Trong cuốn truyện Thiên thần và Ác quỷ (Angel and Demon) của Dan Brown, sau một loạt hành động nhắm vào Giáo hội như lần lượt giết các Hồng y giáo chủ, đặt "phản vật chất" dưới tòa thánh Vatican … thì bí mật hé lộ ra chính là người thân cận của Giáo hoàng làm, chỉ bởi lý do đơn giản, muốn hướng sự chú ý của thế giới khi sức ảnh hưởng của Giáo hội ngày một giảm.
Đấy là chuyện giật gân hư cấu của Dan Brown, nhưng nó cũng vẽ cho chúng thấy một bức tranh, một cách thức mà người ta đang muốn kéo lại những gì đã mất, đang ngày càng mai một, không từ một thủ đoạn nào cả.
Oscar vẫn là giải thưởng danh giá nhất cho điện ảnh, bất cứ một nhà làm phim, một diễn viên nào cũng mơ ước được ôm tượng vàng trong tay và nói lời cảm ơn với toàn thể vũ trụ.
Nhưng dường như, Oscar đang ngày một bị "rẻ tiền hóa", nhất là ở lễ trao giải lần thứ 89 vừa diễn ra.
Màn selfie của Ellen tại Oscar 86 (Ảnh twitter Ellen DeGeneres)
Còn nhớ cách đây vài năm, khi ở giải Oscar lần thứ 86 năm 2014, MC Ellen DeGeneres đã xuống dưới và selfie với một dàn sao hạng A như Jennifer Lawrence, Channing Tatum, Julia Roberts, Kevin Spacey, Angelina Jolie, Brad Pitt, Lupita Nyong’O, Bradley Cooper, Meryl Streep và Jared Leto bằng chiếc smartphone mà ai cũng biết là của hãng tài trợ.
Ai cũng biết màn selfie đăng twitter của Ellen DeGeneres cũng là để quảng cáo điện thoại.
Và ở lễ trao giải năm nay, Oscar lần 89, chúng ta lại chứng kiến một màn kịch vụng về, thiếu nhân văn chỉ với mục đích "câu views" của BTC lễ trao giải Oscar.
Tại lễ trao giải Hoa hậu Hoàn vũ 2016 (Miss Universe), MC đã thật sự nhầm lẫn khi đọc nhầm tên Hoa hậu và Á hậu, gây ra sự bẽ bàng trên toàn thế giới cho hai người đẹp, sau đó MC này đã rất hối hận vì để xảy ra sự việc.
La La Land bị gọi nhầm tên là người thắng giải Phim xuất sắc nhất (ảnh Reuter)
Nhưng ở Oscar 89 vừa diễn ra, khó có thể tin được đây lại là một sự nhầm lẫn nữa, hầu hết đều cho rằng màn gọi tên La La Land nhưng cuối cùng phim điện ảnh xuất sắc nhất lại là Moonlight chính là một chiêu trò nhằm tạo bất ngờ.
BTC Oscar đã học theo Hoa hậu Hoàn Vũ, một kiểu bắt chước rất thiếu sáng tạo và thiếu nhân văn.
Có thể Oscar muốn tạo bất ngờ, có thể muốn tạo thêm làn sóng, có thể muốn tạo thêm sức hút, nhưng bao giờ cũng vậy, làm truyền thông không nên làm kiểu thiếu tình người.
Hoa hậu Hoàn vũ chỉ có một cô Á hậu đứng bẽ bàng, còn Oscar cho hẳn một ekip làm phim, nhà sản xuất, đạo diễn, quay phim, diễn viên … lên sân khấu rồi cuối cùng thất vọng đi xuống, cái cách đó nó quá tàn nhẫn, cái hình ảnh đó sẽ khắc vào tâm trí những người làm nghệ thuật, những người cống hiến hết mình cho điện ảnh, và hơn cả, ai cũng có lòng tự trọng và không ai muốn bị bỡn cợt như vậy.
Oscar đang bị "rẻ tiền hóa" và dùng cả chính những con người tạo nên lịch sử Oscar để phục vụ cho chiêu trò của mình.
Nếu muốn giữ vững tâm thế của giải thưởng điện ảnh danh giá nhất, nếu muốn giữ được sức hút đối với khán giả đại chúng, quan trọng nhất là Oscar giữ được sự công tâm, giữ được chất lượng nghệ thuật, giữ được những đánh giá chính xác, giữ được những tưởng thưởng xứng đáng.
Đừng rẻ tiền hóa, cái đó sẽ giết chết hình ảnh Oscar, hình ảnh biểu tượng của những người làm điện ảnh trên toàn thế giới.