PGS Hà Đình Đức: “Cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm”

Bảo Loan |

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà sử học (NSH) Hà Đình Đức, đã có rất nhiều đề án, dự án cải tạo sông Tô Lịch được đưa ra từ cuối những năm 70 đến nay, nhưng tất cả đều không đạt được như kỳ vọng, nên nếu sông Tô được cải tạo là dấu ấn nghìn năm của Thủ đô.

Đề án cải tạo sông Tô Lịch thành một công viên lịch sử - văn hoá – tâm linh đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt là các chuyên gia về môi trường, sử học, văn hoá.

Ngày 01/10, thông tin với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS NSH Hà Đình Đức cho rằng: "Ở góc độ chuyên gia và cả là góc độ người dân, tôi rất muốn dòng sông ô nhiễm Tô Lịch được cải tạo. Chỉ cần làm sạch phần nào để bớt ô nhiễm, bớt mùi hôi thối thôi, chứ chưa nói đến là "biến" sông này thành công viên hay điểm du lịch. Nếu như thực sự cải tạo được sông Tô Lịch thì đó là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải là dấu ấn trăm năm".

Lý giải cho sự quan điểm của mình, PGS Hà Đình Đức cho biết, dòng sông nào cũng có vận mệnh. Tô Lịch là tên của một nhân vật lịch sử họ Tô tên Lịch, từ cách đây 2.000 năm trước công nguyên.

Trải qua các thời kỳ Đại La - Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội, sông Tô Lịch được biết đến là trung tâm, là cao điểm, là tiêu điểm, là tụ điểm, là linh điểm của Thủ đô.

Theo PGS Hà Đình Đức, vào thế kỷ thứ 10, 11, 12, sông Tô Lịch ở giai đoạn huy hoàng, rực rỡ nhất. Đây là giai đoạn người dân kinh thành đều ký thác cả đời sống văn hoá, tinh thần, đời sống kinh tế, đời sống quân sự vào dòng sông Tô.

 PGS Hà Đình Đức: “Cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm”  - Ảnh 1.

Theo PGS.TS NSH Hà Đình Đức, cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm. Ảnh: Ngô Nhung

Về nơi khởi nguồn của dòng nước sông Tô Lịch, PGS Hà Đình Đức cho hay: Sông Tô xưa là đường bao kinh thành, bắt nguồn từ sông Hồng bắc qua đoạn chợ Gạo (nay ở vị trí nền toà nhà Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam), đến dọc phố Nguyễn Siêu, hàng Buồm rồi kéo ra đoạn đường Phan Đình Phùng. Chính đoạn thành cổ ở phố Phan Đình Phùng ngày nay là hào của thành cổ sông Tô xưa. Sông Tô Lịch kéo dài dọc phố Thuỵ Khuê, lên đến khu đầu đường Hoàng Quốc Việt thì gặp sông Thiên Phụ (hiện sông này đã mất).

Ở thế kỷ 17, cảnh giao thương buôn bán trên sông vẫn diễn ra tấp nập. Sau này, do sự phát triển đô thị hoá, dòng sông bị ép hẹp dần. Cuối cùng thì sông Tô gần như là 1 rãnh thoát nước.

 PGS Hà Đình Đức: “Cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm”  - Ảnh 2.

Sông Tô Lịch hiện tại...

PGS Hà Đình Đức nhấn mạnh, ý định cải tạo sông Tô Lịch đã có từ rất lâu. Đặc biệt là cuối những năm 70, đầu những năm 80 (thế kỷ 20), Liên Hiệp quốc đã đưa ra dự án cải tạo sông Tô với hy vọng trở thành 1 con sông trong xanh, du lịch. Rồi những đề án cải tạo ở những năm 1998, 2000… nhưng tất cả đều không thành công.

Đến năm 1990, Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm. Cuối năm 2018, trước trận lụt lịch sử, người dân Thủ đô một lần duy nhất được chứng kiến sông Tô Lịch nước trong xanh, cuồn cuộn chảy.

"Đã nói là sông là phải có dòng chảy, sông không có dòng chảy ắt là sông "chết". Muốn làm sông "sống" lại, trước tiên là phải xử lý nước thải, tiếp đến mới tạo dòng chảy.

 PGS Hà Đình Đức: “Cải tạo được sông Tô Lịch là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải trăm năm”  - Ảnh 3.

...và sông Tô Lịch trở thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh trong tương lai do Công ty JVE mô phỏng.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, muốn mở rộng lòng sông thì phải kè lại bờ, kè thẳng đứng lên. Mà muốn kè được thì phải nạo vét, đào sâu lòng sông. Từ đó, mới có thể khai thác du lịch", PGS.TS NSH Hà Đình Đức nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Dương Trung Quốc cũng cho rằng: "Nếu phương án cải tạo, phục hồi mà gắn liền với đời sống tâm linh, cảnh quan thiên nhiên thì rất đáng làm và cần làm".

Còn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thì nhấn mạnh, sông Tô Lịch ở Hà Nội không chỉ là vấn đề mỹ quan mà còn là vấn đề sức khoẻ của cộng đồng. Vì vậy, không có lý do gì mà người dân không ủng hộ việc "biến" một nguồn tài nguyên đã "chết" thành một nguồn tài nguyên "sống".

Sông Tô Lịch dài khoảng 15km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ (đoạn xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải.

Theo ước tính của Sở TN&MT Hà Nội, mỗi ngày 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.

Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã có công văn, báo cáo gửi tới lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hà Nội về đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Cụ thể, giải pháp tổng thể sẽ giải quyết các vấn đề như: Thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy; vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão; vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại