Ông Trương Gia Bình: “Nhà nước đã có gói hỗ trợ lớn nhưng ngân hàng không biết cấp vốn cho ai”

Phương Nga |

“Thực chất Nhà nước đã có những gói hỗ trợ rất lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép sử dụng vào các gói trả chậm không phải nợ xấu. Điều này dẫn đến các ngân hàng trong lúc này “không biết cấp vốn cho ai”, vì đều là nguy hiểm cả và vốn thường đưa vào nhà giàu chứ không phải nhà nghèo”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Chủ tịch FPT chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến: "Chương trình hành động & giải pháp trong đại dịch Covid-19” mới đây.

Nhiều doanh nghiệp tại hội nghị lo lắng việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của của Chính Phủ.

Bày tỏ quan điểm, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), cho rằng, thực chất Nhà nước đã có những gói hỗ trợ rất lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép sử dụng vào các gói trả chậm không phải nợ xấu.

Điều này dẫn đến các ngân hàng trong lúc này “không biết cấp vốn cho ai”, vì đều là nguy hiểm cả và vốn thường đưa vào nhà giàu chứ không phải nhà nghèo.

Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, riêng ngành nông nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của xã hội và vẫn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian dịch nên Hiệp hội sẽ kiến nghị lên Chính phủ và làm việc với một số ngân hàng để cấp vốn cho các doanh nghiệp hội viên.

Ông Trương Gia Bình: “Nhà nước đã có gói hỗ trợ lớn nhưng ngân hàng không biết cấp vốn cho ai” - Ảnh 1.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods cho biết, khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản không phải là không có đơn hàng mà là không có vốn để thực hiện đơn hàng.

Bởi lẽ, dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 1/2020 đã khiến nguồn vốn của doanh nghiệp "tê liệt", các đối tác trả tiền nhỏ giọt khiến các doanh nghiệp trả tiền nhà cung ứng và lãi suất ngân hàng cũng "nhỏ giọt" theo.

"Biết được thông tin về gói tín dụng 285.000 tỷ đồng của Chính phủ, chúng tôi liền yêu cầu Ngân hàng cho giãn nợ nhưng phía ngân hàng lại trả lời, nếu giãn nợ thì sẽ bị đưa vào danh sách nợ xấu", ông Hùng nói.

Vị doanh nhân này cho hay, tìm nguồn vốn ngân hàng không được, hỏi bạn bè về việc "vay nóng" bên ngoài thì được biết, hiện lãi suất "vay nóng" bên ngoài rất cao, 1 triệu mà lãi lên tới 3.000 đến 5.000 đồng/ngày, lại còn khó vay vì đông người có nhu cầu.

“Vì thế, nếu VIDA và các tổ chức, hội, hiệp hội nếu có quỹ thì cần hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm này. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu xây dựng quỹ để hỗ trợ lẫn nhau thì lãi suất cũng phải cao hơn lãi ngân hàng mới có thể huy động được”, ông Hùng đề xuất.

Nắm bắt những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, tại Hội nghị, Bộ đã làm việc với Đại sứ quán một số nước để thúc đẩy và gỡ khó cho doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng trực tiếp làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc để mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.

Dự báo khoảng tháng 5, ngành nông nghiệp sẽ bước vào giai đoạn phục hồi đầu tiên, khi đó chúng ta cần thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc và tiếp sau đó là các thị trường Âu - Mỹ có thể phục hồi trong Quý 3/2020.

Theo ông Toản, khi tình hình dịch bệnh được khống chế, Bộ NN&PTNT dự kiến ưu tiên sang thị trường Trung Quốc và đàm phán mở cửa thị trường với nhiều sản phẩm nông nghiệp.

Hiện tại, Bộ NN&PTNT và phía Trung Quốc đã đàm phán để mở cửa cho các mặt như: Thạch đen, tổ yến, chanh leo... cố gắng trong năm nay sẽ hoàn tất để doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng đã có báo cáo kiến nghị gửi Chính phủ dành gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp được hiệu quả và thiết thực nhất.

Ông Trương Gia Bình: “Nhà nước đã có gói hỗ trợ lớn nhưng ngân hàng không biết cấp vốn cho ai” - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại