Một cơ sở của Công ty Dầu khí Shell tại TP Fort Saskatchewan, tỉnh Alberta - Canada hôm 7-10 Ảnh: REUTERS
Quyết định sau cuộc họp nói trên được đưa ra bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ về việc cung cấp thêm nhiều dầu nhằm hạ nhiệt giá năng lượng vốn tăng mạnh trong thời gian gần đây. Dầu thô Brent có lúc được giao dịch ở mức 81,68 USD/thùng hôm 4-11, giảm 34 cent so với phiên trước đó.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak phát biểu trong cuộc họp báo hôm 4-11: "Quyết định được đưa ra trước đây là tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến cuối năm 2022. Hôm nay, quyết định này được nhắc lại để duy trì số lượng đã được thống nhất trước đó".
Khi được hỏi tại sao OPEC+ không tăng mức sản xuất bất chấp những lời phàn nàn và yêu cầu từ các nước tiêu thụ dầu như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, ông Novak cho hay OPEC và các đồng minh của họ đang duy trì sự cân bằng của thị trường và vẫn cảnh giác với những thay đổi tiềm năng về nhu cầu.
Theo ông Novak, từ tháng 8 đến nay, tổ chức này đã cung ứng thêm 2 triệu thùng dầu ra thị trường và tiếp tục cung cấp thêm sản lượng dầu như kế hoạch. Tuy nhiên, OPEC+ nhận thấy nhu cầu theo mùa có thể sụt giảm trong quý IV và quý I mỗi năm và một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu các sản phẩm dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 10 đang giảm.
Ông Novak nhận định các yếu tố trên chứng tỏ nhu cầu dầu toàn cầu vẫn đang chịu áp lực từ sự lây lan của biến thể Delta cũng như các biện pháp kiểm soát dịch tại nhiều nước. Gần đây, giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014, khiến các nước nhập khẩu dầu thô phải chịu áp lực nặng nề.
Tổng thống Joe Biden trước đó chỉ trích sự do dự của OPEC+ đã góp phần làm cho giá xăng dầu tại Mỹ cũng như trên khắp thế giới leo thang.
Theo đài CNBC, kể từ đầu tháng 3 năm nay, giá khí đốt tự nhiên ở EU đã tăng tới 618% và ở Mỹ là 127% trong khi giá than của EU đã tăng vọt tới 334% và mỗi loại hàng hóa đều tăng lên mức cao vào đầu tháng 10. Riêng dầu thô Brent đã tăng tới 36% kể từ đầu tháng 3.