Dạo gần đây, cảm giác như quá nửa cộng đồng mạng ở Việt Nam và Trung Quốc đã say nắng một loài sinh vật đáng yêu. Đó chính là con hải tiêu dưới đây:
Ngạc nhiên chưa, tụi tui có thật đó (Ảnh: Twitter)
Nhưng thực ra, hải tiêu là sinh vật đã "cưa đổ" dân mạng Nhật Bản từ lâu. Mới đây, Twitter chuyên về động vật @naomeme ở Nhật lại đăng tải những hình ảnh về chúng, nhận về hơn 324k lượt thích và 88k lượt chia sẻ.
Dù vậy, hải tiêu chỉ đáng yêu khi chúng còn nhỏ mà thôi. Hải tiêu con có hình hài khá giống nòng nọc, với đầy đủ mắt, não và đuôi. Khi đến "tuổi teen", chúng sẽ gắn cơ thể của mình cổ định vào 1 mặt bám như là thân tàu, đá, san hô...
So sánh 1 con nòng nọc (trên) với 1 con hải tiêu con: đều có mắt, miệng, đuôi... Hải tiêu còn có mang để thở (Ảnh: wikipedia)
Đáng yêu đốn tim cộng đồng mạng!
Nguồn cảm hứng cho nhân vật trong phim Ponyo - Cô bé người cá (Ảnh: FB, NatGeo, Studio Ghibli)
Nếu bạn muốn giữ mãi những hình ảnh đẹp về hải tiêu thì dừng ngay đi, vì tụi này dậy thì thất bại lắm.
Sau khi đã bám dính vào một mặt cố định nào đó, loài vật này sẽ tiêu biến tất cả các bộ phận khác, chỉ còn lại một đốt thần kinh. Đặc biệt, túi não khi còn nhỏ của chúng sẽ được "tái chế" thành hạch não để hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn. Điều này dẫn đến các lời truyền miệng dân gian cho rằng hải tiêu đã tự "ăn não" của mình.
Dậy thì thất bại quá, không còn ai nhận ra em (Ảnh: Internet)
Hải tiêu có rất nhiều phân loài khác nhau, sinh sống khắp các vùng biển trên thế giới. Khi đã trưởng thành, chúng rất lười di chuyển, mỗi ngày đi được vài centimet đã là hay. Mắt, mũi, môi cũng tiêu biến đi, khiến chúng bị nhầm lẫn là thực vật. Ơ nhưng mà, hình như con người chúng ta - rất nhiều cá nhân khi lớn lên cũng lười vận động thì phải...
Hình ảnh so sánh châm biếm về con hải tiêu với con người (nguồn: peppernaturalhealth.com)
Dù vậy, hải tiêu vẫn là động vật tiến hóa bậc cao do có đốt sống. Tên tiếng Anh của nó Ascidian hay là Tunicate, hoặc một tên dễ nhớ hơn là Sea squirt, trong đó "sea" là biển còn "squirt" là tia nước. Vì mỗi lần hải tiêu nhổ mình ra khỏi mặt bám sẽ bắn ra một tia nước nhẹ.
Chúng là loài sinh sản hữu tính, mỗi cá thể vừa có trứng vừa có tinh trùng (lưỡng tính). Nhưng vì trứng và tinh trùng không chín đồng thời nên không thể tự thụ, đành phải "yêu" với một con hải tiêu khác.
Cuối cùng, mời bạn xem vài hình ảnh con hải tiêu bị làm thịt, trở thành món ăn ngon lành khoái khẩu nhé!
Lúc này, hải tiêu mới chính thức là không (chủ động) di chuyển gì nữa.