PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Hướng tới xã hội bao trùm số để không ai bị bỏ lại phía sau

Thảo Vân |

Để phát triển xã hội bao trùm số - nơi con người được thụ hưởng những thành quả về công nghệ, cần sự đồng hành của bộ ba chủ thể Chính phủ, doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo, theo PGS.TS Lê Hoàng Sơn.

PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Hướng tới xã hội bao trùm số để không ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 1.

PGS.TS Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2024 chủ đề “Phát triển con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số” diễn ra vào chiều 18/10,  PGS.TS Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu trong việc thúc đẩy bao trùm số, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Chuyên gia này lý giải, xã hội bao trùm số không phải là khái niệm quá vĩ mô, mà đơn giản là việc sử dụng tổng hòa công nghệ để phục vụ, hỗ trợ công việc và cuộc sống.

Việt Nam đang hướng đến một xã hội bao trùm số trên nhiều lĩnh vực như: Chính phủ điện tử, y tế số, giáo dục số, tài chính số… Do đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến phát triển số, thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp. Cơ quan điều hành cũng tạo ra môi trường pháp lý và thúc đẩy các chính sách về chuyển đổi số.

Theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ" do Oxford Insights thực hiện, Việt Nam đứng thứ 5 tại ASEAN và 59 trên thế giới về mức độ sẵn sàng AI của Chính phủ.

“Cách đây 5 năm, việc ứng dụng công nghệ còn thô sơ, nhưng hiện nay đã có nhiều ứng dụng đạt mức độ hoàn thiện cao về AI và khoa học dữ liệu trên nhiều lĩnh vực”, ông Sơn nói.

PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Hướng tới xã hội bao trùm số để không ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 2.

Bên cạnh các thuận lợi, theo chuyên gia này, việc phát triển xã hội số bao trùm cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là chênh lệch về xã hội, trong đó, chênh lệch hạ tầng khiến đa số những người ở thành phố có khả năng dùng công nghệ nhanh hơn.

Thứ hai, ông nhấn mạnh đến chênh lệch về kinh tế. Những người có điều kiện kinh tế tốt hơn lại có khả năng ứng dụng công nghệ nhanh hơn và biến công nghệ thành các giá trị thương mại.

“Khi đi sâu vào AI tạo sinh, chênh lệch về tri thức, kỹ năng tạo ra rào cản. Tại các quốc gia phát triển, khoảng cách về kỹ năng số không nhiều. Nhưng một quốc gia như Việt Nam rất khác ”, ông Sơn nói và cho biết thêm các rào cản khác về ngôn ngữ, giới cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận số của những nhóm yếu thế trong xã hội.

Từ những thách thức trên, PGS.TS Lê Hoàng Sơn đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng, dữ liệu, con người để thu hẹp, xử lý các vấn đề bất bình đẳng về môi trường, hạ tầng, kinh tế.

PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Hướng tới xã hội bao trùm số để không ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 3.

PGS.TS Lê Hoàng Sơn (thứ hai từ phải qua) tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2024

Ông cũng nhấn mạnh việc con người là yếu tố trọng tâm khi phát triển kỹ năng số. Nói sâu hơn về khía cạnh này, chuyên gia Lê Hoàng Sơn kể về một kỷ niệm khi tham gia giải thưởng Better Choice Awards – do Bộ Kế hoạch Đầu tư, NIC và VCCorp tổ chức. Đây là giải thưởng có các sản phẩm chứa hàm lượng chất xám rất cao về AI, sáng tạo. Câu hỏi ông đặt ra: Liệu có thể dùng công nghệ để kéo gần khoảng cách của các nhóm yếu thế trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau?

Từ quan sát cá nhân, ông Sơn nhất mạnh đến yếu tố thay đổi, thích nghi của nguồn nhân lực có thể kéo gần lại mọi khoảng cách. AI, khoa học dữ liệu không phải là công nghệ xa vời chỉ dành cho chuyên gia mà dành cho tất cả mọi người. Do đó, việc đào tạo kỹ năng số cần được mở rộng, đa dạng, không chỉ gói gọn ở các chương trình chính quy mà cần đào tạo theo nhu cầu, nhóm đối tượng.

“Chỉ cần nâng cao kỹ năng về công nghệ, chuyển đổi số, năng lực thích nghi về công nghệ mới, chúng ta sẽ có công nghệ về xã hội bao trùm. Đây là vận hội, thời cơ chúng ta có thể phát triển”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cuối cùng, chuyên gia này khẳng định tầm quan trọng của minh bạch hóa thông tin. Trong xã hội hiện nay, thông tin giúp tăng cường kết nối chính xác, đồng thời, có tiềm năng khai thác lớn.

Ông khẳng định: “Chúng ta có thể dùng công nghệ để phát triển đất nước bởi người dân chính là đối tượng thủ hưởng chính các giá trị nó mang lại. Do đó, cần đồng lòng của 3 chủ thể Chính phủ - Doanh nghiệp – Đơn vị đào tạo”.

Bên cạnh các tham luận, tọa đàm của chuyên gia, tại Diễn đàn MSF 2024, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khởi xướng Sáng kiến công nghệ bao trùm (InclusiveTech Initiative).

Sáng kiến này thể hiện tinh thần phụng sự xã hội, với phương châm: “Công nghệ không chỉ phục vụ sự tiến bộ của một số ít mà còn mang lại giá trị cho cả cộng đồng”. Mục tiêu chính là tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó thúc đẩy một xã hội công bằng và bền vững thông qua các giải pháp sáng tạo.

Trong khuôn khổ sáng kiến, Giải thưởng “Inclusive Tech for Social Innovation – Công nghệ Bao trùm vì lợi ích xã hội” sẽ được tổ chức hàng năm để tôn vinh những tổ chức và cá nhân xuất sắc. Năm nay, giải thưởng vinh danh 15 sáng kiến xuất sắc, khai thác công nghệ để thu hẹp khoảng cách số.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại