OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá xăng dầu, lạm phát?

An An |

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất liên minh (OPEC+) mới đây đã quyết định cắt giảm lượng mà họ cung cấp cho nền kinh tế toàn cầu: 2 triệu thùng/ngày.

Và quy luật cung cầu cho thấy điều đó chỉ có thể có nghĩa một điều: Giá dầu thô và các sản phẩm được sản xuất từ dầu mỏ như dầu diesel, xăng và dầu sưởi đang tăng lên.

Lý do OPEC+ cắt giảm sản lượng

Hãng tin (AP) dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết, liên minh đang chủ động điều chỉnh nguồn cung để đối phó khả năng suy giảm kinh tế toàn cầu do ngành du lịch và công nghiệp sa sút.

"Chúng ta đang trải qua một thời kỳ đầy bất ổn và đó là một đám mây đen đang hình thành", quan chức này mô tả vai trò của OPEC+ là "một lực lượng điều tiết để mang lại sự ổn định".

Giá dầu đã giảm sau ngưỡng cao suốt mùa hè vừa qua. Giờ đây, sau quyết định trên, OPEC+ đang hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3. Giá dầu thô Mỹ tăng 3,2% vào 7/10 lên 91,31 USD/thùng. Dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế, tăng 2,8% lên 97,09 USD, mặc dù vẫn giảm 20% so với giữa tháng 6, khi giao dịch ở mức hơn 123 USD/thùng.

Một lý do lớn cho sự sụt giảm là lo ngại phần lớn nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái do giá năng lượng như dầu, khí đốt và điện tăng cao, dẫn đến lạm phát và làm giảm sức mua của người tiêu dùng.

Một lý do khác: Mức giá cao nhất trong mùa hè xuất hiện do lo ngại phần lớn sản lượng dầu của Nga sẽ biến mất trên thị trường do xung đột ở Ukraine.

Các nhà sản xuất dầu đang cảnh giác về sự giảm giá đột ngột nếu nền kinh tế toàn cầu lao dốc nhanh hơn dự kiến. Đó là những gì đã xảy ra trong đại dịch COVID-19 vào năm 2020 và trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Kịch bản giới hạn giá dầu Nga

OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá xăng dầu, lạm phát? - Ảnh 1.

Giá xăng tại Đức ngày 5/10. Ảnh: AP

Mỹ và Anh đã áp đặt các lệnh cấm chủ yếu mang tính biểu tượng vì không nước nào nhập khẩu nhiều dầu của Nga.

Trong khi đó, đến ngày 5/12 tới, toàn bộ 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ ngừng nhập hoàn toàn nguồn dầu vận chuyển bằng đường biển từ Nga nhưng vẫn giữ lại một lượng nhỏ nguồn cung cấp bằng đường ống do sự phụ thuộc của một số nước Đông Âu.

Ngoài ra, Mỹ và nhóm G7 đang nghiên cứu chi tiết về giới hạn giá dầu Nga. Lệnh cấm này sẽ nhắm mục tiêu vào các công ty bảo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ khác tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng dầu từ Nga đến các nước khác.

Nhiều nhà cung cấp trong số đó có trụ sở tại châu Âu sẽ bị cấm giao dịch với dầu Nga nếu giá cao hơn giới hạn.

Việc cắt giảm dầu, giới hạn giá và các lệnh cấm vận ảnh hưởng như thế nào?

Ý tưởng đằng sau giới hạn giá là cho phép dầu Nga chảy vào thị trường toàn cầu với mức giá thấp hơn. Tuy nhiên, Nga đã đe dọa sẽ ngừng cung cấp hàng hóa cho các quốc gia hoặc công ty tuân thủ quy định giới hạn. Điều đó có thể khiến dầu Nga bị loại khỏi thị trường nhiều hơn và đẩy giá lên cao.

Trong khi đó, giá xăng Mỹ, vốn tăng lên mức cao nhất lịch sử là 5,02 USD/gallon vào giữa tháng 6, đã giảm gần đây, nhưng hiện lại tăng trở lại, gia tăng lạm phát ở Mỹ.

Trong tuần trước, giá xăng trung bình trên toàn quốc cho một gallon đã tăng 9 xu, lên 3,87 USD. Con số này cao hơn 65 xu so với số tiền người Mỹ phải trả một năm trước.

Nói về quyết định của OPEC+, Tổng thống Joe Biden cho hay, ông cảm thấy rất thất vọng và Mỹ đang xem xét những lựa chọn thay thế khác.

Quyết định cắt giảm của OPEC+ có leo thang lạm phát?

Chắc chắn là có. Phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy Jorge Leon cho biết, dầu Brent sẽ đạt 100 USD/thùng vào tháng 12. Mức giá này cao hơn so với dự đoán trước đó là 89 USD.

OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá xăng dầu, lạm phát? - Ảnh 2.

Cắt giảm sản lượng dầu có thể khiến lạm phát gia tăng. Ảnh: AP

Một phần của việc cắt giảm 2 triệu thùng/ngày chỉ mới trên mặt giấy do một số nước OPEC+ không thể đưa ra hạn ngạch. Do đó, khối này chỉ có thể cung cấp khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trong điều kiện cắt giảm sản lượng thực tế.

Điều này vẫn sẽ có tác động "đáng kể" đến giá cả, ông Leon nói.

Ông nhấn mạnh: "Giá dầu cao hơn chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát mà các ngân hàng trung ương toàn cầu đang phải đối mặt và giá dầu cao hơn sẽ là một yếu tố cần cân nhắc cho việc tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế".

Điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, chủ yếu liên quan đến việc Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho hệ thống sưởi, điện và nhà máy, đồng thời sẽ đẩy giá xăng dầu toàn cầu lên cao. Khi điều đó thúc đẩy lạm phát, mọi người ngày càng chi tiêu ít hơn vào những thứ khác như thực phẩm và tiền thuê nhà.

Các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến giá dầu, bao gồm độ sâu của bất kỳ cuộc suy thoái nào có thể xảy ra ở Mỹ hoặc châu Âu và thời hạn của các hạn chế COVID-19 của Trung Quốc, đã làm giảm nhu cầu về nhiên liệu.

Điều này có ý nghĩa gì đối với Nga?

Các nhà phân tích cho rằng Nga, nhà sản xuất lớn nhất OPEC+, sẽ được hưởng lợi từ giá dầu cao hơn trước mức giá trần. Nếu Nga phải bán dầu giảm giá, ít nhất việc giảm giá bắt đầu ở mức giá cao hơn.

Giá dầu cao vào đầu năm nay bù đắp phần lớn doanh thu của Nga do bị mất khách hàng phương Tây. Nước này cũng đã định hướng lại khoảng 2/3 doanh số bán hàng vốn dành cho phương Tây cho khách hàng mới như Ấn Độ.

Nhưng sau đó, doanh thu từ dầu mỏ của Moscow đã giảm từ 21 tỷ USD trong tháng 6 xuống còn 19 tỷ USD vào tháng 7 và 17,7 tỷ USD vào tháng 8, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Một phần ba ngân sách nhà nước của Nga đến từ nguồn thu từ dầu mỏ, vì vậy giới hạn giá sẽ tiếp tục xói mòn nguồn thu chính của Nga.

Trong khi đó, phần còn lại của nền kinh tế Nga đang bị thu hẹp do các lệnh trừng phạt và sự rút lui của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại