PCA giúp các bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình ở Biển Đông

Ngày 15/7, phóng viên TTXVN tại Đức đã có cuộc phỏng vấn riêng với tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia cao cấp về chính trị quốc tế, nguyên chuyên viên Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế của Đức, để tìm hiểu những đánh giá của ông xung quanh phán quyết của Toà Trọng tài thường trực (PCA) đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines về các tranh chấp trên Biển Đông.

Theo tiến sỹ Will, phán quyết của PCA đã được thông qua với sự nhất trí cao, không có phiếu chống hoặc chỉ đạt phiếu tối thiểu. Vì vậy, đây có thể được coi là một sự giải thích có tính ràng buộc của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Từ góc độ pháp lý, nếu một nước là thành viên của UNCLOS thì phải công nhận phán quyết của tòa. Tiến sỹ Will đánh giá phán quyết xác định rằng các tuyên bố chủ quyền chính của Trung Quốc ở Biển Đông đã mâu thuẫn với UNCLOS.

Nhiệm vụ của tòa không phải là đề xuất một giải pháp giải quyết các xung đột ở Biển Đông, mà quan trọng là nhằm diễn giải luật pháp quốc tế có liên quan đối với tranh chấp trên Biển Đông.

Theo chuyên gia này, mặc dù phán quyết không có tác dụng trực tiếp và ngay lập tức, nhưng nó sẽ có ảnh hưởng đến hành vi của các bên, bao gồm cả Trung Quốc một cách gián tiếp.

Nhìn vào phản ứng của các bên liên quan đối với phán quyết vừa qua của PCA, có thể thấy điểm đáng chú ý là tất cả các bên liên quan đã không sử dụng phán quyết này để bảo vệ vị thế của mình một cách cực đoan, mà thay vào đó là những lời kêu gọi giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình.

Tiến sỹ Will đánh giá nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc chặt chẽ vào hiệu quả của việc tuân thủ luật pháp và trật tự quốc tế, trong đó có trật tự trên biển và các tuyến vận tải biển quốc tế.

Uy tín của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào việc có thành công trong việc đạt được với các nước liên quan khác ở Biển Đông những thỏa thuận chung về hợp tác phát triển và giải quyết xung đột hay không. Đây cũng chính là điều mà Trung Quốc luôn nhắc đến trong các tuyên bố của họ như là cách duy nhất để giải quyết xung đột ở Biển Đông./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại