PGS.TS Trần Thành Nam: Một số phụ huynh sai lầm khi đưa sự việc của con lên mạng

Phương Anh |

Theo chuyên gia, cha mẹ cần có cách xử lý phù hợp vì trẻ gây ra bạo lực cũng ở tầm tuổi con mình. Chúng cũng cần được giáo dục và không đáng bị trừng phạt một cách cực đoan.

Xoa dịu tổn thương của trẻ

PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học, cho rằng sau khi vụ việc bạo lực liên quan đến con mình xảy ra, cha mẹ cần bình tĩnh, ngồi xuống nghe con nói theo góc nhìn và quan điểm của con. Sau đó, phụ huynh sẽ tìm hiểu sự việc theo quan điểm của các bên liên quan, xem chính xác sự việc diễn ra như thế nào.

"Điều quan trọng là chăm sóc đứa trẻ, xem có bị tổn thương hay không. Nếu bị tổn thương về cơ thể thì dễ phát hiện và chăm sóc con hơn. Còn về mặt tinh thần, cha mẹ cần để ý xem con có hay không cảm thấy hoảng sợ hay bất an.

Lúc bắt tay làm rõ vụ việc, cha mẹ nên tự đặt ra các câu hỏi: Con có nguy cơ tiếp tục bị bắt nạt trong tương lai? Nếu có thì làm thế nào để ngăn chặn? Làm thế nào để khi con quay trở lại trường học mà không vướng phải những lùm xùm khác gây ảnh hưởng đến tâm lý? Nếu thông tin về vụ việc bị lan rộng thì con có tiếp tục bị bắt nạt hay tẩy chay không?", chuyên gia tư vấn.

PGS.TS Trần Thành Nam: Một số phụ huynh sai lầm khi đưa sự việc của con lên mạng - Ảnh 1.

PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội).

Sau khi tư duy cẩn trọng và hệ thống, cha mẹ hãy trao đổi với nhà trường, tìm hiểu kỹ xem nhà trường có quy trình thế nào để giải quyết sự việc này. Nếu trường có quy trình cụ thể thì phụ huynh cũng cần tuân theo và tôn trọng. Trường hợp trường chưa có quy trình thì cha mẹ nên đề xuất một số ý kiến đúng đắn để bảo vệ quyền lợi cho con mình.

Quan trọng hơn cả là việc chuẩn bị cho tương lai. Phụ huynh hãy dạy con một số kỹ năng cần thiết để đương đầu với hành vi bắt nạt, bạo lực. Dạy con cách tự bảo vệ mình và ngăn chặn bạo lực leo thang. Hoặc có thể dạy con cách kêu cứu, gây sự chú ý của những người khác đến làm chứng và bảo vệ.

Bền vững hơn, cha mẹ nên dạy con các kỹ năng ứng xử, giúp tạo những mối quan hệ thân thiện, biến bạn thành bạn thân và biến kẻ thù thành bạn.

Đối với những em dùng bạo lực với bạn học, phụ huynh cũng cần ngồi lại và giải thích cho con biết những hệ quả gây ra và hình phạt có thể phải nhận. Sau đó, hãy lập một hợp đồng hành vi để con cam kết không được phép lặp lại. Ngoài ra, phụ huynh và nhà trường phải có cách thức để giám sát và giáo dục giúp trẻ học được cách kiểm soát hành vi, học cách để thể hiện sự bức xúc bằng ngôn từ.

Cha mẹ cần học cách kiểm soát cảm xúc và ứng xử phù hợp

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, trong vụ bạo lực học đường không chỉ riêng người ra tay đánh bạn có lỗi. Có thể nạn nhân trong tình huống mâu thuẫn cũng không biết cách ứng xử nên tỏ thông điệp, thái độ hung hăng, làm thủ phạm nổi giận hơn, dẫn đến hành động bạo lực. Do vậy, cha mẹ không nên đổ hoàn toàn lỗi cho đứa trẻ khác.

Khi con bị bạo lực, cha mẹ nên hướng đến mục tiêu giáo dục cho những đứa trẻ, đặc biệt là người phạm sai lầm. Bởi chúng cũng ở tầm tuổi con mình, cũng cần được giáo dục và không phải tội phạm để tìm mọi cách để trừng phạt.

"Mục tiêu đối với trẻ luôn luôn là giáo dục, để các con học được bài học từ kinh nghiệm sai lầm của mình và trưởng thành hơn trong tương lai", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Ngoài ra, cha mẹ cũng phải học cách tự kiểm soát cảm xúc của bản thân. Không nên "sồn sồn" tấn công bằng lời nói vào người khác hoặc có hành vi phản cảm do mất kiểm soát cảm xúc.

Một số phụ huynh sai lầm khi đưa sự việc của con lên mạng, kéo người khác vào cùng gây áp lực cho nhà trường và phía còn lại. Đó chỉ là "xử lý vấn đề" chứ chưa đặt đứa trẻ vào trung tâm của vụ việc này. Bởi, phụ huynh đang gián tiếp gây ảnh hưởng đến con mình, khiến thông tin cá nhân của con bị lộ. Hơn nữa, nếu có những bình luận tiêu cực về người mẹ cũng như vụ việc thì con cũng sẽ không vui. Khi vụ việc đi qua, con cũng khó có thể tiếp tục học tại môi trường đó.

Về phía đứa trẻ dùng bạo lực với bạn, chúng cũng có thể bị ảnh hưởng tâm lý do bị "tấn công" bởi dư luận. Chúng ta không nên dùng "bạo lực tinh thần" để chống lại "bạo lực nắm đấm" vì sự việc sẽ càng thêm phức tạp, khó hòa giải.

"Ở một số nước, khi con phạm lỗi liên quan đến hành vi đánh nhau, hút thuốc, hay vi phạm luật, người ta sẽ kỷ luật đứa trẻ bằng cách bắt bố mẹ chúng dành thời gian đi học khóa học làm cha mẹ tích cực. Mục đích của việc này là để cha mẹ làm gương cho các con.

Nếu cha mẹ dễ mất kiểm soát cảm xúc thì con của họ thường học theo mô hình từ chính cha mẹ và dễ vướng phải những rắc rối. Ví dụ, con quan sát và nghe cha mẹ sử dụng lời nói bực tức, thô lỗ để phản ứng lại những tình huống không được như mong muốn thì chúng sẽ học y như vậy"’, nam chuyên gia cho hay.

Sự mẫu mực của cha mẹ là phương pháp tốt nhất để dạy con ứng phó với bạo lực

Trao đổi về vấn đề trên, bà Lê Thị Túy, chuyên gia tâm lý Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc, có cùng quan điểm. Bà cho rằng cha mẹ nên có suy nghĩ và phán xét công bằng với những đứa trẻ.

"Khi nghe con kể bị bạn đánh, chắc chắn bố mẹ nào cũng xót. Tuy nhiên, phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu ngọn ngành, từ nguyên nhân đến diễn biến rồi kết quả, đừng vội đứng về phía nào", bà Túy khuyên.

PGS.TS Trần Thành Nam: Một số phụ huynh sai lầm khi đưa sự việc của con lên mạng - Ảnh 2.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.

Để tìm hiểu, phụ huynh của cả hai phía nên ngồi lại với nhà trường để cùng phân tích và giải quyết. Nếu làm lớn chuyện thì mâu thuẫn giữa hai đứa trẻ ngày càng leo thang, thậm chí sinh ra thù ghét, gây rào cản vô hình trong quá trình học tập của con sau này hoặc để lại cho con những tâm lý tiêu cực.

Theo bà Túy, phụ huynh cần dùng cái đúng đắn để đối phó với cái sai trái. Nếu lên mạng xã hội tố cáo hay chửi bới đối phương thì chỉ khiến sự việc thêm rối loạn. Phương án tốt nhất là nhờ bên thứ 3 can thiệp, có thể nhà trường hoặc nhờ đến pháp luật nếu sự việc nghiêm trọng.

Về khía cạnh giáo dục, cha mẹ nên dạy con về cách xử lý tình huống khi xảy ra mâu thuẫn trong trường học sao cho đúng đắn, khôn ngoan. Việc này phải được thực hiện ngay từ khi con còn nhỏ, lúc mới tiếp xúc với môi trường học tập.

"Tôi cho rằng việc giáo dục con là cực kỳ quan trọng, trong đó vai trò của gia đình, bố mẹ là quan trọng nhất. Phụ huynh là tấm gương về cách hành xử cho con cái. Nếu người làm cha mẹ không gương mẫu, không biết cách hành xử đúng đắn thì con cái cũng có thể học theo.

Giả sử cha mẹ không tôn trọng thầy, nói xấu bạn thì con cũng sẽ làm điều đó. Nếu cha mẹ xử lý mọi việc đúng đắn thì vừa giáo dục được con, vừa giữ được lẽ phải, chân lý. Do vậy, dù con mình có xảy ra mâu thuẫn với bạn học, phụ huynh cũng nên tôn trọng người thầy và những người liên quan, rồi bàn bạc cách giải quyết cho êm đẹp. Sự mẫu mực của cha mẹ là phương pháp tốt nhất để dạy con mình", chuyên gia tâm lý cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại