Phái đoàn hùng hậu Mỹ đến Trung Quốc đàm phán thương mại

Đăng Khoa |

Dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến đàm phán thương mại với Trung Quốc là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, ngoài ra có Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, đại diện thương mại Robert Lighthizer…

Ngày 3-5, cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ diễn ra tại Trung Quốc, không lâu sau khi phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh. Cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong 2 ngày (3 và 4-5). Dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Phái đoàn đàm phán Mỹ đến Trung Quốc lần này rất hùng hậu. Ngoài người dẫn đầu là Bộ trưởng Tài chính Mnuchin còn có Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện thương mại Robert Lighthizer, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, Cố vấn chính sách kinh tế Nhà Trắng Larry Gudlow, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad.

Phái đoàn hùng hậu Mỹ đến Trung Quốc đàm phán thương mại - Ảnh 1.

Phái đoàn thương mại Mỹ đến Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 3-5. Ảnh: REUTERS

Ngay khi phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter: “Đội ngũ tài chính tuyệt vời của chúng tôi đang ở Bắc Kinh thương lượng về thương mại! Tôi mong đợi được gặp Chủ tịch Tập trong tương lai gần. Chúng tôi sẽ luôn có quan hệ tốt!”.

Phái đoàn hùng hậu Mỹ đến Trung Quốc đàm phán thương mại - Ảnh 2.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (giữa, đeo kính) cùng tham dự phái đoàn Mỹ đàm phán với Trung Quốc ngày 3-3. Ảnh: REUTERS

Nội dung đàm phán lần này chủ yếu xoay quanh chủ đề tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa hai bên. Dự kiến tại cuộc đàm phán, phía Mỹ sẽ nêu phàn nàn về các chính sách thương mại của Trung Quốc, từ việc buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ đến việc Trung Quốc bảo hộ phát triển công nghệ. Trung Quốc hiện đang thặng dư thương mại với Mỹ 375 tỉ USD/năm. Ông Trump muốn giảm con số này mỗi năm 100 tỉ USD.

Phái đoàn hùng hậu Mỹ đến Trung Quốc đàm phán thương mại - Ảnh 3.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Cố vấn chính sách kinh tế Nhà Trắng Larry Gudlow có mặt trong phái đoàn Mỹ đàm phán với Trung Quốc ngày 3-3. Ảnh: REUTERS

Từ trước khi đàm phán diễn ra, truyền thông Trung Quốc nói nước này sẵn sàng ăn miếng trả miếng với Mỹ nếu cần thiết, nhưng tốt hơn vẫn nên thỏa hiệp qua đàm phán.

Trong khi đó Reuters lại khá bi quan về kết quả đàm phán với Mỹ. Theo Reuters, 2 ngày đàm phán không có khả năng đưa đến một thỏa thuận về cơ bản có thể thay đổi chính sách kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên phía Trung Quốc có thể đưa ra một số chính sách ngắn hạn làm lung lay quyết định của Mỹ áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại