Parkson đóng cửa hàng loạt trung tâm thương mại tại VN: Thời hoàng kim đã lụi tàn?

Pha Lê |

Theo đánh giá của các chuyên gia là việc hàng loạt các trung tâm thương mại của Parkson đóng cửa là "cái chết đã được dự báo trước".

Một thời hoàng kim của Parkson đã chấm dứt

Một thông tin gần đây cho thấy, rất có khả năng Parkson sẽ tiếp tục tiến hành đóng cửa Parkson Cantavil (Quận 2, Tp.HCM) - trung tâm thương mại cao cấp hoạt động từ năm 2013 với số vốn đầu tư tại thời điểm đó lên đến 8 triệu USD.

Nếu thông tin này là chính xác, số trung tâm thương mại của Parkson đóng cửa trên cả nước sẽ nâng lên con số 5, trong đó ở Tp.HCM là 3.

Mở trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2005 mang tên Parkson Saigontourist, đến thời kỳ đỉnh cao, Parkson đã có 12 trung tâm thương mại trải dài trên cả nước, nằm tại những khu "đất vàng". Hàng hóa của Parkson một thời được xem như tiêu chuẩn của sự cao cấp tại Việt Nam.

Khi thâm nhập vào Việt Nam, định hướng phát triển của đơn vị này là chiếm lĩnh một trong 10 "thiên đường bán lẻ" tiềm năng nhất châu Á lúc đó. Tỷ lệ lấp đầy của Parkson Saigontourist Plaza khi đó vượt 90%.

Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh, tất cả các trung tâm thương mại của Parkson rơi vào tình trạng vắng vẻ. Tháng 1/2015, Parkson Keangnam đột ngột đóng cửa. Phía truyền thông của Keangnam HaNoi Landmark Tower cũng không nhận được bất cứ thông tin, văn bản nào của phía Parkson về việc Parkson tạm dừng hoạt động.

Parkson đóng cửa hàng loạt trung tâm thương mại tại VN: Thời hoàng kim đã lụi tàn? - Ảnh 1.

Một trung tâm thương mại của Parkson đã đóng cửa

Điều đáng nói là, dù là một "ông lớn" nhưng cách hành xử của Parson lại khiến nhiều người thất vọng. Parkson yêu cầu tiểu thương chuyển hàng hóa ra khỏi trung tâm thương mại trong vòng 2 ngày, đồng thời bị "tố" không coi trọng đối tác.

Đến tháng 5/2016, một trung tâm thương mại Parkson Paragon (Q7, TP HCM) chính thức ngừng hoạt động khi tình hình tài chính của doanh nghiệp này không mấy sáng sủa. Cũng trong năm này, Parkson Viet Tower cũng ra đi "không kèn không trống". Đến tháng 3/2018, Parkson Flemington tiếp tục biến mất khỏi bản đồ mua sắm của Việt Nam.

Điều đáng nói là, mặc dù các trung tâm thương mại lớn lần lượt đều đóng cửa nhưng tình hình kinh doanh của Parkson tại Việt Nam vẫn không mấy khả quan. Đơn vị này vẫn tiếp tục chìm vào thua lỗ.

Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 6 năm sau. Trong năm 2017, việc kinh doanh của Parkson có chiều hướng tiếp tục đi xuống. Doanh thu cả năm của đơn vị này đạt khoảng gần 500 tỷ đồng nhưng lỗ hơn 60 tỷ đồng.

Lũy kế 3 quý của niên độ tài chính 2017-2018, Parkson đạt doanh thu khoảng 350 tỷ đồng tại Việt Nam và lỗ 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước thì con số lỗ này đã giảm 4%.

Vì đâu nên nỗi?

Việc thua lỗ liên tiếp trong vòng 21 tháng liên tục, doanh thu xuống thấp kỷ lục là nguyên nhân chính dẫn đến việc Parkson rút dần khỏi thị trường Việt Nam. Việc kinh doanh thua lỗ này của Parkson, theo đánh giá của các chuyên gia là "cái chết đã được dự báo trước" và có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ lụy này.

Thứ nhất, chiến lược phát triển, định vị khách hàng của Parkson không phù hợp. Khi thâm nhập vào Việt Nam, Parkson đã áp dụng y nguyên chiến lược phát triển của mình đã làm tại các nước Đông Nam Á.

Parkson đánh vào nhóm đối tượng khách hàng có thu nhập cao nên thuê mặt bằng tại những địa điểm "vàng", các tòa nhà hàng đầu Việt Nam, nơi quy tụ nhóm người có thu nhập cao sinh sống.

Tuy nhiên, vô tình điều này khiến cho Parkson tự giới hạn đối tượng khách hàng của mình. Bên cạnh đó, chi phí thuê mặt bằng cao đã khiến thời gian hòa vốn của đơn vị này chậm.

Parkson đóng cửa hàng loạt trung tâm thương mại tại VN: Thời hoàng kim đã lụi tàn? - Ảnh 2.

Thứ hai, Parkson chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ. Việc liên tiếp đóng cửa các trung tâm thương mại cho thấy dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ tại thị trường Việt Nam của Parkson.

Trên thị trường, có nhiều đối thủ mạnh và có tiềm lực cạnh tranh mạnh mẽ với Parkson khiến thị phần doanh nghiệp này càng ngày càng bị thu hẹp, chịu cạnh tranh gay gắt.

Báo cáo tài chính của Parkson Retail cũng từng chỉ rõ, "chi tiêu của người dân Việt Nam trong ngành bán lẻ cao cấp rất yếu, cạnh tranh lại càng khốc liệt khi nhiều đối thủ mới xuất hiện trên thị trường. Hệ quả là Parkson Việt Nam có tăng trưởng SSS âm 5% trong báo cáo tài chính năm 2014 (7/2013-6/2014) với khoản lỗ hoạt động cao".

Thứ nữa, dù thâm nhập vào Việt Nam hơn 10 năm, nhưng theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, Parkson không hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt.

Trong khi người Việt có văn hóa là cần nhiều thời gian để lựa chọn, xem xét một sản phẩm trước khi xuống tiền thì Parkson lại tận dùng tối đa không gian cho các gian hàng, thiếu không gian cho khác đến ngắm, xem xét sản phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khách hàng dễ bỏ cuộc trong việc tìm mua một sản phẩm tại Parkson.

Tuy nhiên, để thay đổi một trung tâm thương mại không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy, chúng ta cũng không thể hi vọng các trung tâm thương mại còn lại của Parkson sẽ thay đổi trong ngày một, ngày hai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại