Đức Huy có thể khiến bạn ngã ngửa người chỉ với một dòng bình luận trên Facebook như cái cách anh tung cú sút bằng chân không thuận vào lưới Malaysia ở chung kết lượt đi AFF Cup 2018. Nhưng cũng có thể khiến bạn trầm ngâm ngợi khen như cái cách anh đeo bám đối thủ bền bỉ đến khó chịu.
Một cầu thủ không có điểm gì quá đặc biệt nhưng nếu cất anh đi có khi biến thành sự lãng phí. Một chàng trai 23 tuổi không phải hạt nhân của đội bóng nhưng thừa đủ khả năng để trở thành một vệ tinh xuất sắc, đủ sâu sắc để hiểu được giá trị của tập thể, sự công bằng của người thuyền trưởng và sẵn sàng tận hiến bất cứ khi nào được vào sân.
Phạm Đức Huy là một người như thế. Chức vô địch AFF Cup là kết tinh sự cố gắng của tập thể mang tên Việt Nam. Đức Huy ở đó và mang theo một ý nghĩa nhất định. Cuộc trò chuyện dưới đây chính là nhờ Đức Huy nói lên một giá trị được duy trì và đẩy lên mức chuẩn mực đằng sau thành công của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo. Đó là sự công bằng.
Không sở hữu những kỹ năng quá nổi bật nhưng Đức Huy là mẫu cầu thủ mà đội bóng nào cũng cần có trong đội hình. Ảnh: Tiến Tuấn.
Sự công bằng - phép thu phục lòng người của HLV Park Hang-seo
- Phóng viên: AFF Cup 2018 là chức vô địch đầu tiên của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam. Tập thể mà ông tạo dựng nên có niềm tin sắt đá vào chiến thắng và gần như không có bất cứ tì vết nào về sự mất đoàn kết. Từ U23 châu Á đến ASIAD và giờ là AFF Cup, Đức Huy đã dự cả 3 giải cùng HLV Park và nghĩ sao về điều này?
Phạm Đức Huy: HLV Park Hang Seo đối xử với tất cả các cầu thủ rất hòa đồng và công bằng. Ông làm cho mọi người có cảm giác rất an tâm khi được đối xử công bằng, đặc biệt hơn, ngay bản thân các cầu thủ lên tập trung với nhau, tất cả mọi người đều hướng về một cái chung.
Mọi người rất khó đoán với đội hình ra sân ở AFF Cup năm nay. 8 trận 8 đội hình. Ở những buổi tập, đối với những cầu thủ chưa được ra sân thi đấu một phút nào đến những cầu thủ đã được thi đấu nhiều thì sự tập luyện và ý thức đều như nhau. Đó là điều khiến các cầu thủ an tâm hơn, đó là một chi tiết về sự công bằng của thầy Park.
- Và có phải chính sự công bằng đó mới có thể giúp một HLV để cả đội trưởng và đội phó trên băng ghế dự bị trong thời gian dài khi phong độ không tốt?
Tôi nghĩ đấy mới là sự công bằng vì không nhất thiết cứ là đội trưởng đang có phong độ đi xuống thì vẫn được dùng. Đó là sự công bằng. Ai cũng muốn phong độ tốt, không ai muốn phong độ trồi sụt để bị chỉ trích cả.
Giống như Hà Đức Chinh, anh Quyết, Xuân Trường cũng rất cố gắng. Với bóng đá, phong độ có thể khi lên khi xuống. Anh Quyết, Xuân Trường đã rất cố gắng nhưng có những thứ chưa đạt được hay do lý do sức khỏe nữa.
Văn Quyết, Xuân Trường dự bị là cách HLV Park Hang-seo thể hiện được quyền kiểm soát phòng thay đồ đội tuyển Việt Nam. Và cũng để khẳng định, đội bóng này không có ai là ngôi sao, và không ai là không thể thay thế. Ảnh: Tiến Tuấn.
Một lý do nữa là tùy từng trận đấu, tùy từng chiến thuật khác nhau mà HLV dùng người. Mãi sau này anh Huy Hùng, kể cả bản thân tôi mãi cũng mới được dùng. Vì vậy, tùy từng đối thủ mà HLV sử dụng người sao cho hợp lý. Tùy trận đấu, tùy đối thủ mà sử dụng, không chút thiên vị, không bị ảnh hưởng vì vị trí đội trưởng, đội phó.
Thế nhưng, phải hiểu rằng, đội bầu anh Quyết và rất tôn trọng anh Quyết. Anh Quyết là người sống rất vì đồng đội, đàn anh xứng đáng.
- Công bằng tức đòi hỏi sự cân bằng và chịu áp lực liên tục. Vậy đã bao giờ HLV Park Hang-seo mất bình tĩnh và trút giận dữ lên ai trong đội chưa?
Có những tình huống thầy Park có thái độ quyết liệt chứ không phải tức giận. Thái độ đó truyền cảm hứng cho bọn em, đốc thúc thi đấu tốt hơn. Trong những trận đấu qua, thầy chưa tức giận bao giờ. Chưa một lần thấy tức giận trong phòng thay đổ. Sự quyết liệt của thầy không hướng tới một cá nhân nào hết, bởi bóng đá là tập thể nên những lời động viên khích lệ quyết liệt của thầy đều gửi gắm qua tập thể.
Đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo luôn coi trọng từng cá nhân, mỗi người có một nhiệm vụ riêng và quan trọng hơn ai cũng có thể ra sân. Ảnh: Tiến Tuấn.
Một nhà vô địch không nhất thiết sở hữu 23 cầu thủ giỏi nhất
- Phóng viên: Việt Nam là nhà vô địch AFF Cup 2018, nhà vô địch bất bại tại giải. Đó là thành quả của sức mạnh tập thể nhưng làm thế nào để những cầu thủ có tài năng, có cái tôi lại có thể gắn kết đến như vậy trên sân?
Phạm Đức Huy: Ở trong một tập thể có rất nhiều cá nhân, mỗi cá nhân có một tính cách khác nhau. Một đội bóng cần như vậy. Cần những người có tính cách khác biệt, có người nhu mỳ, có người sôi nổi, có người trầm tính để trung hòa lẫn nhau và để trung hòa được thì phải nhờ vào tài của HLV.
Trong tập thể có 23 cầu thủ nhưng không cần là người giỏi nhất, tôi nghĩ họ cần là những người hợp với triết lý của HLV và hợp với tập thể, trung hòa được với nhau. Họ không cần phải là những người có năng lực giỏi tuyệt đối.
- Tức là mỗi người có một màu sắc riêng, vai trò riêng trong một tập thể và điều này được làm mẫu ngay từ các thầy trong BHL?
Ngoài thầy Park, tôi có thể xin lời khuyên từ trợ lý HLV Lee Young-jin. Thầy rất giỏi. Thầy Lee nặng về mặt chiến thuật, sống 100% thời gian với bóng đá. Thầy là người đứng lớp, lên ý tưởng cho đội tập. Thầy Lư Đình Tuấn cũng là một HLV nội rất giỏi, cánh tay đắc lực của thầy Park, thầy chỉ đạo sát hơn bằng tiếng Việt. Còn thầy Park là người đưa quyết định mọi thứ.
Một tập thể muốn thành công vì thế phải dựa vào toàn thể đội bóng.
- Thế nhưng, một tập thể có cần một cá nhân nổi trội hẳn lên không. Như Quang Hải, cậu ấy vừa giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2018?
Tất nhiên, trong mỗi đội bóng, luôn có vài nhân tố chủ chốt, nếu cứ bằng bằng như nhau thì không được. Chúng ta công bằng trong tất cả mọi chuyện nhưng khi vào đến sân thì phải có những cầu thủ lùi lại và có những cầu thủ tiến lên. Công bằng trong cuộc sống thôi, có người chấp nhận hy sinh, có người là đầu tàu để kéo cả đội lên. Có người kéo về chuyên môn, có người kéo về tinh thần.
Với Quang Hải, cậu ấy như một hạt nhân trong đội tuyển. Rất nhiều bàn thắng có dấu ấn đậm nét của Hải. Cậu ấy có công rất lớn vào chiến thắng lần này. Hải chơi bóng rất kỹ thuật và đương nhiên được các cầu thủ đội bạn chăm sóc rất kỹ, thậm chí là phạm lỗi ác ý. Tôi nghĩ Hải rất thông minh khi bị phạm lỗi nhưng biết né đòn và không bị chấn thương nặng.
Nếu một người tiến lên, ắt phải có một người lùi lại. Đội tuyển Việt Nam là tập hợp của những cá nhân hướng tới cùng mục tiêu chung và chấp nhận hy sinh, đi theo sự chỉ đạo của HLV trưởng để đạt được kết quả tốt nhất. Ảnh: Tiến Tuấn.
Sự sợ hãi không có trong từ điển của học trò HLV Park Hang-seo
- Phóng viên: AFF Cup năm nay đội tuyển Việt Nam bất bại nhưng có khi nào Đức Huy cảm thấy có chút sợ sệt và lo lắng trước các đối thủ hay chưa?
Phạm Đức Huy: Thi đấu ở SVĐ Bukit Jalil (Malaysia) là một trong những trận căng thẳng nhất kể từ khi tôi đi đá bóng. Hơn 80.000 CĐV của đội bạn, có những người cởi trần, đeo mặt nạ, đeo kính đen. Họ nhảy và đánh trống từ đầu đến cuối, thậm chí là trước trận.
SVĐ thì rất kín, xây cao, gió không vào được khiến cơ thể mình ì ạch vì không gian rất bí, không khí thì hơn 80.000 người thở ra hít vào. Hơn nữa mặt sân rất khó đá vì sân họ dùng cỏ lá gừng. Trước trận trời mưa nữa nên mình đá trong một thể trạng không hẳn là tốt nhất từ tinh thần đến sức khỏe. Cả đội đã phải rất cố gắng nhưng đã vượt qua và bất ngờ có hai bàn dẫn trước từ sớm.
- Trước khi đá Malaysia hay Philippines, nhiều người nghĩ đến cái dớp của bóng đá Việt Nam ở các kỳ AFF Cup hay SEA Games trước, Huy có biết điều này?
Tôi không nghĩ đến dớp đen đủi hay sợ bất kỳ đối thủ nào. Chỉ nghĩ cứ ra sân là chiến đấu thôi, sau đấy kết quả như thế nào hết giờ sẽ biết.
Chúng tôi cũng không ái ngại với những cầu thủ hay HLV nổi tiếng, như HLV Sven Goran Eriksson của Philippines. Khi đã vào trận, vào đến bán kết thì không cần biết họ là ai. Mình tôn trọng chứ không sợ họ.
Thế nhưng, tôi cũng là người duy tâm. Ví dụ, trước mỗi trận đấu đầu giải, tôi đi một đôi tất thì các trận về sau vẫn sẽ đi đôi tất ấy để thi đấu. Cả giày cũng vậy.
Dù ở tình thế ngặt nghèo nhất, đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang-seo vẫn có thể kiên cường đứng vững. Từ U23 châu Á, ASIAD đến AFF Cup, từ đội U23, đội Olympic đến ĐTQG đều cho thấy sự tự tin và chất lạnh lùng trong thi đấu. Ảnh: Tiến Tuấn.
- Vậy là cứ sau mỗi giải đấu, HLV Park Hang-seo lại giúp các cậu trở thành những chàng trai không biết sợ hãi?
Thầy không nói đội thiếu gì. Thầy luôn dạy phải tự tin, không biết sợ hãi, tinh thần đoàn kết của Việt Nam cao nhất thế giới nên trong mọi trận đấu cả đội không biết sợ hãi là gì. Khi vào trận với tâm thế không biết sợ hãi thì còn sợ đối thủ nào nữa, giống như trận với Malaysia ở SVĐ Bukit Jalil. Không sợ hãi. Tất cả các trận ở AFF Cup này đều phải giữ tinh thần như vậy.
Từ U23 Châu Á, ASIAD, không phải cấp độ đội tuyển quốc gia nhưng là giải châu lục tầm cỡ. Tôi được thi đấu nhiều giải quốc tế lớn nhỏ nhiều nên tâm lý khá vững vàng khi gặp các đối thủ.
Tôi đi theo HLV Park Hang-seo từ giải đầu tiên. Có những thời điểm may mắn nhưng riêng về tinh thần thì không lúc nào các anh em trong đội thua kém bất kỳ ai, thậm chí có phần hơn.
- Cảm ơn Đức Huy với những trao đổi!
Người đời nghĩ chín mười, cầu thủ chỉ nghĩ một hai
Phạm Đức Huy chia sẻ, anh và các đồng đội hoàn toàn thoải mái trong thời gian tham dự AFF Cup 2018, không có nhiều áp lực và suy đoán như mọi người vẫn nghĩ.
"Chúng tôi suy nghĩ rất đơn giản, bình thường. Mọi người nghĩ sâu xa này kia nhưng cả đội thấy mọi thứ rất bình thường. Đôi trận hơi buồn nhưng mọi người vẫn thoải mái động viên nhau để đi lên", Đức Huy nói.
Anh cũng cho biết, mỗi cầu thủ có cách để giải tỏa tinh thần khác nhau miễn sao có được tâm lý thi đấu tốt nhất khi ra sân. Đức Huy nói: "Tôi nghĩ mỗi người có một cách thả lòng trước trận đấu. Tôi thì vẫn chơi game. Buổi sáng trước trận, tôi có thể chơi game cả buổi với Đỗ Hùng Dũng.
Tôi thấy bình thường. Mỗi người một cách giải tỏa khác nhau, có người nói chuyện với người yêu, người gọi điện về nhà, người đọc truyện, đọc sách, người chơi game trên play station, trên điện thoại hay nghe nhạc. Mỗi người một cách nhưng làm sao cho mình thoải mái nhất, thoải mái mới chơi được bóng".