Việc yêu cầu học sinh thế hệ sinh sau năm 2000 phân tích những đoạn trích trong tác phẩm viết từ đầu thế kỷ XX, với bối cảnh và câu chuyện quá xa thời đại các em đang sống là một sự đánh đố, cổ vũ cho thói quen học theo văn mẫu, không kích thích được sự sáng tạo của học sinh. PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí thuộc Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc ra đề hướng theo lối an toàn, cơ bản quẩn quanh với mấy tác phẩm trong sách giáo khoa (SGK), vậy thì khó có những bài văn hay.
PV: Thưa, ông đánh giá như thế nào về đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023?
PGS.TS Ngô Văn Giá.
PGS.TS NGÔ VĂN GIÁ: Đề năm nay, về tổng thể, tôi có cảm giác hơi bị vụn, các câu hỏi trong mỗi phần/câu nhiều quá. Tuy nhiên, cái đáng bàn là ở mấy điểm sau:
Thứ nhất, cho một đoạn thơ của nhà thơ Anh Ngọc, yêu cầu trả lời mấy ý cũng là ổn. Tuy nhiên trong đó có cái ý “trình bày sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống” thì xem như không liên quan gì mấy đến ý tưởng mà đoạn thơ gợi lên. Người ra đề có phần ép ý tưởng một cách khiên cưỡng, thiếu tự nhiên.
Thứ hai, điểm gây bàn tán xôn xao trên mạng xã hội chủ yếu là câu yêu cầu phân tích đoạn trích trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.
Ừ thì vẫn là kết quả của việc ra đề theo kiểu cũ, bắt buộc phải sử dụng ngữ liệu trong SGK, nên cũng chỉ có mấy tác phẩm trở đi trở lại, đảo vòng thôi, năm nay thi vào tác phẩm này thì năm sau, thậm chí 2 - 3 năm sau yên tâm đề sẽ không ra vào tác phẩm đó nữa… Song, điều đáng bàn nhất là đoạn trích. Đây là trường đoạn không đại diện cho tư tưởng chính của tác phẩm. Tư tưởng chính của tác phẩm là bài ca về sự sống mãnh liệt của con người (các nhân vật Tràng, người vợ, bà cụ Tứ) đã chiến thắng cái đói, cái chết khốc liệt để duy trì sự sống, vun vén cho tổ ấm và hạnh phúc gia đình, không thôi hy vọng. Tư tưởng nhân văn đẹp đẽ này được thể hiện về cơ bản đã xong xuôi ở toàn bộ phần trước của tác phẩm rồi.
Từ đề thi Ngữ văn vừa rồi, nhìn rộng ra, ông có nhận xét chung về cách ra đề và chất lượng đề thi văn trong vài ba năm qua?
- Trước khi đi vào trả lời câu hỏi này, tôi xin thưa 2 điểm: Thứ nhất, việc ra đề thi các môn cho học sinh các cấp, đặc biệt là đề thi cấp quốc gia chưa bao giờ được coi là dễ dàng. Một đề thi hay đòi hỏi nhiều thứ: Tính vừa sức, tính cập nhật, khả năng phân hóa cao, có khả năng kích thích cảm hứng làm bài và sáng tạo của thí sinh… Riêng đối với môn Ngữ văn, ngoài những yêu cầu đó, đề còn đòi hỏi phải có tính thẩm mỹ (văn chương), khơi gợi cảm hứng nhân văn, lòng yêu tiếng Việt, sự trung thực và cá tính của ngòi bút. Thứ hai, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 lần này chính là vào thời đoạn cuối cùng của chương trình cũ với SGK cũ; chỉ sang năm, tức 2024 là năm thi cuối cùng để chuyển sang học và thi chương trình mới. Năm học vừa rồi (2022-2023), ở bậc THPT đã triển khai học chương trình Ngữ văn mới lớp 10, và cứ thế tiếp theo đến hết 12 vào năm 2024 - 2025. Cho nên, với chương trình học khác, mục tiêu đào tạo khác, SGK khác và cách dạy khác, tất yếu cách kiểm tra/thi cũng sẽ khác. Câu chuyện này khá dài, không thể nói hết được ở đây, nhưng có một điểm cốt lõi là cách học, cách thi theo chương trình mới có khả năng “tiêu diệt” cách học thuộc bài, chép văn mẫu… như lâu nay.
Ý ông đang muốn đề cập đến vấn đề căn cốt: Muốn bàn đến đề thi thì cần đặt nó trong khuôn khổ chương trình giáo dục cũ và SGK cũ?
- Đúng. Khi nói về chất lượng ra đề thi những năm gần đây thì cần đặt nó trong khuôn khổ chương trình cũ, SGK cũ mà ta vẫn đang thực hiện ở những năm cuối. Cách dạy, cách học của chương trình cũ về cơ bản vẫn mang tinh thần thầy truyền giảng áp đặt, trò tiếp thu; thầy dạy dỗ, trò thụ động học và lĩnh hội. Trong khi đó, SGK vẫn là những ngữ liệu mang tính áp đặt, bắt buộc. Mặc dù phương pháp dạy học văn theo nguyên tắc đọc - hiểu như đã được triển khai là tiến bộ rất nhiều so với những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và thập niên đầu của thế kỷ XXI, nhưng SGK như vậy, việc dạy và học văn theo lối cốt lấy ý hơn là cảm xúc, lấy dạy dỗ đạo lý hơn là vẻ đẹp hình tượng và tiếng Việt, nên nhìn chung môn Ngữ văn càng ngày càng sa lầy. Theo đó, đề thi ra phải bám theo kiến thức đã học trong SGK, nhất là tác giả và tác phẩm đã quy định. Thế thì bảo là ra đề mang tính mới, sáng tạo, kích thích tinh thần dân chủ và sáng tạo cho học sinh thì làm cách nào? Ngay cả đội ngũ các thầy cô, việc ra đề cũng hướng theo lối an toàn, căn cơ. Cứ thế, trong cái an toàn ấy, việc ra đề về cơ bản là quẩn quanh với mấy tác phẩm trong SGK; vậy lấy đâu ra sức hấp dẫn của bộ môn, của ra đề và làm bài, lấy đâu ra những bài văn hay được!
Trong cơ cấu đề thi Ngữ văn thường có 2 phần: Phần 1 Đọc hiểu: Phần này có nội dung môn Tiếng Việt (cho một ngữ liệu là đoạn trích tác phẩm văn học, yêu cầu nhận biết thể loại, các biện pháp tu từ…); phần 2 là Làm văn, tức viết 2 bài, một bài thuộc nghị luận xã hội, và một bài thuộc nghị luận văn học (phân tích, bàn luận về một khía cạnh nào đó thuộc về tác phẩm, tác giả, vấn đề văn học). Phần 2 tưởng rộng mà lại thành hẹp, bó buộc. Nên những đề được coi là đổi mới, sáng tạo ít nhiều lại chủ yếu tập trung vào phần 1. Ngay cả câu yêu cầu viết một bài văn nghị luận xã hội trên cơ sở gợi ý từ phần 1 nếu ra đề không khéo sẽ biến thí sinh nói năng những điều đại ngôn tráng ngữ, sao rỗng, không có suy nghĩ và cảm xúc riêng.
Theo ông, liệu đã đến lúc các nhà biên soạn SGK nên mạnh dạn chọn đưa những tác phẩm văn học mới, phù hợp hơn vào SGK giảng dạy trọng trường phổ thông?
- Điều này thì khỏi phải lo rồi. Trong chương trình mới đã và đang được thực hiện từ lớp 7 - 8 và 10 - 11 trên toàn quốc, thì mục đích của chương trình là dạy thể loại, lấy thể loại làm trung tâm, qua đó giúp đọc hiểu, nhận viết về các thể loại văn học, cùng với nó là nội dung lịch sử văn học, và các giá trị khác. Vì thế, ngoài 6 tác phẩm bắt buộc phải dạy trong chương trình phổ thông (bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập) thì các bộ SGK và các thầy cô khá chủ động chọn các tác phẩm để đưa vào giảng dạy, tuy nhiên phải là những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Cho nên, bây giờ có đến 3 bộ SGK với 3 nhóm tác giả biên soạn (Cánh diều, Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo), tha hồ chọn tác phẩm. Trong SGK bộ mới đã thấy có: “Muối của rừng” (Nguyễn Huy Thiệp), “Bài thơ của một người yêu nước mình” (Trần Vàng Sao), “Giang” (Bảo Ninh), “Người ở bến sông Châu” (Sương Nguyệt Minh)…
Trong quan sát và nghiên cứu của ông, nguồn ngữ liệu các tác phẩm văn học Việt Nam đương đại, cụ thể là những tác phẩm viết từ khoảng 1986 đến nay, có đủ chất lượng và phù hợp để đưa vào SGK cho các em học sinh thế hệ hiện nay không?
- Hoàn toàn có thể. Như tôi vừa nói, các tác phẩm như trên của các tác giả: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Sương Nguyệt Minh toàn được viết quãng sau 1986 đấy chứ. Và không chỉ có thế. Vẫn còn không ít những tác phẩm hay của các tác giả khác nữa.
Thí sinh làm bài Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: H.Nguyễn.
Ông có cảm thấy tiếc hoặc mong muốn cho những tác phẩm nào không được đưa vào học trong chương trình giáo dục phổ thông hay không?
- Tiếc và mong thì nhiều lắm. Tôi làm nghề dạy học cho nên có chút hiểu biết về ngành giáo dục, nên tôi thấy công việc lựa chọn ngữ liệu văn học vào SGK là việc vô cùng khó. Không phải cứ tác phẩm hay mà được đưa vào, hoặc nếu đưa vào thì trích đoạn hay toàn bộ… Chúng ta cũng cần biết, ngữ liệu trong SGK chia là 2 cấp độ: 1, ngữ liệu là các đoạn trích từ tác phẩm nào đó để minh họa và diễn giải cho một vấn đề tri thức cụ thể; và 2, ngữ liệu là tác phẩm được học trọn vẹn như một trường hợp tiêu biểu của một thể loại văn học nào đó. Loại thứ nhất nhiều hơn, loại thứ hai ít hơn, và các nhà văn thì cảm thấy sung sướng nhất nếu được ở trường hợp thứ hai này.
Với quan điểm khai phóng của chương trình giáo dục phổ thông mới, các thầy cô được trao quyền chủ động nhiều hơn trong việc lựa chọn, lên kế hoạch, xây dựng chuyên đề, dự án… trong quá trình lên lớp. Như vậy, chỉ cần thầy cô giỏi, đọc nhiều, biết rộng, khát khao làm nghề tử tế sẽ không quên những tác phẩm xứng đáng được tôn vinh trong nền văn học dân tộc.
Trân trọng cảm ơn ông!