Không dùng tài sản công cho việc tư
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật (VHNT) T.Ư - khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản chân chính, nhà văn hóa lớn.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói chức vị là do nhân dân giao cho, nhân dân ủy quyền. Đảng viên ở cương vị càng cao càng phải gương mẫu, bởi thế mới lãnh đạo được quần chúng”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết cuộc sống của Tổng Bí thư vô cùng giản dị. Vì vậy, sinh thời, Tổng Bí thư luôn nhắn nhủ: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất !”.
Những điều Tổng Bí thư nói luôn giản dị nhưng sâu xa, thấm thía tạo nên sức mạnh, niềm tin. “Tầm cao văn hóa của Tổng Bí thư thể hiện trong cả lý luận và thực tiễn. Điều này được thể hiện một cách giản dị và sâu sắc trong mỗi nếp nghĩ, việc làm”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Đạo đức, phong cách sống của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ảnh hưởng tới mọi thành viên gia đình, bạn bè, người thân cận, đồng chí, đồng môn.
“Với chúng tôi những người là đồng chí, thế hệ sau của bác, khi gặp bác cũng chỉ tay bắt mặt mừng, chào hỏi, thăm hỏi sức khỏe, kể chuyện gia đình... mà không nghĩ xa hơn. Tôi hiểu và học bác nên không bao giờ nhờ cậy gì. Những điều này làm cho mình cảm thấy thanh thản”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.
“ Sinh thời, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận sắc bén của dân tộc, là người cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa, tính cách nhân hậu nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là công bộc và đầy tớ trung thành của Nhân dân ” , PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
Kỷ niệm mà PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhớ mãi là khi ông đang làm Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thời điểm đó, người của Văn phòng T.Ư Đảng và thư ký của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến gặp và truyền đạt mong muốn của Tổng Bí thư. Ông muốn mượn một căn phòng nhỏ của đài tổ chức buổi gặp mặt thân mật với các bạn đồng môn, thầy cô khoa Văn khóa 8 Đại học Tổng hợp Hà Nội.
“Tổng Bí thư e ngại, không muốn sử dụng phòng làm việc ở Văn phòng T.Ư Đảng. Khi thăm người thân hoặc thực hiện những công việc riêng tư, Tổng Bí thư đều không dùng xe công”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhớ lại.
Cuộc gặp mặt được tổ chức thành công trong không khí ấm cúng, xúc động. Không ai nhận thấy sự xa cách, hay quyền thế trong cuộc gặp mặt này. Cuộc gặp mặt đơn thuần là những người bạn, thầy - trò gặp gỡ nhau sau nhiều năm xa cách.
Luôn lắng nghe tâm tư văn nghệ sĩ
Trong thời gian công tác ở Ban Tuyên giáo T.Ư , nhân các dịp sang báo cáo Tổng Bí thư về những lĩnh vực mình quản lý, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ thường mang theo những cuốn sách do ông viết.
Tổng Bí thư thường nhận sách và nói khi rảnh sẽ đọc, nhưng cũng nói trước rằng công việc rất bận rộn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn tháp tùng trong chuyến thăm Mỹ tháng 7/2015.
Tổng Bí thư luôn tranh thủ quan tâm, hỏi thăm, mong muốn lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của văn nghệ sĩ.
"Bác luôn hỏi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, trí thức. Liệu họ có vướng mắc hay điều gì muốn giãi bày về chủ trương, chính sách nào không. Bác luôn mong muốn được biết, bởi việc này rất quan trọng. Tổng Bí thư cho rằng lãnh đạo cấp cao nếu không lắng nghe cấp dưới, không lắng nghe từ thực tiễn cuộc sống... có thể bị coi là quan liêu, không sâu sát với cuộc sống đời thường", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ kể lại.
Những tâm sự này rất chân tình, sâu sắc và đầy cảm động. Tổng Bí thư luôn thể hiện sự quan tâm đến cấp dưới, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhớ kỷ niệm tháp tùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ tháng 7/2015.
Trong chuyến đi ấy, Tổng Bí thư có lịch trình làm việc rất dày đặc, vất vả nhưng không quên ghi nhận sự vất vả của nhóm phóng viên.
Đi bộ hàng cây số tiễn bạn ra chiến trường
Trong số những người học chung lớp đại học của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ông Phan Văn Kính (quê Yên Thành, Nghệ An). Mới đây, trong một lần gặp ông Kính, ông Nguyễn Thế Kỷ mới được nghe kể về những kỷ niệm đầy xúc động của ông Kính và Tổng Bí thư trước khi ra chiến trường.
"Khi đang học năm thứ ba, ông Kính đã xung phong vào mặt trận. Thời điểm đó, những người học ngành xã hội sẽ vào chiến trường làm phóng viên, viết văn, viết thơ về chiến trường... Ai trong lớp cũng quyến luyến chia tay ông Kính", PGS.TS Thế Kỷ cho biết.
Ngày ông Kính lên đường, người bạn học Nguyễn Phú Trọng đã đi bộ cùng ông hai cây số từ chỗ ở lên xe vào chiến trường. Trước khi lên xe, cả hai ôm nhau, nói lời tạm khi đôi mắt còn rưng rưng. Đây chính kỷ niệm sâu sắc của ông Kính về quê hương, gia đình, người bạn, là hành trang vững chắc cho ông trên chiến trường.