Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được khởi công từ cuối năm 2004 và khai thác từ tháng 2/2010, là đường cao tốc đầu tiên dành cho ô tô tại Việt Nam. Tuyến cao tốc này giúp thời gian từ TP.HCM đến Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì 90 phút như trước. Cao tốc này có chiều dài toàn tuyến là 61,9 km được thiết kế với vận tốc 120 km/h, gồm 6 làn xe, tổng chi phí ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đầu tư với số vốn là 38,5 triệu USD. Giao thông thông minh là hệ thống sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại như cảm biến, điện tử, tin học, và viễn thông để quản lý, điều hành giao thông vận tải. Bằng cách tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) vào cơ sở hạ tầng và phương tiện, nhiều quốc gia đã cải thiện hiệu quả vận hành và an toàn giao thông, giúp giảm tai nạn và hạn chế tác động môi trường.
Đến năm 2015, hệ thống ITS trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương do nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt, được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, đến năm 2018, nhiều thiết bị thuộc hệ thống đã bị hư hỏng, tê liệt do các sản phẩm điện tử sử dụng lâu ngày trong điều kiện mưa nắng và nguồn điện không ổn định. Lúc đó, hệ thống đã hết thời hạn bảo hành nên việc mời các chuyên gia Hàn Quốc qua sửa chữa rất tốn kém và mất nhiều thời gian và đặc biệt phải sử dụng đúng thiết bị của chính hãng để thay thế rất khó khăn.
Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ không lệ thuộc công nghệ nước ngoài, sẽ sử dụng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện khôi phục hệ thống giao thông thông minh trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đặc biệt, trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) được ví như "bộ não" giám sát giao thông trên tuyến cao tốc này.
ITS có chức năng thu thập, xử lý và thông báo cho đơn vị khai thác, bảo trì, giám sát cao tốc tham gia hỗ trợ giải quyết. Từ đó, trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh đưa những thông tin cảnh báo lên hệ thống bảng điện tử đặt dọc tuyến để tài xế biết.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống camera, ITS có chức năng giám sát trật tự an toàn giao thông trên toàn tuyến, ghi hình những trường hợp vi phạm giao thông trên tuyến cao tốc làm cơ sở phạt nguội.
Vào năm 2020, hệ thống ITS trên tuyến cao tốc này được đẩy nhanh tiến độ khôi phục, sửa chữa. Việc sử chữa được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có tổng kinh phí sửa chữa khoảng 2,7 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 11 tỷ đồng. Cả 2 giai đoạn đều sử dụng công nghệ nội địa.
Giai đoạn 1, đưa vào hoạt động 6 bảng hiển thị VMS và LCS trên tuyến đường chính cao tốc dài 40km và 45 màn hình đặt tại Trung tâm quản lý điều hành tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Từ đó, tài xế sẽ nhận được thông tin về tình hình giao thông trên tuyến thông qua các bảng thông tin điện tử VMS và LCS. Cùng với đó, thông qua hệ thống camera quan sát, trung tâm quản lý điều hành giao thông sẽ cung cấp đầy đủ thông tin tình hình giao thông và hướng dẫn cho lái xe chạy trên tuyến cao tốc.
Ở giai đoạn 2, phục hồi hệ thống ITS trên tuyến cao tốc này như sửa chữa 8 bảng hiển thị VMS và LCS, toàn bộ camera, thiết bị đo đếm xe còn lại trên đường dẫn vào đường cao tốc. Đồng thời, sửa chữa các phần lỗi còn lại của hệ thống nhằm đảm bảo tính năng đa dạng phần cứng và phần mềm trong quá trình phục hồi hệ thống ITS.
Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành ứng dụng hệ thống ITS cho các tuyến cao tốc. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành đồng bộ hệ thống giám sát, điều hành giao thông thông minh (ITS) trước khi đưa cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 vào khai thác.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, hệ thống giao thông thông minh ITS đã trở nên phổ biến trên thế giới nhưng rất phức tạp đòi hỏi công nghệ tối tân, đồng bộ. Nếu rời rạc thì thông tin chỉ hình thành trong nội tuyến, một thông tin ở tuyến này không thể báo sang tuyến khác và người đi đường của tuyến khác.
Tóm lại, ITS sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông để liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện lưu thông trên đường thành một mạng lưới thông tin viễn thông. Từ đó, ITS phục vụ cho việc quản lý, vận hành, khai thác và lưu thông được tối ưu nhất trên các tuyến đường.