PGS Bùi Thị An: Vì quản lý kém mà công nhận mại dâm là không được

Hoàng Đan |

Bà Bùi Thị An cho rằng không thể nói do công tác quản lý kém nên chúng ta phải công nhận, coi mại dâm là một nghề để có thể quản lý được tốt hơn.

Cần gom lại thành khu để quản lý người ra vào tốt hơn

Trao đổi với PV, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 nói bà từng nhiều lần nêu quan điểm về việc không nên công nhận mại dâm, hay coi đây là một nghề cũng như quản lý thế nào cho hiệu quả.

"Tôi đã khẳng định nhiều lần, dù ai có nói thế nào hay bất cứ lý do gì nhưng là một người phụ nữ, nhất là có gia đình, bản thân tôi cũng như chị em Á Đông nói chung không bao giờ ủng hộ việc công nhận mại dâm, coi đây là một nghề để kiếm sống. Điều đó làm ảnh hưởng đến quyền, nhân phẩm, danh dự của người phụ nữ trong xã hội.

Tuy nhiên, dù có ủng hộ hay không thì vấn nạn mại dâm vẫn tồn tại trong xã hội, thậm chí còn diễn biến hết sức phức tạp, gây ra nhiều vấn đề nan giải, mất an ninh trật tự", bà An nói.

Theo bà An, nước ta đã thi hành hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế hoạt động mại dâm, từ công an, nhà trường tới toàn xã hội cùng vào cuộc. Nhưng do nhu cầu có nên nguồn cung cũng theo đó cũng có nên khó ngăn chặn. Tuy vậy, không thể nói công tác quản lý kém nên chúng ta phải công nhận, coi mại dâm là một nghề để quản lý tốt hơn.

"Tôi cho rằng, nếu nghĩ vậy thì rất bất ổn và sẽ tạo ra những nghịch lý trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Chúng ta cần tìm ra những biện pháp quản lý tốt, dứt điểm tình trạng này", bà An bày tỏ.

Vị ĐBQH khóa 13 cho rằng Việt Nam chưa thể thành lập ra các khu "đèn đỏ" như Hà Lan hay "phố đèn đỏ" ở Paris, nhưng vẫn có thể gom các hoạt động này lại một khu để quản lý tốt hơn. Nên thí điểm nó ở các thành phố lớn, nơi hoạt động mại dâm vẫn diễn ra phổ biến.

PGS Bùi Thị An: Vì quản lý kém mà công nhận mại dâm là không được  - Ảnh 2.

Bà Bùi Thị An.

"Chúng ta gom hoạt động lại không đồng nghĩa với việc "mở cửa" cho mại dâm phát triển, lan rộng. 

Thực tế, mong muốn của người dân cũng như Nhà nước là triệt tiêu vấn nạn mại dâm. Các gia đình đều muốn loại bỏ hoạt động này khỏi xã hội. Tuy nhiên, mại dâm vẫn diễn ra mà chúng ta không quản lý cũng như nắm bắt được hết, vì vậy cần phải gom lại thành một khu để quản lý người ra vào tốt hơn", bà An nêu quan điểm.

Bà cho rằng việc gom thành khu sẽ giúp quản lý người bán, người mua, kiểm soát y tế cho họ, còn những người tìm đến các dịch vụ nhạy cảm phải ý thức rõ và cân nhắc hành động của mình.

Với người trong cuộc, chính quyền cần hướng dẫn, thuyết phục họ tham gia, trên cơ sở cơ quan quản lý phải bảo vệ bí mật về danh tính. Nhưng dù làm thế nào cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và có lộ trình cụ thể - bà An chia sẻ.

Hợp pháp hóa mại dâm chỉ làm thêm tràn lan, gia tăng tệ nạn

Luật sư Nguyễn Công Thành (Hà Nội) cho hay, hoạt động kinh doanh mại dâm, hành nghề mại dâm bị nghiêm cấm nhằm mục đích bảo vệ truyền thống văn hoá dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, bảo vệ sức khoẻ nhân dân... 

Theo các số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức, đơn vị, hợp pháp hóa mại dâm không giúp việc quản lý tốt hơn mà chỉ làm hoạt động này càng trở nên phức tạp.

Luật sư Thành cho rằng, nếu nói để hợp thức hóa mại dâm thì việc sửa đổi hay bãi bỏ các điều luật trong Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến mại dâm không khó.

"Theo tôi hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà chỉ khiến hoạt động này trở nên tràn lan, làm gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy buôn bán tình dục... Tiền thuế thu được mà mọi người kỳ vọng chắc chắn không đáng kể so với những chi phí phải bỏ ra để duy trì cả hệ thống đảm bảo cho "phố đèn đỏ" hoạt động cũng như y tế, chăm sóc.

Chưa kể, khi công nhận rồi thì các tệ nạn khác đi kèm cũng có cơ sở phát triển. Từ đó, lợi đâu chưa thấy mà hại đã thấy nhiều", luật sư nêu.

Trong khi đó, luật sư Ngô Hương Giang (Hà Nội) chỉ ra việc hợp thức hóa mại dâm sẽ làm gia tăng nạn mại dâm chui, gái đứng đường không giấy phép, do gái bán dâm không muốn phải nộp thuế và bị quản lý. Kéo theo đó là nạn bạo lực đường phố và làm giả giấy phép cho gái bán dâm. 

Việc này sẽ dẫn đến tồn tại song song "mại dâm hợp pháp" và "mại dâm bất hợp pháp" làm cho quản lý càng rắc rối hơn.

Bạn nghĩ sao khi mại dâm được coi là nghề?


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại