Việc Parkson đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4 không quá bất ngờ với nhiều người tiêu dùng bởi khi họ bước chân vào trung tâm thương mại này đa số chỉ là đi chơi, đi xem chứ không phải đi mua… thế nhưng điều này sẽ khiến nhiều trung tâm thương mại cao cấp khác phải dè chừng…
Là tập đoàn bán lẻ cao cấp tại Malaysia, Parkson có mặt tại Việt Nam từ năm 2005 và đã phát triển được chuỗi trung tâm mua sắm cao cấp tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Tuy nhiên, sự kiện đóng cửa trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Flemington (TP HCM) sau 8 năm hoạt động vào cuối tháng 2 vừa qua cho thấy Parkson đang thua cuộc trên thị trường bán lẻ đầy khốc liệt ở Việt Nam.
Trước TTTM Parkson Flemington (TP HCM) đóng cửa thì đã có 3 TTTM khác đóng cửa là: Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM) đóng vào tháng 5/2016, Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động tháng 12/2016.
Hiện nay, tại Hà Nội đã không còn sự hiện diện của hệ thống TTTM này mà chỉ còn 4 TTTM ở TP HCM, gồm: Parkson Lê Thánh Tôn (quận 1), CT Plaza (Tân Bình), Cantavil (quận 2), Hùng Vương (quận 5).
Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng cửa hồi tháng 1/2015.
Chính trong vụ việc đóng cửa TTTM tại Keangnam Landmark, Parkson đã thừa nhận sự ảm đạm về kết quả kinh doanh là nguyên nhân chính khiến ông lớn này từ bỏ việc kinh doanh tại đây.
Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra, thậm chí các đối tác cũng chịu thua lỗ.
Đều cùng kịch bản vội vàng đánh úp đối tác khi Parkson Keangnam đột ngột đóng cửa chỉ trong vòng một đêm hay Parkson Paragon ra đi mà không rõ lý do di dời… cho thấy điều mà Parkson nghĩ người Việt thích mua đồ cao cấp và sẽ ngày càng mua nhiều hơn khi bắt đầu đặt chân tới Việt Nam có vẻ như sai lầm, chệch hướng.
Do vây, việc đóng cửa liên tiếp 4 TTTM lộ dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ tại thị trường Việt Nam của Parkson.
Quan sát trên thị trường, không chỉ có Parkson, nhiều ông lớn khác với các TTTM có tiếng cũng chẳng khá khẩm hơn. Nếu như Grand Plaza (Cầu Giấy, Hà Nội) đóng cửa được cho là do mô hình hoạt động chưa phù hợp thì Hang Da Galleria (Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn có cái chết được dự báo từ trước khi ra mắt.
Tràng Tiền Plaza phải tạm đóng cửa hàng năm trời để “tái cơ cấu”, để “thay máu”… chuyển từ chỉ có những gian hàng đồ hiệu, xa xỉ đắt tiền trước kia sang có thêm nhiều quầy hàng phục vụ khách bình dân…
Hiện nay, sự tham gia của các ông lớn bán lẻ tại Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… hay sự nổi lên của cả các doanh nghiệp trong nước đã khiến những trung tâm cao cấp ngày càng khó khăn hơn.
Đáng nói, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đều có tham vọng, kế hoạch mở rộng kinh doanh. Đơn cử, siêu thị Lotte Mart từ Hàn Quốc thông báo kế hoạch của họ với 60 siêu thị tại Việt Nam cho đến năm 2020 hay AEON từ Nhật Bản cũng lên kế hoạch mở 20 đại siêu thị trên toàn quốc.
Đặc biệt, chuỗi cửa hàng VinMart và VinMart + của Tập đoàn Vingroup hiện có 1.000 siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên cả nước và với mục tiêu 3.000 cửa hàng trong năm 2018, trung bình mỗi ngày có 3 cửa hàng VinMart mới mọc lên cùng nhiều TTTM dần ra đời ở các vùng miền khiến nhiều ông lớn khác trên thị trường phải lo ngại về sự cạnh tranh.
Bộ Công thương dự báo, đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ lên 45%; tới năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị… cho thấy cuộc đua trên thị trường bán kẻ sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Theo ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận Bán lẻ, Savills TP.HCM, trong năm 2017, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt xấp xỉ 129 tỷ đô la, tăng trưởng 11% so với năm ngoái và đây là một tỉ lệ khá cao nếu so sánh với khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Với dân số gần 100 triệu người với gần 70% ở độ tuổi lao động, 34% sinh sống ở đô thị và GDP khoảng 2.385 đô la/người (tăng 10% mỗi năm), thị trường bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng vô cùng lớn.
Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị phát triển nhất, với tổng số mặt bằng bán lẻ vào khoảng 2,5 triệu m2.
Tuy nhiên, mật độ bán lẻ tại hai khu vực này lại thấp hơn 0,2 m2/người, thấp hơn nhiều nếu so sánh với những thành phố lớn trong khu vực như Bangkok (Thái Lan - 0.89m2), Singapore (0.75m2), Beijing (Trung Quốc - 0.65m2), Kuala Lampur (Malaysia - 0.64/m2) and Jakarta (Indonesia - 0.44m2)… Từ đó, chúng ta vẫn có khoảng tăng trưởng nhanh và đáng kì vọng.
Ông Bình cho rằng, trong giai đoạn 2018-2021, thị trường bán lẻ có thể tăng trưởng nhanh chóng để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của các nhu cầu về giải trí (với mức tăng xấp xỉ 10%), tạp hóa hiện đại (tăng vào khoảng 9% hàng năm) và thời trang (tăng tầm 6% hàng năm).