Ông Trương Gia Bình chia sẻ với ngành gỗ: “Trong thời công nghệ số, không phải công ty lớn thắng bé, mà là công ty hành động nhanh sẽ thắng chậm”

Thảo Nguyên |

“Trong cuộc cách mạng này, đặt mọi người vào vị thế, hoặc là chuyển đổi số hoặc là tiêu vong. Tôi nghĩ, khoảng 10-15 năm nữa, trật tự mới sẽ được thiết lập…”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh tại buổi tọa đàm “Mô hình 020- Nền tảng kinh doanh từ Offline đến Online” do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức mới đây tại Tp.HCM.

Ngành gỗ với câu chuyện chuyển đổi số

Theo HAWA, dưới tác động của dịch cúm Covid-19 đã khiến ngành sản xuất đồ gỗ tại Trung Quốc bị đình trệ, hầu hết các nhà máy chưa hoặc sản xuất cầm chừng, gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có chiều hướng lây lan rộng sang nhiều quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Iran..., hàng loạt các hội chợ nội thất trên toàn thế giới đã bị trì hoãn. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM quyết định dời lịch tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam – VIFA EXPO 2020 sang thời điểm thích hợp.

Theo đơn vị này, hiện nay, các khách hàng lớn tại Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản,… càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc.

Đông Nam Á trở thành thị trường thay thế lý tưởng, trong đó Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất trong khu vực. Thêm vào đó các hiệp định CPTPP/EVFTA đi vào thực thi càng tăng khả năng kết nối cũng như các ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều thị trường mới được mở ra.

Ông Trương Gia Bình chia sẻ với ngành gỗ: “Trong thời công nghệ số, không phải công ty lớn thắng bé, mà là công ty hành động nhanh sẽ thắng chậm” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết, quyết định dời lịch tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam vì dịch Covid-19

Thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng nguồn cung, nguồn lực sản xuất Việt Nam đã sẵn sàng, các DN gỗ cần tiếp cận thị trường càng sớm càng tốt, DN cần phải nhanh, năng động để đón lấy cơ hội thị trường.

Ở chiều ngược lại, mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng truyền thống lại gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí vận hành quá lớn, kém năng động, một điển hình gần đây là việc đăng ký phá sản của Peer 1 Import – một hệ thống kinh doanh đồ nội thất rất lớn tại Mỹ, buộc họ phải cải tổ để đi tiếp.

Đứng trước một cuộc khủng hoảng thường là điểm mốc của sự thay đổi, một DN có khả năng thích ứng nhanh sẽ tận dụng tốt các cơ hội phát triển từ thị trường.

Sự chuyển đổi không gian số nhanh hơn bao giờ hết, động thái tiêu dùng thay đổi liên tục, dịch bệnh,… đang tạo ra áp lực và thách thức buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, cải tiến ở tất cả các khâu từ thiết kế, sản xuất đến thương mại trong đó chuyển đổi số là chìa khóa cốt lõi.

Theo đó, việc tiếp cận chiến lược chuyển đổi số toàn diện cho ngành gỗ nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, tối ưu hóa cơ hội bán hàng.

Đây cũng là nỗ lực của HAWA nhằm đem đến cho doanh nghiệp trong ngành giải pháp mới tăng trưởng thương mại, đồng thời tìm định hướng phát triển mô hình kinh doanh trong tương lai, gia tăng giá trị đồ gỗ và đảm bảo mục tiêu 20 tỉ USD của chính phủ đề ra đến năm 2025.

Làm thế nào để ngành gỗ không chỉ tăng trưởng giá trị thương mại mà tăng trưởng giá trị gia tăng

Theo ông Trương Gia Bình, ngành gỗ Việt Nam có sức mạnh rất lớn, mục tiêu sau 5 năm nữa từ 10 tỉ USD lên 20 tỉ USD, đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Để nắm bắt được cơ hội này, ngành gỗ cần suy nghĩ rằng: Làm thế nào để ngành gỗ không chỉ tăng giá trị thương mại mà tăng trưởng cả về giá trị gia tăng.

Vị Chủ tịch này nhấn mạnh đến sức mạnh của chuyển đổi số trong ngành gỗ nói riêng, tất cả các lĩnh vực nói chung.

“Chúng ta đang sống trong giai đoạn rất quan trọng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ở đó, trí tuệ nhân tạo với dữ liệu lớn dần thay thế chức năng mà lâu nay con người làm. Hãy tin rằng, thế giới thực sinh ra thế giới ảo và ngược lại. Mọi tính toán tối ưu được xem trên thế giới ảo trước khi làm trên thế giới thực.

Mọi nhà lãnh đạo là nhà lãnh đạo số, mọi ngân sách chi tiêu là ngân sách số, mọi công dân trở thành doanh nghiệp số, con người sẽ thay đổi cách thức làm việc và cách thức sống”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Trương Gia Bình chia sẻ với ngành gỗ: “Trong thời công nghệ số, không phải công ty lớn thắng bé, mà là công ty hành động nhanh sẽ thắng chậm” - Ảnh 2.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cuộc cách mạng 4.0 đặt mọi người vào vị thế, hoặc là chuyển đổi số hoặc là tiêu vong

Trong tương lai gần, với ngành gỗ, showroom ảo còn tiện hơn cả showroom thật. Người mua hàng dùng scan 3D để trang trí nhà cửa… những thay đổi này theo ông Bình đang và sẽ xảy ra như vũ bão. Tuy nhiên, thực sự chuyển đổi số như thế nào cả Việt Nam và thế giới đang hoang mang.

Với chuyển đổi số, mọi ngành nghề sẽ thay đổi cách tiếp cận khách hàng. Thế giới kinh doanh hiểu biết sâu sắc khách hàng, đánh giá được nhu cầu của từng khách hàng cụ thể.

Và, khi công nghệ trong chuyển đổi số thì những tổ chức phản ứng như con người, gọi là tổ chức không giấy. Theo ông Trương Gia Bình, ngành gỗ mà chuyển đổi số thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, tăng trưởng rất mạnh.

“Trong bối cảnh ngành gỗ tăng trưởng thuận lợi thì tôi nghĩ cần suy xét đến ứng dụng công nghệ số để năng suất lao động cao, hiệu quả, hài lòng của khách hàng và tạo sự cạnh tranh vượt trội so với đối thủ. Trong công nghệ số, không phải công ty lớn thắng công ty bé mà công ty hành động nhanh sẽ thắng công ty hành động chậm.

Cuộc cách mạng này đặt mọi người vào vị thế, hoặc là chuyển đổi số hoặc là tiêu vong. Vấn đề là thời gian chuyển đổi số lúc nào xảy ra, xảy ra quy mô nào. Theo tôi, 10-15 năm nữa trật tự mới sẽ được thiết lập”, Chủ tịch FPT chia sẻ.

Ông Bình cũng tiết lộ, 1/3 doanh thu của FPT đến từ chuyển đối số. Ngân sách chuyển đổi số vượt ngân sách công nghệ thông tin. Mục tiêu đến năm 2022, doanh thu FPT sẽ gấp đôi hiện tại, trên 2.000 tỉ đô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại