Đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ phải đưa ra chỉ dẫn pháp lý dẫn đến kết luận thanh tra "bất lợi" cho tập đoàn này.
Chẳng hạn, Petrolimex cho rằng việc tập đoàn này tự quyết giá bán lẻ cho vùng 2 (vùng sâu, vùng xa) là đúng quy định, nên "hoàn toàn không thống nhất" với yêu cầu hạch toán tăng doanh thu trên 2.790 tỉ đồng của Thanh tra Chính phủ.
Theo Petrolimex, giám đốc các công ty xăng dầu thành viên tập đoàn này được tự quyết giá dựa trên chi phí vận chuyển thực tế và cả "điều kiện thị trường, nhưng không quá 2% giá bán vùng 1 (các khu vực bình thường khác).
Do đó, Petrolimex đề nghị Thanh tra Chính phủ không giả định mà phải đảm bảo chính xác tuyệt đối.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Petrolimex đã hạch toán hao hụt theo định mức và tính luôn vào giá vốn tại công ty mẹ mà không hạch toán trên hao hụt thực tế, tạo khoản chênh lệch lên hơn 310 tỉ đồng giữa hao hụt được tính vào chi phí và hao hụt thực tế. Điều này cũng tạo thu nhập bất hợp lý cho các doanh nghiệp thành viên.
Tuy nhiên, theo Petrolimex, việc khoán hao hụt xăng dầu để gắn hiệu quả quản lý hao hụt với kết quả kinh doanh của công ty thành viên, một cách... nâng cao hiệu quả kinh doanh xăng dầu, gắn trách nhiệm và quyền của các công ty có kho xăng dầu. Bởi theo Petrolimex, nếu tính hao hụt theo thực tế sẽ giảm động lực quản lý tại các đơn vị.
Đối với việc cho đơn vị thành viên vay dài hạn 646 tỉ để đầu tư như kết luận tại kết quả thanh tra, Petrolimex cho rằng không có quy định nào cấm tập đoàn này dùng vốn kinh doanh để đầu tư vào DN khác hoặc tài trợ vốn cho đơn vị thành viên do Petrolimex sở hữu 100% vốn điều lệ.
"Trong chế độ tài chính hiện hành, DN được quyền huy động tất cả các nguồn vốn để phục vụ mục đích kinh doanh, phát triển DN mà không phụ thuộc vào nguồn vốn đó là dài hạn hay ngắn hạn", Petrolimex khẳng định.
Petrolimex cũng không đồng tình với kết luận thanh tra cho rằng một số khoản đầu tư tại công ty mẹ hiệu quả còn thấp. Dẫn trường hợp đầu tư 178 tỉ vào Công ty CP Nhiên liệu bay, tập đoàn này cho rằng việc thanh tra tại thời điểm công ty này vừa thành lập, nhưng sau đó kết quả kinh doanh tốt, chẳng hạn công ty lãi 196 tỉ đồng trong năm 2015.
Với khoản đầu tư vào Công ty CP Thương mại Tuyên Quang, tập đoàn này cho rằng đây là khoản đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho vùng miền núi, có ý nghĩa chính trị xã hội và an sinh chứ không thuần túy là vấn đề kinh tế!
Cũng theo kết luận thanh tra, lượng xăng dầu xuất bán của một số đơn vị thành viên Petrolimex tăng từ 2-7 lần trước những đợt tăng giá và "đây là dấu hiệu sơ hở trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhưng tập đoàn chưa có biện pháp quản lý, khắc phục".
Tuy nhiên, theo Petrolimex, nhiều khách hàng không lấy hóa đơn ngay thời điểm mua, nên thời điểm trước tăng giá, các đơn vị thường phải đối chiếu để làm hóa đơn cho khách.
Ngoài ra, Petrolimex cũng đổ lỗi rằng các tổng đại lý và đại lý thường tranh thủ nhập hàng trước mỗi khi có thông tin tăng giá, đồng thời tập đoàn này cũng gặp khó vì không có cơ sở từ chối khách hàng…
Petrolimex còn trên 81.000m2 đất chưa sử dụng
Liên quan đến việc cho thuê và góp vốn hợp tác kinh doanh tới trên 49.000m2 đất, Petrolimex cho rằng việc lấy đất được giao để góp vốn và cho thuê lại cũng nhằm khai thác tối đa mặt bằng hiện có, giảm chi phí...
Trong khi đó, với hơn 81.000m2 đất chưa đưa vào sử dụng, Petrolimex cho rằng các công ty thành viên phải chuẩn bị trước quỹ đất để phát triển mới cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chưa kể một số đơn vị thành viên tạm dừng các dự án đầu tư văn phòng, trụ sở... theo nghị quyết về "kiềm chế lạm phát".