Bộ phim siêu anh hùng mới nhất của Marvel - Doctors Strange (Phù Thủy Tối Thượng) - vừa được trình làng. Khoan xét đến nội dung hay dở, sự hợp nhất giữa Doctor Strange với các phim khác của Marvel hay so sánh với các phim cùng thể loại của DC, Fox.
Hẳn người xem đều dễ dàng nhận ra sự hao hao giữa cấu trúc câu chuyện, các nhân vật và những triết luận trong Doctor Strange với những phim kiếm hiệp của Kim Dung hay Cổ Long.
Những kẻ tầm sư học đạo
Hẳn là bạn đang nghĩ phim nào mà chẳng có "tầm sư học đạo", những phim dành cho giới trẻ thiên về chiến đấu, sức mạnh và lý tưởng thì càng phải có chi tiết này. Cũng bởi vì "sự học là trọn đời", muốn giỏi phải học là chuyện tất nhiên.
Nhưng, chi tiết Stephen Strange vượt ngàn dặm xa đến Nepal để chữa thương rồi phát hiện ra bao nhiêu kiến thức mình có trước nay đều chẳng là gì so với "bể học vô biên" mà Thượng Cổ Tôn Giả (The Ancient One) đã chỉ cho anh là một chi tiết khá "kiếm hiệp".
Từ vị trí một bác-sĩ-tìm-một-bác-sĩ-khác-chữa-thương, Strange trở thành "đệ tử" học phép. Từ chỗ một kẻ mưu cầu cho bản thân, Strange trở thành một người bảo vệ nhân gian. Nhưng không thể so sánh Strange với Thor hay Captain America vì vốn những nhân vật này đều có sẵn lý tưởng cao cả trong mình.
Strange giống Tony Stark/Iron Man hơn vì xuất phát điểm vì cá nhân. Dù Tony cũng "vô tình lượm được bí kíp" nhưng phần lớn đều là nhờ nỗ lực mà anh mày mò trong phòng sáng chế mới ra được thành quả.
Còn Strange sẽ không thể lĩnh hội được sự vô bờ bến của không gian, lí luận, siêu nhiên nếu không có sự hướng dẫn của người thầy không tuổi trọc đầu và những "kinh thư võ học" từ thư viện trông như Tàng Kinh Các với người canh giữ là Thầy Wong-Beyoncé.
Wong Sư phụ - người canh giữ Tàng Kinh Các.
Những chi tiết này phần nào gợi liên tưởng đến những anh hùng trong tiểu thuyết Kim Dung trên đường tiêu dao và học được võ công.
Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Trương Vô Kỵ vì muốn chữa hàn độc mà bôn ba khắp nơi tìm danh y rồi trong một lần xui xẻo rớt xuống vực ở Hồng Mai Sơn Trang lại tìm thấy bí kíp võ học Cửu Dương Chân Kinh, từ đó vừa khỏi bệnh vừa có dương khí hộ thể.
Strange không giống mười thì cũng dăm, bảy phần. Nói nôm na ngắn gọn thì việc phải bôn ba ngược xuôi để đạt được mục đích rồi chiêm nghiệm ra nhiều điều vĩ đại chính là chi tiết rất thường thấy trong các tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc. Và Strange, một anh hùng đến từ phương Tây, cũng đi con đường này.
Những kẻ phản đồ
Thêm một chi tiết quen thuộc trong những tác phẩm kiếm hiệp kì tình đồ sộ. Hẳn những tín đồ của Kim Dung vẫn còn nhớ những cái tên Lý Mạc Sầu, Thành Côn hay Đông Phương Bất Bại.
Dù xuất thân, động cơ hay hành động của những kẻ này khác nhau nhưng điểm chung chính là "phản bội" lại lý tưởng, môn phái, sư môn.
Tất nhiên, không chỉ có ba nhân vật này, trong tiểu thuyết của Kim Dung còn rất nhiều những kẻ phản đồ khác, giống như một đại diện cho sự phá vỡ những nguyên tắc và sự ích kỉ.
Đông Phương Bất Bại, Lý Mạc Sầu hay Thành Côn đến cuối đều trở thành những kẻ nguy hiểm bậc nhất trong giang hồ, đối đầu trực tiếp với những anh hùng phe chính diện. Và, chi tiết mang đậm tính kiếm hiệp này cũng xuất hiện trong Dr. Strange qua nhân vật Kaecilius.
Mad Mikkelsen trong vai kẻ phản sư môn - Kaecilius.
Kaecilius cũng là một học trò của Thượng Cổ Tôn Giả ở Karma-Taj, nhưng khi càng có được sức mạnh thì lòng tham càng lớn. Chính những nghiên cứu mày mò đã khiến Kaecilius phát hiện ra sự "đạo hạnh" trong thế giới pháp thuật không đơn giản một chiều.
Thế là Kaecilius quyết định ăn cắp pháp thuật cổ xưa trong thư viện như Đông Phương Bất Bại lén lút luyện tập Quỳ Hoa Bảo Điển vì ganh tị với giáo chủ Nhậm Ngã Hành đã có Hấp Tinh Đại Pháp. Từ đó, trở thành một kẻ phản đồ.
Tuy rằng Kaecilius không phải là "trùm cuối" trong phim mà chỉ là cầu nối để tên villian thật sự - Dormammu - xuất hiện, nhưng những "đặc tính phản diện" trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kaecilius đều hội đủ.
Tìm đến những cấm thuật, ganh tị với thầy, phá bỏ những luật lệ và đi ngược với những chí hướng của môn phái, Kaeicilus chính là nhân vật phản diện đúng chuẩn Kim Dung.
Tất nhiên, kết cục của những nhân vật phản diện này luôn dễ dàng đoán được và Kaecilius cũng không ngoại lệ.
Những triết lí nhân sinh
Không chỉ bởi bối cảnh phim đặt ở vùng đất mang đậm tín ngưỡng Á Đông mà yếu tố sức mạnh được khai thác từ nơi đây còn là pháp thuật, loại năng lực vận hành từ ý chí và ý niệm chứ không từ vật chất.
Sự "xuất hồn" hay xuất hiện trong văn hóa tín ngưỡng Á Đông đã gây xôn xao khi xuất hiện trong trailer Doctor Strange
Thực tế "pháp thuật" hay "võ thuật", "máy móc" đều cũng chỉ là những ẩn dụ cho dòng chảy vô hình của thời gian, không gian và quy luật tự nhiên.
Có chánh ắt có tà, có công ắt có thủ, không bao giờ có thứ gì trở thành tuyệt đối trên thế giới. Có sức mạnh chưa chắc chiến thắng mà phải qua lĩnh hội và chiêm nghiệm, quan niệm này được đúc kết trong hàng loạt những tác phẩm giải trí chứ không chỉ riêng Trung Hoa.
Nếu như trong các phim Marvel khác, vũ khí của Iron Man là lò hồ quang, Captain là chiếc khiên, Thor là chiếc búa Mjölnir - toàn bộ đều là những vật chất hữu hình - thì vũ khí sức mạnh của Strange lại là sự phá vỡ của các chiều không gian.
Khả năng này được lý giải dựa trên sự hòa mình vào tự nhiên rồi nắm bắt nó, cũng là những triết lý "thuận theo tự nhiên", "hư chiêu thắng hữu chiêu" mà nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp đề cập.
Sức mạnh của Strange trên phim phải được tạo ra từ kỉ xão chứ không phải đạo cụ.
Chúng ta hay bảo rằng phim châu Á "sến" hơn phim châu Âu cốt yếu cũng vì phim Á nhắc quá nhiều đến đạo lý và triết lý.
Tình bạn, tình thầy trò đến cả những lý tưởng cứu thế, sự hy sinh, phổ độ đều là những "chủ đề" hay được xào đi xào lại trong các phim kiếm hiệp. Vì thế mà Doctor Strange trở nên khác biệt khá nhiều so với những phim siêu anh hùng khác của nhà Marvel.
Tiêu biểu chính là đoạn Strange nghe Thượng Cổ Tôn Giả thuyết giảng về thế giới pháp thuật, về đa vũ trụ, những chiều không gian khác, sức mạnh tinh thần.
Tuy không "lùng bùng lỗ tai" như khi nghe Trương Vô Kỵ đọc khẩu quyết Thất Thương Quyền vì các biên kịch đã tối giản hóa hết mức có thể để lý giải về sự phức tạp của pháp giới nhưng hẳn những người quen với dòng phim siêu anh đánh đấm ì xèo đổ nát sẽ thấy hơi choáng.
Tilda Swinton với vẻ đẹp phi giới tính, rất hợp với nhân vật Thượng Cổ Tôn Giả.
Hay như đoạn khi Thượng Cổ Tôn Giả và Strange xuất hồn rồi đứng trò chuyện với nhau bên cửa sổ. Đây cũng là đoạn có nhiều câu thoại khó hiểu nhất phim mà chỉ nghe một lần chắc chắn sẽ khó lĩnh hội trọn vẹn nhiều tầng ý ẩn dụ.
Đơn cử như câu "Ta đã làm sống lại giây phút này cả ngàn lần chỉ để một lần nhìn thấy tuyết rơi", không chỉ đơn giản nói một hiểu một mà nó mang nhiều tầng nghĩa ẩn về thế giới và nhân sinh quan.
Chẳng khác nào những lúc các anh hùng hảo hán đàm đạo chuyện thế thái nhân tình trước những cuộc chiến sinh tử. Nếu chưa chiến thắng bản thân, sẽ không thể chiến thắng kẻ địch. Cuộc chiến trong Strange gần như là cuộc chiến bằng tinh thần.
Sự đảo lộn cấu trúc vật thể trong Doctor Strange thực chất là để minh họa cho sự thích ứng của tâm hồn trong dòng chảy vạn vật.
Chưa hết, ý chí và niềm tin của Baron Mordo cũng được nhắc nhiều trong kiếm hiệp, những nhân vật cố chấp và cứng nhắc với quan niệm.
Ví dụ như Diệt Tuyệt Sư Thái, dù tạo hình và dung nhan của Tilda Swinton khá giống Diệt Tuyệt Sư Thái (bản phim năm 2000) của Huệ Anh Hồng nhưng sự cứng nhắc của nhân vật Baron Mordo mới giống nhất.
Có thể thấy từ giữa phim, Mordo đã bắt đầu mất hy vọng với những gì mình hằng tin tưởng khi càng ngày càng có nhiều thứ "ngoại lệ".
Mordo giống Diệt Tuyệt Sư Thái ở chỗ không thích phá vỡ những định kiến mà từ lâu mình đã tin tưởng, và đến cuối phim (trong đoạn credit thứ 2) Mordo đã thể hiện rõ quan điểm của mình bằng hành động, khiến cho nhân vật vốn dĩ rất rõ ràng trở nên nhập nhằng giữa thiện-ác.
Baron Mordo (Chiwetel Ejiofor) với niềm tin không muốn bị phá vỡ.
Thật ra, Dr. Strange còn mang cả hơi hướng của Tây Du Kí, Doraemon
Bối cảnh và trang phục thì gợi nhớ kiếm hiệp Trung Hoa, còn phụ kiện và sức mạnh lại gợi nhớ nhiều thứ khác. Khả năng teleportation - di chuyển qua vùng không gian khác - của Strange khi vẽ ra cảnh cổng xuyên không giống như cửa thần kì của Doraemon phiên bản phi vật thể.
Chưa hết, chiếc áo choàng màu đỏ giúp Strange ngầu lên gấp bội lại có những khoảnh khắc nhốn nháo cực kì dễ thương như chiếc gậy như ý của Tôn Ngộ Không khi mà nó có thể tự vận hành theo ý thích, biết bảo vệ và giỡn hớt với chủ nhân.
Áo choàng đỏ, vật gắn liền với rất nhiều siêu anh hùng nhưng áo choàng đỏ của Strange không chỉ biết bay mà còn biết đùa.
Tất nhiên vẫn còn khá nhiều chi tiết nho nhỏ khác thường thấy trong phim chưởng. Nàng Palmer của Rachel McAdams chẳng hạn, nhân vật nữ chính này không hẳn là "bến đò" chỉ biết chờ "con thuyền phiêu bạt" mang tên Strange trở về bến mà cô vẫn có vai trò riêng.
Không thua kém những nữ hiệp Nhạc Linh San, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Long Nữ trong tiểu thuyết Kim Dung, Palmer nhiều lần trợ giúp Strange trong cuộc chiến chánh tà khi anh di chuyển qua lại giữa các thế giới để chữa thương.
Tuy vẫn chưa nổi bật nhưng có thể nói Palmer là một nhân vật nữ đáng nhớ trong phim Marvel.
Tóm lại, dù có "kiếm hiệp" hay không thì Doctor Strange vẫn là một phim đáng thưởng thức bởi đây là một mắt xích quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của vũ trụ Marvel, chưa kể phần kỉ xão của phim rất ấn tượng. Hoặc có thể gọi Doctor Strange là bộ phim kiếm hiệp kì tình của Marvel.