Trong các ngày 20 và 21/7/2020, ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ đã xảy ra một đợt mưa to đến rất to, nhiều nơi đã xảy ra giông mạnh lốc, sét và sạt lở đất, gió giật mạnh.
Tại Hà Giang mưa lũ lớn đã khiến 5 người chết, trong đó, có 3 người chết do sạt lở đất, 2 người bị lũ cuốn trôi. TP Hà Giang cũng ngập chìm trong biển nước tới cả mét...
Trao đổi với PV, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, nguyên nhân của đợt mưa lũ lớn này là do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao đã gây ra mưa rào và giông cho các tỉnh Bắc Bộ, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to.
Khoảnh khắc sạt lở đất ở gần cổng chào Tp. Hà Giang khiến giao thông trên QL2 bị tê liệt. (Nguồn : N.T. Trung)
Đặc biệt mưa lớn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang, lượng mưa phổ biến trong 24 giờ đạt từ 100 – 300mm. Tại Thành phố Hà Giang có mưa đặc biệt to, lượng mưa từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7 đạt 347 mm.
Mưa khiến nước ngập tới tận nóc ô tô ở Hà Giang.
Theo ông Lâm, đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay.
Cũng theo lãnh đạo Trung tâm, mực nước thượng lưu sông Lô tại Hà Giang đã lên nhanh, biên độ lũ lên khoảng 5,8m, đạt mức 101,37m (10h/21/7), trên BĐ2 là 0,37m, hiện nay đang xuống nhanh, đã xuống dưới BĐ1.
Ngập lụt do mưa lớn tại các vùng trũng, thấp đã diễn ra tại TP. Hà Giang, huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Mê. Sạt lở đất đã xảy ra tại huyện Hoàng Su Phì, huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang.
Ông Hoàng Phúc Lâm.
Ông Lâm cũng nhận định, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao nên từ đêm 21/7 đến đêm 22/7 ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/24 giờ), riêng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang có mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/24h, có nơi trên 150mm/24h).
Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng. Từ ngày 23/7, mưa trên khu vực này giảm dần.
Từ ngày 21 đến 23/7, mực nước thượng lưu sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m, riêng sông Lô từ 4-6m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ các sông suối nhỏ và thượng lưu sông Lô có khả năng đạt mức BĐ2-BĐ3; thượng lưu sông Thao (sông Hồng) và sông Chảy có khả năng đạt mức BĐ1.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn; Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các đô thị, đặc biệt là các thành phố Hà Giang, Lào Cai.
Còn theo đại diện Tổng Cục Phòng chống thiên tai dự báo, chiều tối và đêm 22/7, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và giông; cục bộ có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 10-30mm/12 giờ, có nơi trên 50mm/12h), trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất và ngập úng tại một số khu vực thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La. Rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất: cấp 1.
Theo báo cáo nhanh của 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng, tính đến 6h sáng nay, tại Hà Giang đã có 5 người chết, trong đó 3 người do sạt lở đất (2 mẹ con ở xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì và 01 người tại TP Hà Giang), 2 người bị lũ cuốn trôi (huyện Bắc Quang: 1, Bắc Mê: 1); 2 người bị thương.
Về nhà ở: 2 nhà bị sập, cuốn trôi; 57 nhà bị thiệt hại; 524 nhà bị ngập. Về thủy điện:02 nhà máy thủy điện (Thái An, huyện Quản Bạ và Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên) bị dừng hoạt động do đất đá sạt lở, vùi lấp hệ thống máy móc.
Về giao thông: Sạt lở 3 điểm tại Quốc lộ 2; ngập lụt 4 điểm trên quốc lộ 4C, 2 điểm trên quốc lộ 34C; sạt lở 2 điểm trên tỉnh lộ 176B và ngập sâu, sạt lở một số tuyến đường liên xã (hiện các tuyến đường đã thông xe).
Tại tỉnh Cao Bằng: do ảnh hưởng mưa, lũ ngày 20/7 làm 1 người bị thương do đá lở, 5 nhà bị hư hỏng, 15ha lúa bị ngập nước.