PGĐ CA Hà Nội: 'Người đi ô tô mở tài khoản vài chục triệu thì không có gì khó khăn cả'

D.Linh |

Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng việc đề xuất người đi ô tô mở tài khoản ngân hàng để phục vụ việc xử phạt vi phạm giao thông là không khó khăn.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP đã đề xuất buộc các chủ xe ô tô mở tài khoản ngân hàng phục vụ việc xử phạt vi phạm giao thông.

Sáng 16/1, trao đổi với PV, Đại tá Hải cho biết nếu có tài khoản như trên thì khi mua bán sang tên đổi chủ, người chủ xe sẽ bắt buộc người mua xe làm thủ tục sang tên ngay.

Bởi lẽ, nếu không sang tên đổi chủ sớm thì khi người mới sử dụng xe vi phạm thì sẽ trừ tiền vào tài khoản của người cũ. Điều này cũng khiến các bên có trách nhiệm hơn trong việc sang tên đổi chủ.

"Ngoài ra, khi có tài khoản thì tất cả các vi phạm mà hệ thống camera ghi lại sẽ phạt thẳng vào tài khoản của chủ xe kèm theo hình ảnh và bằng chứng vi phạm. Như vậy, người vi phạm không thể chối cãi được", Đại tá Hải nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, hiện tình trạng đỗ xe bừa bãi đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong khi đó, lực lượng chức năng kiểm tra thì chủ xe cố tình không ra, cứ để xe đó.

Theo ông Hải: "Phương tiện cẩu xe có hạn và không phải lực lượng nào cũng có. Do đó, với các trường hợp này, nếu có tài khoản thì lực lượng chức năng sẽ xử phạt được luôn và gài thông báo ở xe như các nước phương Tây".

Đại tá Hải cũng nhận định, việc mở tài khoản để xử phạt chủ xe ô tô sẽ giúp người dân có ý thức hơn và dừng đỗ đúng quy định. "Cái chính là chúng ta cần có quy định chứ việc thực hiện rất đơn giản và người đi ô tô mở tài khoản vài chục triệu đồng thì không có gì khó khăn cả", ông Hải cho biết.

PGĐ CA Hà Nội: Người đi ô tô mở tài khoản vài chục triệu thì không có gì khó khăn cả  - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc buộc chủ ô tô mở tài khoản để xử phạt là hợp lý và khả thi. Ảnh: Khánh Linh

Chủ ô tô không có cơ hội phản đối lệnh phạt?

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết việc buộc chủ ô tô mở tài khoản để xử phạt là biện pháp hợp lý và có tính khả thi vì hầu hết mọi người đều có tài khoản ngân hàng hoặc mở mới cũng đơn giản. "Nếu cơ quan chức năng xử phạt bằng cách trừ tiền vào tài khoản thì sẽ thuận tiện cho cả đôi bên", TS Hiếu nói.

Tuy nhiên, TS Hiếu cho rằng việc trừ tiền vào tài khoản sẽ khiến người dân khó có cơ hội phản đối biện pháp xử phạt đó khi cảm thấy không phù hợp hoặc không chính xác. "Việc trừ tiền tài khoản của chủ ô tô phải có bằng chứng rõ ràng về vi phạm để người dân có cơ hội khiếu nại, kiến nghị...", TS Hiếu cho biết.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng nếu đề xuất mở tài khoản thì phải đi kèm với nhiều quy định ví dụ tài khoản tối thiếu có bao nhiêu tiền vì "nếu cứ mở tài khoản mà không có tiền thì có phạt cũng như không".

Mở tài khoản để xử phạt là đề xuất hợp lý?

Để rộng đường dư luận, PV đã có trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hân (Công ty Luật Minh Bạch) để làm rõ đề xuất buộc chủ ô tô mở tài khoản để xử phạt của Công an TP Hà Nội.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hân, thực tế nhiều năm qua cho thấy việc chủ phương tiện vi phạm thỏa thuận "cưa đôi" khoản phạt với CSGT là có. Do vậy để tránh tình trạng tiêu cực trong việc xử lý vi phạm thì việc đề xuất buộc chủ ô tô mở tài khoản để xử phạt là đề xuất hợp lý nên được xem xét.

"Hiện nay, có rất nhiều xe ô tô đã thay đổi chủ nhưng chưa sang tên đổi chủ theo đúng quy định pháp luật nên việc xử phạt "nguội" qua hệ thống camera vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc tìm được chủ thật sự của chiếc xe.

Việc làm này sẽ bắt buộc người chuyển nhượng xe ô tô phải thực hiện đầy đủ tục tục sang tên đổi chủ cho xe khi bán xe.

Việc mở tài khoản để xử phạt chủ xe ô tô vi phạm sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho việc áp dụng biện pháp kiểm soát, xử phạt xe vi phạm qua camera, chúng ta đang từng bước cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa việc thanh toán dịch vụ như: dịch vụ ủy nhiệm chi tiền điện, nước, cước điện thoại, internet …qua tài khoản ngân hàng của người sử dụng, và việc áp dụng hình thức này vào việc xử lý vi phạm là có thể thực hiện được", luật sư Hân nói.

Tuy nhiên, theo luật sư thì bên cạnh những mặt tích cực nêu trên thì cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục để có thể áp dụng hình thức này vào thực tế như: Sự minh bạch trong việc xử lý vi phạm đối với chủ phương tiện, các chứng cứ của việc vi phạm, thông tin về việc chuyển khoản… phải được lưu trữ để khi người vi phạm có khiếu nại, tranh chấp xảy ra.

Thống nhất các cơ quan có thẩm quyền xử phạt và trích xuất tiền xử phạt vi phạm từ tài khoản của chủ xe vi phạm. Thực tế hiện nay cho thấy, có nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với một chủ xe ô tô như: Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, Cảnh sát trật tự…

Do vậy, việc thống nhất cơ quan có thẩm quyền xử phạt và trích xuất tiền xử phạt vi phạm từ tài khoản của chủ xe vi phạm cũng cần được xem xét khi nghiên cứu để xuất này.

Đề ra biện pháp chế tài cụ thể cho chủ phương tiện nếu tài khoản của chủ phương tiện không còn tiền, không chấp hành hành thì lỗi vi phạm này sẽ được lưu lại và chuyển thông tin cho cơ quan đăng kiểm. Khi phương tiện đến đăng kiểm sẽ phải chấp hành hoàn thành các nghĩa vụ mới được thực hiện đăng kiểm theo quy định.

Số tiền trong tài khoản nộp phạt vi phạm của chủ phương tiện không nhất thiết phải có tối thiểu bao nhiêu, vì khi vi phạm chủ phương tiện có thể qua chuyển khoản hoặc ngân hàng nộp tiền vào tài khoản nộp phạt mà không cần phải đến cơ quan công an, kho bạc nhà nước để nộp phạt như trước đây.

Việc quy định số tiền tối thiểu trong tài khoản này là không cần thiết sẽ gây lãng phí nguồn lực của chủ phương tiện, nhất là các doanh nghiệp có nhiều đầu xe vận hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại