệu đồng/ha, nhưng nay giá phân bón tăng vọt, chi phí đội lên từ 21-22 triệu đồng/ha. Trong khi đó, do ảnh dịch bệnh nông sản không có đầu ra, giá rớt thê thảm. Hiện dưa leo và cà chua giá chỉ còn 1.000-2.000đồng/kg, người trồng bị lỗ nặng. Trước đây giá phân ở mức hơn 320.000 - 350.000 đồng/bao dù giá màu xuống thấp cũng còn lấy công làm lời, nhưng tình hình hiện nay chỉ có lỗ.
“Chi phí phân bón của cây màu rất nhiều, ví dụ lúa 1 công khoảng 50kg, nhưng cây màu từ 200 đến hơn 200kg. Bây giờ phân bón tăng như vậy nông dân bị ảnh hưởng rất lớn. Giá cả cây màu lại rất bấp bênh vì đầu ra không có, sẽ bị lỗ” - ông Kiều chia sẻ.
Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, nên hàng năm lượng phân bón được nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long sử dụng trong sản xuất nông nghiệp rất lớn và tất cả đều phải nhập từ nơi khác. Do vậy vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng đã được các cơ sở, đại lý, doanh nghiệp nhập hàng, lưu kho từ đầu vụ nên dù giá phân đang tăng cao, nhưng trên địa bàn Trà Vinh vẫn chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Ông Phạm Hoàng Việt - Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh cho biết, nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân, Cục quản lý thị trường đang phối hợp với các đơn vị, sở ngành liên quan tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón và mở đường dây nóng 24/24 để nhận thông tin từ người dân trên địa bàn.
Theo ông Việt: “Chúng tôi chỉ can thiệp về chất lượng, còn giá cả thì căn cứ vào giá niêm yết. Chúng tôi chỉ cử lực lượng lấy mẫu hàng loạt để biết sản phẩm nào chất lượng, sản phẩm nào không chất lượng, rồi thông tin cho người dân biết. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trà trộn, kém chất lượng được tung ra thị trường. Hiện phân bón ở Trà Vinh nguồn cung thì không thiếu, thị trường phân bón ở trên địa bàn vẫn ổn định”.
Qua tìm hiểu của PV, giá phân bón tăng đột biến là do dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu; chi phí vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam tăng mạnh, logistics, vật tư đầu vào, nhiên liệu tăng cao nên kéo theo giá phân tăng vọt. Ngoài ra trong thời điểm này do chi phí tăng nên các nhà nhập khẩu hạn chế nhập hàng nên cung không đủ cầu.
Ông Lê Anh Giáp, Tổng Giám đốc công ty TNHH Phân bón Korea Việt Nam tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, công ty hiện sản xuất 28 mặt hàng phân bón đều lên giá từ 20-30% so với trước Tết. Phân tăng giá nhưng đầu ra nông sản nhất là các mặt hàng trái cây xuất khẩu của nông dân gặp khó nên thị trường tiêu thụ phân bón rất chậm. Công ty Phân bón Korea Việt Nam bán phân bón giảm 50% sản lượng so cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lê Anh Giáp chia sẻ: "Phân tăng giá là do phí vận chuyển, công đóng hàng trong logistics tăng, thứ hai là khí gas, dầu, nguyên liệu đầu vào tăng thêm nữa. Sức mua thì giảm do nông sản, trái cây năm nay không có giá, do bị Covid-19 rớt giá, khó khăn dồn xuống người nông dân và doanh nghiệp”.
Còn ông Lê Văn Lập, chủ đại lý phân bón tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, sau Tết các loại phân bón đều tăng giá; trong khi các mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn nên sức mua phân bón của nông dân chậm hơn trước đây, thậm chí đại lý phải bán “chịu” trong nhiều tháng. Đặc biệt, nguồn phân như DAP, URE từ phía công ty cung ứng về đại lý chậm. Phân tăng giá mạnh thiệt thòi cho người nông dân vả cả đại lý bán phân.
"Nói chung phân nào cũng lên giá hết, khoảng 50.000 - 70.000 đồng/bao. Phân tăng cao khiến nông dân mua chậm lại, đâu cần thiết phải mua dự trữ. Sức mua bán giảm, do mặt hàng nhập khẩu không được. Phía các công ty khi tôi hết phân DAP, điện thoại cả tuần cũng chưa thấy giao” - ông Lập bày tỏ.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh phân bón, gia tăng đợt này có biểu hiện “ảo”. Giá phân tăng cao, nhất là phân DAP, có rất nhiều nguyên nhân. Về khách quan thì dịch bệnh Covid - 19 khiến thị trường vận tải thế giới tăng giá, rồi giá khí đốt tăng cao cũng ảnh hưởng nguồn nguyên liệu sản xuất phân đạm...
Còn trong nước, theo ý kiến nhiều người trong cuộc thì một trong số nguyên nhân phải kể đến là do từ tháng 3/2018, Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với sản phẩm phân bón DAP và MAP với mức thuế hơn 1 triệu đồng/tấn. Tháng 3/2020, Bộ Công thương tiếp tục gia hạn áp dụng biện pháp này. Đáng chú ý là nguồn cung phân DAP trong nước lại không đáp ứng nhu cầu.
Vụ Xuân Hè đang tới, mặc dù chính sách tự vệ cũng đã góp phần bảo về sản xuất trong nước, song với tình hình như hiện nay, để thực sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, nhiều ý kiến cho rằng cần tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với phân DAP và MAP nhập khẩu để các doanh nghiệp mua hàng, tăng nguồn cung trong nước.
Cũng từ thực tế này, ảnh hưởng của “cơn bão” giá phân bón cũng cho thấy sự cần thiết phải áp dụng các tiến bộ trong sản xuất theo hướng giảm bón phân hóa học, tăng cường phân hữu cơ; sử dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, việc tăng cường quản lý chất lượng phân bón, xử lý triệt để tình trạng bán phân giả, phân kém chất lượng cũng là vấn đề cấp bách. Cùng với đó là có chính sách, giải pháp tiêu thụ nông sản bài bản, lâu dài./.